Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM sẽ tổ chức nhiều hoạt động mừng Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng Giêng)

(VOH) - Lễ hội Tết Nguyên tiêu 2023 sẽ diễn ra trong hai ngày 4 và 5/2 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng năm Quý Mão) với nhiều hoạt động như diễu hành nghệ thuật đường phố; tuần lễ ẩm thực Dimsum…

UBND TPHCM vừa ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội Tết Nguyên tiêu và Đêm thơ Việt Nam năm 2023. Theo đó, lễ hội sẽ diễn ra vào ngày 4 và 5/2/2023 tại Công viên Văn Lang và Trung tâm Văn hóa Quận 5 với nhiều hoạt động ý nghĩa. 

Tết Nguyên tiêu
Lễ hội mừng Tết Nguyên tiêu sẽ diễn ra vào ngày 4 và 5/2/2023

Ngày 4/2/2023, chương trình Đêm thơ Việt Nam được tổ chức tại Công viên Văn Lang (Quận 5) với các tiết mục ngâm thơ - nhạc Việt Nam kéo dài từ 19 giờ 30 - 21 giờ 30.

Ngày 5/2/2023, 1.200 diễn viên (dự kiến) sẽ diễu hành nghệ thuật qua các tuyến đường: Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm - Lão Tử - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Trần Xuân Hòa - Trung tâm Văn hóa Quận 5 (số 105 đường Trần Hưng Đạo, Phường 6, Quận 5), từ 16 giờ 30 - 18 giờ 30.

Từ 19 giờ 00 - 21 giờ 30 ngày 5/2/2023, đêm hội Nguyên tiêu được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Quận 5.

Trong khuôn khổ chương trình, nhiều hoạt động cũng sẽ diễn ra như: tuần lễ ẩm thực Dimsum; biểu diễn văn nghệ, kịch, Lân - Sư - Rồng; tổ chức các nghi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu, đấu thỉnh đèn lộc…

Tết Nguyên tiêu - Rằm tháng Giêng được mọi gia đình Việt Nam coi trọng. Trong các ngày rằm thì rằm tháng Giêng được cho là trọng nhất. Có thể thấy tầm quan trọng của Tết Nguyên tiêu trong văn hóa Việt Nam qua câu thành ngữ “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hay “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.

Trong tiếng Hán, “Nguyên” là thứ nhất, “tiêu” là đêm; nguyên tiêu ý nói là đêm rằm đầu tiên trong năm. Vì thế, nó còn được gọi là lễ Thượng nguyên, bên cạnh Tết Trung nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ nguyên (Rằm tháng Mười).

Với người Việt Nam, Rằm tháng Giêng là ngày lễ chính thức khép lại những ngày Tết Nguyên đán. Trong ngày này, nhiều gia đình lên chùa cầu an, cúng sao giải hạn, mọi nhà đều thắp hương và làm cơm cúng gia tiên, thần linh để tri ân và cầu mong một năm mới an lành, may mắn.

Theo phong tục, lễ cúng Rằm tháng Giêng thường được tiến hành vào giờ Ngọ (tức là từ 11h đến 13h) ngày chính rằm (15/1 âm lịch). Hiện nay phần lớn các gia đình vẫn cúng vào ngày này, giờ giấc linh hoạt, tùy theo điều kiện thực tế. Các gia đình bận rộn có thể sắp xếp cúng trước rằm, từ ngày 13, 14, thậm chí có gia đình cúng từ ngày 11, 12 âm lịch.

Bình luận