Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tiếp tục rà soát không bỏ sót đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19

(VOH) - Các Đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19.

Trong buổi giám sát ngày hôm 23/9 với các sở ngành về việc thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ và Nghị quyết số 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố về hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19, các Đại biểu Quốc hội Đoàn TPHCM đánh giá cao sự nỗ lực của các đơn vị.

tiep-tuc-ra-soat-khong-bo-sot-cac-doi-tuong-duoc-ho-tro-do-anh-huong-dich-covid-19-voh.com.vn-anh1
Thành phố tiếp tục rà soát không bỏ sót các đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 trên địa bàn Thành phố có trên 1,5 triệu hộ lao động gặp khó khăn, trên 220.000 lao động bị ngừng việc, hoãn việc và trên 4,5 triệu lao động nhận sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương về kinh phí, thực phẩm để trang trải cuộc sống trong thời gian giãn cách xã hội. Đối với triển khai thực hiện Nghị quyết số 42 và Nghị quyết số 154 của Chính phủ, Thành phố đã giải quyết cho hơn 562 ngàn đối tượng, với số tiền hơn 615 tỷ đồng. Đối với việc thực hiện Nghị quyết 09 của Hội đồng nhân dân Thành phố tính đến ngày 21/9 đã giải quyết cho hơn 1,1 triệu  đối tượng, với hơn 2.059 tỷ đồng.

Theo Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Nguyễn Thị Lệ, phần lớn các sở ngành, các địa phương đã triển khai hỗ trợ kịp thời cho người dân, nhưng thực tế vẫn còn 1 số ít chưa nhận được. Do đó, Chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố yêu cầu Sở Lao động Thương binh và Xã hội phải rà soát kỹ lại để cấp cho người dân: “Nghị quyết 09 ban hành cho 6 đối tượng. Đến giờ này, chúng ta chi chưa hết. Đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phải rà soát kỹ để chi. Chúng ta không hồi tố, nhưng chưa chi thì phải chi đúng đối tượng”.

Về gói hỗ trợ doanh nghiệp, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Anh Tuấn đề nghị cần phân loại doanh nghiệp thành 3 nhóm để doanh nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ đúng, trúng và hiệu quả bao gồm: Doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản; doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động; doanh nghiệp đang còn hoạt động.

Thời gian qua dù có triển khai hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng theo ông Cao Thanh Bình - Trưởng Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố thì tiến độ còn khá chậm: “Đến hôm nay, chúng ta vẫn báo là đang hướng dẫn cho doanh nghiệp, như vậy là chậm. Hay việc hỗ trợ cho hướng dẫn viên du lịch đến thời điểm này chỉ được hơn 10% là quá chậm”.

Theo Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Văn Thị Bạch Tuyết, thời gian qua các sở ngành, địa phương đã nỗ lực rất nhiều trong việc triển khai các Nghị quyết của Chính phủ, của Hội đồng nhân dân trong việc hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên thời gian tới cần phải rà soát kĩ hơn, nhất là các sở có chức năng tham mưu phải có hướng dẫn chi tiết để các địa phương triển khai dễ dàng: “Việc xác định các đối tượng cần rõ ràng để anh em thực hiện dễ dàng”.

Những kiến nghị của các sở, ngành sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố tổng hợp kiến nghị với Quốc hội, với Chính phủ. Đồng thời có kiến nghị gửi các cơ quan Trung ương có sự quan tâm, sớm tháo gỡ các vướng mắc phát sinh để Thành phố kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp để phục hồi và phát triển kinh tế.

Bình luận