Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM tìm nguồn cung ứng vắc xin Covid-19, hướng đến tiêm cho toàn bộ người dân

(VOH) - Các doanh nghiệp đề xuất tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất, đưa doanh nhân, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vắc xin.

Tại hội nghị trực tuyến giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM xoay quanh các kiến nghị của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bàn giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp sáng nay 10/9, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - Chu Tiến Dũng đề xuất Chương trình tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất, đồng thời đưa đối tượng các doanh nhân, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vắc xin vì sự phát triển kinh tế.

hội nghị trực tuyến, covid-19
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phạm Đức Hải chủ trì hội nghị

Xem thêm:

Ngày 10/6: TPHCM ghi nhận thêm 35 ca nhiễm mới và chuỗi lây nhiễm ở xưởng cơ khí tại Hóc Môn

Ngày 10/6: Thêm 219 ca mắc mới Covid-19 trong nước, chữa khỏi 72 bệnh nhân

Doanh nghiệp kiến nghị tiêm vắc xin cho người lao động

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - Chu Tiến Dũng, các doanh nghiệp hiện nay chấp hành rất nghiêm quy định 5K, bộ tiêu chí phòng chống dịch của Chính phủ và thành phố ban hành, rất tích cực quyên góp, đóng góp ủng hộ Quỹ vắc xin phòng chống Covid-19 của Chính phủ.

Tuy nhiên, lãnh đạo Hiệp hội cho rằng, trong lúc nhiều quốc gia phát triển, những thị trường quan trọng như Mỹ, châu Âu…đang dần đạt miễn dịch cộng đồng, mở cửa kinh tế trở lại, thị trường có nhiều cơ hội thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tiếp cận được vắc xin tiêm phòng cho công nhân, người lao động.

Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới cơ hội gia nhập thị trường quốc tế, làm chậm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên các thị trường nước ngoài, kết nối kinh doanh với các đối tác.

Vì vậy, ông Chu Tiến Dũng đề xuất, lãnh đạo Thành phố kiến nghị Chính phủ có cơ chế, kế hoạch và lộ trình thật cụ thể về Chương trình tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 cho công nhân, người lao động trong thời gian sớm nhất, đưa doanh nhân, công nhân, người lao động vào đối tượng ưu tiên tiếp cận vắc xin vì sự phát triển kinh tế - chỉ sau ưu tiên cho tuyến đầu phòng chống dịch, vùng dịch.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện và hướng dẫn các doanh nghiệp có thể chủ động mua sớm vắc xin tiêm phòng cho công nhân của mình.

Cũng theo ông Dũng, bài học từ việc ban hành quy định phòng chống dịch của tỉnh Đồng Nai đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, mỗi khi các địa phương ban hành các quy định phòng chống dịch có liên quan đến doanh nghiệp cần có sự phối hợp trao đổi giữa các địa phương khác để có sự thống nhất trước khi quyết định. Nếu có thể, cần dành cho doanh nghiệp một khoảng thời gian để chuẩn bị để không bị động, gây cản trở và khó khăn cho sản xuất.

Về việc tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Thắng Jean, cũng đề nghị Bộ Y tế bổ sung thêm nhóm đối tượng rủi ro cao là người lao động dệt may vào nhóm ưu tiên tiêm vắc xin.

Bên cạnh đó, ông đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp tiêm vắc xin Covid-19 cho người lao động bằng chi phí của doanh nghiệp. Theo ông Việt, hiện nay toàn bộ vắc xin trên thế giới cấp phép lưu hành chưa có lưu hành thương mại, các doanh nghiệp bán vắc xin chỉ giao dịch thông qua Chính phủ, chưa bán trực tiếp cho doanh nghiệp nên nguồn vắc xin cho người lao động nhờ Chính phủ tìm nguồn hỗ trợ. Mặt khác, ông Phạm Văn Việt cũng đề xuất cho phép doanh nghiệp mua bộ test Covid-19 để kiểm tra, kiểm soát tình hình sức khỏe của công nhân.

“Hai bộ test xét nghiệm mà chúng tôi xin đề xuất tiếp cận mua, đó là bộ test của Công ty Cổ phần Việt Á và Học viện Quân Y Sao Thái Dương do Bộ Y tế cấp phép. Hiện nay, hai bộ test này chỉ được bán cho các tuyến trên với số lượng lớn chứ chưa bán rộng rãi ra thị trường” – ông Việt nói.

Mục tiêu của Thành phố là tiêm vắc xin cho toàn dân

Trước đề xuất của lãnh đạo các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng về việc tiêm vắc xin cho công nhân, người lao động tại doanh nghiệp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cho biết: “Mục tiêu của Thành phố là tiêm vắc xin cho toàn bộ người dân Thành phố. Từ đầu tuần đến nay, Thành phố cũng đã có những buổi đàm phán với nhà cung ứng vắc xin và làm việc với một số doanh nghiệp có nguồn cung ứng vắc xin này. Ngày mai, lãnh đạo Thành phố sẽ có cuộc họp liên quan vấn đề này bàn lộ trình tiêm vắc xin cụ thể từ đây đến đầu quý 4 năm nay và quý 1 năm 2022”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong

Đối với vấn đề tiêm vắc xin cho toàn dân, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên nói thêm, trước khi đến cuộc họp này, ông có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế. Mục tiêu chúng ta là tiêm vắc xin toàn dân, nhưng có ưu tiên là bởi vì số lượng vắc xin ít, nên có bao nhiêu thì chúng ta cứ mở rộng diện ưu tiên thêm.

