Tiêu điểm: Nhân Humanity

TPHCM xác định chủ đề năm 2021: 'Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư'

(VOH) - Sáng nay (4/12), Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI khai mạc dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên.

Hội nghị xem xét cho ý kiến các nội dung về  kinh tế - xã hội năm 2020; phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2021, Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ TP thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình làm việc toàn khóa Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, ngay sau Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI, Ban thường vụ Thành ủy đã chỉ đạo các ban Đảng của Thành ủy, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Cán sự Đảng UBND, Đảng đoàn HĐND TP bắt tay ngay vào công việc cuối năm để hoàn thành chỉ tiêu nghị quyết năm 2020 đề ra, tập trung xử lý các vấn đề còn tồn đọng và chuẩn bị các nội dung cho Hội nghị lần thứ 2, Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa XI.

Nguyễn Văn Nên
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc hội nghị.

Về nội dung  báo cáo kinh tế - văn hóa - xã hội TP năm 2020, phương hướng năm 2021, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết, năm 2020 là năm cuối để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ X, là năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của đất nước và TP. Trong đó, Đại hội đại biểu các cấp và Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI đã được tổ chức và thành công tốt đẹp.

Ngay đầu năm 2020, các ngành các cấp đã khẩn trương, quán triệt triển khai kết luận của Thành ủy về tình hình kinh tế xã hội TP năm 2019 và nhiệm vụ năm 2020. Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế TP.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, sự linh hoạt kịp thời điều hành của UBND TP, đặc biệt sự đồng tình ủng hộ chung tay góp sức của người dân góp phần để TP đạt một số kết quả nội bật.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang dần quay trở lại lây nhiễm trong cộng đồng và TP đang quyết liệt tập trung xử lý dịch bệnh.

Đến nay, TP đã hoàn thành 49/51 chương trình, đề án thành phần trong 3 chương trình đột phá, 1 chương trình trọng điểm phát triển TP giai đoạn 2020 – 2025; đã trình và được Quốc hội thông qua mô hình chính quyền đô thị và chuẩn bị báo cáo Ủy viên Thường vụ Quốc hội về việc thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đề nghị: “Chúng ta cần nghiên cứu để trao đổi thêm, làm rõ những kết quả đã đạt được, nguyên nhân, hạn chế yếu kém tồn tại; phân tích làm rõ nguyên nhân. Làm sao đánh giá được sâu sắc ngoài nguyên nhân khách quan thì nguyên nhân chủ quan cần dành thời gian tập trung.

Chúng ta đi sâu, phân tích sâu hơn về chỉ tiêu nhiệm vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đề ra phù hợp chưa, đã phát huy được tiềm năng lợi thế của TP và kiến nghị, bổ sung giải pháp gì cần thiết”.

hội nghị
Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI.

Trình bày Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND TP về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội TP năm 2020, nhiệm vụ giải pháp trọng tâm năm 2021, ông Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP nhận định: TPHCM là một trong những địa phương chịu tác động mạnh nhất của bệnh Covid-19 nên ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện dịch vụ phát triển kinh tế -  xã hội. 

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2020 ước tính tăng 1,39% so với cùng kỳ trong đó: khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng 2,06%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 0,43%; khu vực dịch vụ tăng 2,17%.

Thành phố xác định chủ đề năm 2021 là “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”, đề ra 20 chỉ tiêu trong đó tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa đạt 6%.

“TPHCM đề ra mục tiêu tổng quát năm 2021 là tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ đã đề ra, tập trung kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19, triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi kinh tế trên các ngành, lĩnh vực, huy động hiệu quả mọi nguồn lực, không ngừng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng chính quyền đô thị, chú trọng phát triển văn hóa, nâng cao phúc lợi xã hội, xây dựng gia đình hạnh phúc, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội”, ông Lê Thanh Liêm cho biết thêm.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP trình bày Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy  về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025. 

Dự thảo đã chọn 7 nhóm giải pháp trọng tâm để TP phát triển nhanh, bền vững, phát huy hiệu quả nguồn lực, đảm bảo quốc phòng an ninh, đẩy mạnh nâng cao hoạt động đối ngoại, xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng chính quyền, nâng cao chất lượng công tác dân vận, tăng cường gắn bó mật thiết giữa Đảng và dân…

Bà Nguyễn Thị Lệ đánh giá: “TPHCM tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn, giá trị gia tăng cao, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tăng năng suất lao động, tăng tỷ trọng đóng góp của năng suất, các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng GRDP. Phát huy vai trò của đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông thành phố, triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, phát triển kinh tế xanh”.

Tại hội nghị, ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủyTPHCM trình bày hai tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về dự thảo Chương trình làm việc toàn khóa của Thành ủy khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và dự thảo Chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa XI của Ban Thường vụ Thành ủy. 

Về chương trình toàn khóa của Ban Chấp hội Đảng bộ TP khóa XI, dự kiến có 46 nội dung và 24 kỳ họp hội nghị Thành ủy, trong đó có nội dung tổng kết Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TPHCM đến 2020 và tổng kết Nghị quyết 54 của Quốc hội, chương trình hành động về không gian văn hóa TPHCM và một số nội dung cần thiết khác.

Bình luận