Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM: Sáp nhập 27 cơ quan báo chí thành 19 cơ quan báo chí

(VOH) - TPHCM đã sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn, sáp nhập từ 27 cơ quan báo chí thành 19 cơ quan báo chí.

Sáng 6/10, tại Hội nghị Sơ kết giai đoạn 1 Đề án sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cho biết, trong giai đoạn 1 triển khai Đề án, Thành phố thực hiện sắp xếp hệ thống cơ quan báo chí theo hướng tinh gọn dưới hình thức chuyển đổi cơ quan chủ quản, mô hình hoạt động, sáp nhập từ 27 cơ quan báo chí còn 19 cơ quan báo chí.

Hiện nay, về cơ bản việc sắp xếp trong giai đoạn 1 đã hoàn thành. Có 25/27 cơ quan báo chí đã hoàn thành việc sắp xếp (đạt tỉ lệ trên 92%), còn 2/27 cơ quan báo chí đang sắp xếp (Báo Tuổi trẻ, Báo Cựu chiến binh Thành phố), tỉ lệ gần 8%.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM Từ Lương nhìn nhận, các cơ quan báo chí sau khi sắp xếp đã nhanh chóng đi vào ổn định, hoạt động bình thường, tuân thủ các quy định pháp luật; đảm bảo công tác tổ chức, nhân sự, tài chính không xảy ra vướng mắc; xây dựng kế hoạch hoạt động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo yêu cầu mới.

Sắp tới, thành phố tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của Đề án, các cơ quan báo chí đổi mới hình thức, nội dung các ấn phẩm đáp ứng yêu cầu thông tin chung và thông tin chuyên biệt của từng nhóm độc giả.

TPHCM: Sáp nhập 27 cơ quan báo chí thành 19 cơ quan báo chí 1
Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Từ Lương báo cáo kết quả thực hiện Đề án giai đoạn 1

Các cơ quan báo chí cảm ơn sự quan tâm của các cấp lãnh đạo đã tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí hoàn thành việc sắp xếp, phát triển và quản lý báo chí TPHCM đến năm 2025.

Tuy nhiên, các cơ quan báo chí đang gặp những khó khăn, nhất là từ sau dịch COVID-19  nguồn thu của các báo cũng chịu ảnh hưởng. Theo Tổng biên tập báo Pháp luật TPHCM Mai Ngọc Phước, Thành phố cần tạo điều kiện hơn nữa cho đội ngũ phóng viên tác nghiệp, vì đây là lực lượng đưa thông tin chính thống, có tính định hướng đến người dân, phản bác các luận điệu sai trái từ bên ngoài.

Theo ông Mai Ngọc Phước: “Hiện nay mạng xã hội đang cạnh tranh gay gắt và lan truyền rất nhanh, trong đó có nhiều thông tin xấu độc. Để phản bác lại các thông tin đó, báo chí cần phải có thông tin chính thống từ các cơ quan chức năng nhưng yêu cầu đặt ra là phải có văn bản. Như vậy, việc phản bác các quan điểm sai trái sẽ bị chậm, gặp nhiều khó khăn”.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đề xuất Bộ Thông tin và Truyền thông cân nhắc, xem xét tạo sự linh hoạt hơn cho các cơ quan báo chí trong việc sắp xếp để phù hợp với sự phát triển chung của đất nước và thành phố.

Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng yêu cầu các cơ quan báo chí cần tăng cường sự chủ động, sáng tạo của mình trong xu thế phát triển hiện nay: “các cơ quan báo chí lưu ý tính chủ động và phải chấp nhận sự không thay đổi là “chết” để chúng ta mạnh mẽ hơn, vươn lên. Chúng ta phải có sự thích ứng, tồn tại với công cuộc chuyển đổi số, thích ứng với thị hiếu thói quen và có như vậy báo chí mới phát triển được. Tất cả phải quyết tâm, lãnh đạo TP sẽ suy nghĩ, đồng hành cùng với các cơ quan báo chí để tìm hướng phát triển”.

Bình luận