Bí thư Thành ủy khẳng định, Chính phủ mở rộng cơ chế cho các doanh nghiệp được tiếp cận vắc xin. Bất cứ khi nào, có nguồn vắc xin - Bộ Y tế sẵn sàng kiểm tra chất lượng, kế hoạch tiêm. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng chia sẻ rằng, hiện nay Việt Nam rất khó tiếp cận nguồn vắc xin.

“Do đó chúng ta cứ mở rộng, tăng cường liên kết, hợp tác, tìm nguồn. Hễ ai có nguồn vắc xin thì cứ báo cho UBND Thành phố, rồi chúng ta bàn cách mua vắc xin càng sớm càng tốt, càng nhiều càng tốt. Tiền mặc dù chúng ta đang huy động, nhưng cỡ nào cũng đáp ứng được” - ông Nên cho hay.

Doanh nghiệp khó khăn, gãy đổ do dịch

Trước đó, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê trong quý 1 và nửa đầu quý 2 năm nay, số doanh nghiệp thành lập mới đạt 16.751 doanh nghiệp, tăng 7,18% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 11.582 doanh nghiệp, tăng gần 19% so với cùng kỳ năm ngoái, tính ra trung bình mỗi tháng có 1.800 doanh nghiệp rời thị thường.

Đây là lần đầu tiên số lượng doanh nghiệp “tháo chạy” khỏi thị trường cao kỷ lục so với số mới tham gia. Đây là điều rất đáng lo ngaị.

Khảo sát nhanh trên 100 doanh nghiệp bằng hình thức online cho thấy: có trên 84% các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn do tái dịch Covid-19 lần thứ 4 này, trong đó thiếu vốn kinh doanh chiếm 40%, thị trường bị ảnh hưởng, thu hẹp chiếm 80%, phải cắt giảm lao động chiếm 52%, bị đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu chiếm 14%, bị cản trở hoạt động kinh doanh do biện pháp cách ly xã hội phòng dịch chiếm trên 50%.

Còn theo số liệu theo dõi của Sở Lao động Thương binh và Xã hội, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn Thành phố có 1.365 doanh nghiệp báo cáo gặp khó khăn do dịch Covid-19, với hơn 42.500 công nhân mất việc hoặc ngừng việc; 410 doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn để trả lương cho công nhân; có 2.274 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng gần 5% so với cùng kỳ; có hơn 9.300 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng gần 23% so với cùng kỳ...

Theo lãnh đạo Hiệp hội các doanh nghiệp Thành phố, mặc dù doanh nghiệp ở một số ngành công nghiệp trọng yếu đã nhanh chóng kết nối được nguồn nguyên liệu; điều chỉnh lại hoạt động phù hợp với các điều kiện hiện tại cùng với khả năng tiêu thụ sản phẩm nhưng đang phải đối mặt với áp lực lớn nhất hiện nay là thiếu vốn và giá nguyên liệu tăng chưa biết điểm dừng, chi phí sản xuất tăng cao làm cho sức cạnh tranh thị trường giảm; Nhiều doanh nghiệp muốn tái cấu trúc, chuyển đổi sản phẩm, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số đẩy mạnh mua bán online… nhưng đang kẹt về vốn.

Do đó, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Thành phố - Chu Tiến Dũng đề xuất triển khai nhanh các gói hỗ trợ Chính phủ ban hành theo nghị định 52/2021; các gói hỗ trợ an sinh xã hội do Bộ Lao động Thương binh Xã hội ban hành cần khắc phục các rào cản mà lần hỗ trợ thứ nhất các doan nghiệp gặp phải.

Mặt khác, Ngân hàng tiếp tục xem xét nới lỏng thêm các điều kiện khoanh nợ, giãn nợ, điều chỉnh giảm lãi suất nợ cũ và xem xét cho vay mới theo lãi suất ưu đãi (thấp hơn) giúp cho doanh nghiệp sản xuất bớt khó khăn; Khuyến khích ngân hàng cho vay bằng hình thức tín chấp đối với một số ngành khó khăn do dịch bệnh; Khuyến khích cho vay đầu tư trang thiết bị y tế, hạ tầng y tế, nghiên cứu vắc xin, cơ sở điều trị; Ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp hỗ trợ vốn mua nguyên vật liệu dự trữ cho sản xuất và xuất khẩu.

Đồng thời, ban hành gói hỗ trợ riêng đặc thù cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, phải ngừng sản xuất kinh doanh như ngành du lịch, dịch vụ.

Đại diện lãnh đạo Hiệp hội cũng đề nghị Thành phố sớm ban hành gói hỗ trợ riêng của Thành phố, quan tâm đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm các yếu tố chi phí sản xuất cho doanh nghiệp như: tiền điện, chi phí vận chuyển, phí giao thông, cảng biển, chăm lo công tác an sinh xã hội cho công nhân mất việc, phải ngừng nghỉ chờ việc theo cách của Thành phố.

Hỗ trợ các doanh nghiệp phải bố trí nhà ở, khu lưu trú tạm cho công nhân để duy trì sản xuất do chấp hành các quy định cách ly xã hội; Hỗ trợ chi phí đào tạo nghề cho lao động chuyển nghề do mất hay thay đổi việc làm, nâng cao tay nghề để có thể tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi sản xuất…

Bình luận