Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM chính thức đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt

(VOH) - Sáng 16/9, TPHCM đã chính thức đổi tên 1 đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt. Với điểm đầu là cầu Bông phía đường Trường Sa đến đường Phan Đăng Lưu.

Việc đặt lại tên đoạn đường Đinh Tiên Hoàng thành Lê Văn Duyệt đã được đưa ra thảo luận ở nhiều hội thảo khoa học. Trước năm 1975, đoạn đường này cũng mang tên Lê Văn Duyệt. Từ ngày 16/9, con đường này sẽ chính thức trở lại tên Lê Văn Duyệt.

Đường Lê Văn Duyệt dài gần 1.000 m, bắt đầu từ Cầu Bông và kết thúc tại đường Phan Đăng Lưu. Ngay góc đường Phan Đăng Lưu – Lê Văn Duyệt là Lăng của Tả quân Lê Văn Duyệt. Cạnh đó còn có nhiều tuyến đường được đặt tên gắn với các danh nhân cùng thời với Tả quân Lê Văn Duyệt như Trịnh Hoài Đức, Phan Văn Trị..., giúp người dân dễ nhớ, dễ tìm, khuyến khích họ tìm hiểu lịch sử, văn hoá.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 20 HĐND TPHCM khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu đã thông qua nghị quyết về việc đổi tên đường Đinh Tiên Hoàng (đoạn từ cầu Bông đến Phan Đăng Lưu) trên địa bàn quận Bình Thạnh thành đường Lê Văn Duyệt.

Cùng với lễ đổi tên đường, TPHCM cũng long trọng tổ chức Lễ giỗ lần thứ 188 Đức Thượng Công Tả quân Lê Văn Duyệt, như sự ghi nhận và tri ân một cách xứng đáng công lao và đóng góp của vị danh thần này đối với lịch sử phát triển của thành phố.

Lăng Ông Bà Chiểu, tức khu lăng mộ thờ đức Tả quân - Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt (1764-1832), rộng 18.500 m vuông, tọa lạc giữa bốn con đường: Đinh Tiên Hoàng, Phan Đăng Lưu, Trịnh Hoài Đức và Vũ Tùng. Khu lăng mộ được xây dựng năm 1948. Hình ảnh cổng tam quan lăng Ông in trên các tấm thiệp bưu chính (card postale) trước năm 1975 được coi như biểu tượng của vùng Sài Gòn - Gia Định xưa.

Lê Văn Duyệt (1764-1832) sinh ra trong gia đình nông dân tại Cù Lao Hổ, nay thuộc làng Hòa Khánh, tỉnh Tiền Giang. Tổ tiên ông có gốc tích ở Quảng Ngãi, sau vào Nam sinh sống.

Năm 17 tuổi, Lê Văn Duyệt gặp chúa Nguyễn Phúc Ánh, sau đó được tuyển làm Thái giám Nội đình. Nhờ hiểu biết việc binh, ông được chúa Nguyễn tin dùng và được đứng vào hàng tướng lĩnh từ năm 1789.

Khi Gia Long lên ngôi, vua xem Lê Văn Duyệt là Đệ nhất khai quốc công thần và phong chức Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình Tây Tướng Quân. Lê Văn Duyệt được giao làm tổng trấn Gia Định Thành (cai quản 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và An Giang) lần thứ nhất từ năm 1813 đến 1816; lần thứ hai từ năm 1820 đến lúc qua đời.

Theo các sử gia, Lê Văn Duyệt có khả năng về quân sự lẫn chính trị, ngoại giao; là một vị quan nghiêm khắc, thanh liêm.

Với miền Nam, ông có công khai hoang, lập ấp, làm cho một vùng rừng rậm, đầm lầy trở nên trù phú với một nền an ninh vững chắc. Tả quân cũng là người có công lớn trong việc đào kinh Vĩnh Tế tại Châu Đốc - An Giang.

Bình luận