Sáng 11/4, Sở Giao thông Vận tải TPHCM tổ chức hội thảo về tiêu chuẩn trạm sạc xe ô tô điện tại thành phố.
Ông Bùi Hòa An - Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, phương tiện sử dụng điện đang phát triển rất nhanh. Đến cuối năm 2022, TPHCM có khoảng 12.750 xe điện có đăng ký và tiếp tục tăng cao trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hiện nay thành phố chưa có hệ thống trạm sạc và các quy chuẩn, tiêu chuẩn chi tiết cho trạm sạc xe điện. Và chúng tôi đang tính toán trước mặt thực hiện đối với phương tiện có sức vận tải lớn như xe buýt và các phương tiện khác có liên quan để từng bước tiến đến chuyển đổi phương tiện điện.
Sở Giao thông Vận tải TPHCM đang phối hợp với chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) để triển khai các chương trình hợp tác, làm cơ sở hỗ trợ các chương trình, kế hoạch của thành phố về phát triển giao thông xanh, đặc biệt là xây dựng hướng dẫn yêu cầu kỹ thuật cho đầu tư trạm sạc đáp ứng các loại xe buýt điện khác nhau.
Đồng thời, xây dựng năng lực và đào tạo cho cán bộ Thành phố và các bên liên quan khác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng xanh và giao thông điện.
Để giải quyết bài toán giảm phát thải, thành phố sẽ tính toán và lựa chọn thí điểm ở một khu vực. Việc này sẽ liên quan nhiều chính sách, trong đó phát triển giao thông công cộng được ưu tiên hàng đầu để người dân dễ dàng tiếp cận, di chuyển.
Ông Patrick Haverman - đại diện UNDP Việt Nam nhấn mạnh, để thúc đẩy phát triển xe điện, phát triển hạ tầng trạm sạc là điều kiện tiên quyết.
Để đạt được mục tiêu đưa vào vận hành xe buýt điện, thành phố cần phải xây dựng hệ thống hạ tầng cung ứng nhiên liệu sạch/nguồn năng lượng cho xe buýt sử dụng năng lượng sạch và điện. Điều này đòi hỏi phải ban hành chính sách quản lý và thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân trong việc xây dựng hạ tầng trạm sạc.
Cần có tiêu chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc xe buýt điện
Nêu ý kiến tại hội thảo, PGS.TS Vũ Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giao thông Vận tải Việt Đức, trường Đại học Việt Đức cho rằng, trước khi nghiên cứu, xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật cho trạm sạc xe buýt điện.
Theo đó, phải nhìn ở mức độ tổng thể để khi thực hiện đạt hiệu quả tốt nhất vì thành phố không chỉ triển khai trạm sạc phục vụ trên 2.000 xe, 3.000 xe mà thậm chí đến 5.000, 8.000 xe trong tương lai. Do đó phương tiện và trạm sạc phải tương thích với nhau.
Theo PGS.TS Vũ Anh Tuấn, để phát triển đoàn phương tiện xe buýt, kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng có 2 rào cản lớn nhất.
Thứ nhất, chi phí đầu tư phương tiện ban đầu của xe buýt điện cao gấp nhiều lần so với xe buýt truyền thống. Do đó, TPHCM cần tính toán và lựa chọn công nghệ xe buýt nào sẽ phát triển trong tương lai để đảm bảo hiệu quả kinh tế, xã hội.
Thứ hai, TPHCM 'đất chật người đông', hạ tầng không gian hạn chế, trong khi trạm sạc phải cần diện tích phù hợp. Như vậy, khi đầu tư một hệ thống trạm sạc thì hệ thống phải được sử dụng chung cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng chứ không chỉ dành riêng cho xe buýt hay một đơn vị nào đó. Như vậy mới khai thác trạm sạc hiệu quả.
Ở góc độ doanh nghiệp kinh doanh trạm sạc, ông Bùi Văn Tuynh - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Infipower cho rằng, để đầu tư kinh doanh các trạm sạc cho xe điện trong điều kiện hiện nay, doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Tuynh, vấn đề kỹ thuật, công nghệ không đáng ngại nhưng chi phí mặt bằng cao như ở TPHCM, vấn đề hạ tầng điện kết nối và chi phí giá điện nếu tính như giá điện thông thường thì doanh nghiệp không thể đầu tư trạm sạc.
Do đó, nhà nước cần có chính sách đặc thù hỗ trợ đối với lĩnh vực này để thúc đẩy phát triển xe điện trong tương lai – ông Tuynh đề xuất.
Thành phố đang triển khai Quyết định 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu:
+ Đến năm 2030: Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, đẩy mạnh chuyển đổi sử dụng điện, năng lượng xanh đối với các lĩnh vực thuộc ngành giao thông vận tải đã sẵn sàng về mặt công nghệ, thể chế, nguồn lực nhằm thực hiện mức cam kết trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu giảm phát thải khí mê-tan của Việt Nam.
+ Và Giai đoạn đến năm 2050: Phát triển hợp lý các phương thức vận tải, thực hiện mạnh mẽ việc chuyển đổi toàn bộ phương tiện, trang thiết bị, hạ tầng giao thông vận tải sang sử dụng điện, năng lượng xanh, hướng đến phát thải ròng khí nhà kính về “0” vào năm 2050.