Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM: Bước chuyển mình đột phá trong thủ tục hành chính

VOH - TPHCM xác định đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính là khâu đột phá để tạo môi trường thuận lợi, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.

Từ đầu tháng 6, thực hiện Nghị quyết 07/2024 của HĐND TPHCM, các cơ quan hành chính trên địa bàn thành phố đã áp dụng mức thu lệ phí 0 đồng với 98 loại hồ sơ thủ tục hành chính áp dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần.

Đây là nội dung quan trọng trong kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 cũng như thực hiện Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM.

Mục tiêu của chính sách là nhằm tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia, tạo thói quen sử dụng các hình thức giao dịch trực tuyến khi thực hiện thủ tục hành chính trên địa bàn.

ban-hanh-ke-hoach-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-trong-tam-nam-20241706184478-8726
TPHCM có nhiều mô hình đột phá trong cải cách hành chính - Ảnh minh họa

So với việc thực hiện Dịch vụ hành chính công truyền thống, thì việc sử Dụng dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích cho người dân và doanh nghiệp: Tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và tổ chức trong việc đề nghị cơ quan quản lý nhà nước cung ứng dịch vụ công mà mình cần thực hiện, giảm bớt các giấy tờ trong hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính.

Người dân khi đăng ký dịch vụ công trực tuyến sẽ giảm được thời gian gửi/nhận hồ sơ và tiết kiệm được chi phí đi lại. Tăng cường tính minh bạch của các cơ quan cung cấp dịch vụ.

Đặc biệt, đem lại hiệu quả kinh tế cho các cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ và cả cơ quan cung cấp dịch vụ: tiết kiệm được thời gian, công sức, cắt giảm các chi phí đi lại, chi phí văn phòng phẩm,...

Có mặt tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả quận Phú Nhuận, anh Nguyễn Đoàn Minh Tuấn (sinh năm 1995, ngụ quận Phú Nhuận) đến nhận hồ sơ trích lục khai sinh từ năm 1995.

Theo anh Tuấn, thủ tục khá đơn giản, chỉ cần nộp giấy khai sinh cũ và điền mẫu đơn nộp theo yêu cầu, nhận lịch hẹn trả hồ sơ trong 3 ngày. Thủ tục đơn giản giúp anh Tuấn tiết kiệm thời gian, công sức.

Ảnh màn hình 2024-10-10 lúc 14.54.18
Cổng Dịch vụ công Quốc gia hỗ trợ thông tin, đăng ký thủ tục hành chính - Ảnh chụp màn hình

Anh Phương Nguyễn (sinh năm 1986, ngụ thành phố Thủ Đức) cho biết: Anh cần giấy chứng nhận độc thân để làm giấy tờ nhà căn hộ anh vừa mua. Anh lựa chọn hình thức làm trực tuyến. Quy trình thủ tục đơn giản đến bất ngờ khi chỉ cần truy cập vào Cổng dịch vụ công quốc gia, đăng ký tài khoản, xác thực người dùng theo hướng dẫn, đăng nhập vào hệ thống, xác định đúng UBND cấp xã có thẩm quyền, cung cấp thông tin theo biểu mẫu, nộp phí, lệ phí thông qua chức năng thanh toán trực tuyến là đã hoàn tất việc nộp hồ sơ.

“Trong vòng 7 ngày là hồ sơ của mình được giải quyết, giấy chứng nhận độc thân được giao thẳng về công ty. Mình không cần di chuyển, tiết kiệm thời gian công sức hơn so với nộp trực tiếp tại UBND phường, quận”, anh Phương nói.

Chị Hồng Phúc, giám đốc công ty Bao bì Thành Tâm (quận Bình Tân) cho biết: “Tôi thấy việc UBND phường, quận triển khai bộ phận một cửa tạo nhiều thuận lợi cho người dân. Tất cả các thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa đều được niêm yết công khai để người dân tìm hiểu, theo dõi và thực hiện. Người dân không phải đi lại tại nhiều nơi, mất nhiều thời gian, công sức đi lại, chờ đợi như trước đây. Hiện nay, các thủ tục đều được giải quyết trên môi trường điện tử nên rất nhanh chóng, thuận tiện”.

Là địa bàn có dân số đông, năm 2023, quận Bình Tân đã tiếp nhận và giải quyết hơn 23.860 hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến. Để giải quyết nhanh, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, quận chủ động triển khai hiệu quả 27 mô hình về chuyển đổi số; triển khai cấp chữ ký số công cộng cho người dân ở quận.

Quận Bình Tân đã cấp chữ ký số cho 27 đơn vị và 567 cán bộ công chức, viên chức thuộc quận, 5.570 chữ ký điện tử cá nhân cho công dân từ 15 tuổi trở lên.

ubnd-bhhb
Bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả tại phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân

Giám đốc Sở TT&TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, đến nay 100% cơ quan nhà nước ở TPHCM đã triển khai thư điện tử công vụ; hệ thống quản lý văn bản, tài liệu điện tử; hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành trên nền tảng số.

TPHCM đã hoàn thành, đưa vào vận hành nền tảng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tập trung và Cổng Dịch vụ công Thành phố; tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số, trong đó 280 dịch vụ công trực tuyến một phần và 460 dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

TPHCM tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông, phổ biến về chuyển đổi số, đặc biệt là người dân ở các huyện ngoại thành, khu vực khó khăn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân.

Sở TT&TT sẽ tham mưu UBND TPHCM chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh; tiếp tục cải cách hành chính, cắt giảm các thủ tục không cần thiết, ra mắt ứng dụng Công dân số.

Theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử (EGDI) năm 2024 của Liên hợp quốc công bố cuối tháng 9/2024, Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp thứ 71/193 quốc gia và vùng lãnh thổ. So với năm 2022 và 2020, Việt Nam đã tăng 15 bậc.

Theo xếp hạng mới này, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu đặt ra năm 2024 về xếp hạng chính phủ điện tử tăng ít nhất 5 bậc tại Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Bình luận