Tiêu điểm: Nhân Humanity

Vì sao giá xăng giảm 4 lần nhưng giá hàng hóa chưa giảm?

(VOH) - Hiện giá nhiên liệu đã giảm về mức tương đương vào tháng 2/2022 nhưng sẽ mất một khoảng thời gian nhất định, các nhà cung cấp thực hiện điều chỉnh giảm giá.

Tại buổi làm việc về Chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) do Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND Thành phố - Lê Trương Hải Hiếu chủ trì sẽ diễn ra vào cuối tháng 8 tới đây, đối với vấn đề báo chí và dư luận quan tâm, rằng việc giá xăng gần đây đã giảm 4 lần nhưng giá hàng hóa chưa giảm, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op khẳng định, trải qua 12 đợt điều chỉnh giá xăng dầu tăng nhưng Saigon Co.op còn chưa từng điều chỉnh tăng giá, đơn vị vẫn cầm cự giữ mức giá nhằm hỗ trợ người dân Thành phố.

Trong bối cảnh nhiều loại chi phí, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao và kéo dài từ đầu năm, giá cả nhiều mặt hàng tăng rất cao. Saigon Co.op đã tăng cường phối hợp với các nhà cung cấp, chấp nhận giảm lợi nhuận để thực hiện các chương trình khuyến mãi hỗ trợ người dân hiện đang gặp nhiều khó khăn về thu nhập, thắt chặt chi tiêu sau giai đoạn dịch Covid-19 kéo dài.

Hiện Saigon Co.op đang tham gia bình ổn giá 9 nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng phục vụ Tết, hàng phục vụ mùa khai giảng, hàng phòng chống dịch. Trong đó, chỉ có 3 nhóm dầu ăn,  trứng gia cầm, thịt gia súc là có áp dụng giá bình ổn cao hơn so với năm trước. Các nhóm còn lại vẫn giữ giá ổn định trong bối cảnh giá cả hàng hóa ngoài thị trường tăng cao.

Saigon Co.op đang làm việc với các nhà cung cấp để giảm giá cả hàng hóa ngoài thị trường tăng cao. Saigon Co.op đang làm việc với các nhà cung cấp để giảm giá nhóm hàng dầu ăn và cố gắng duy trì giá giản cho đến cuối năm. Đồng thời, đảm bảo đủ số lượng hàng cung ứng cho nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Ngoài ra, Saigon Co.op cũng tiếp tục thực hiện các đợt bán hàng bình ổn giá, bán hàng lưu động đến các xã nghèo vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất… phục vụ nhu cầu mua sắm hàng hóa với giá bình ổn… Lý giải về việc giá xăng gần đây đã giảm 4 lần nhưng giá hàng hóa chưa giảm, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết: “Thực tế xuyên suốt trong thời gian vừa qua, 12 đợt điều chỉnh giá xăng dầu tăng thì Saigon Co.op còn chưa từng điều chỉnh tăng giá, do đó khi trao đổi với truyền thông, chúng tôi nói rằng từ nhiều đợt xăng tăng giá, chúng tôi vẫn cầm cự giữ mức giá để không tăng giá nhằm hỗ trợ người dân Thành phố. Đối với chương trình bình ổn giá, bình ổn thị trường, đây là chương trình rất có ý nghĩa và thực sự là Thành phố đi đầu trong việc bình ổn giá, bình ổn thị trường xuyên suốt. Bây giờ góc độ bình ổn cũng đã có sự khác biệt và thay đổi liên quan đến rổ hàng hóa…”

Hiện giá nhiên liệu đã giảm về mức tương đương vào tháng 2/2022 nhưng sẽ mất một khoảng thời gian nhất định, các nhà cung cấp thực hiện điều chỉnh giảm giá do đã chịu áp lực chi phí tăng cao trong thời gian dài. Trong các tháng cuối năm, nếu tình hình giá nguyên liệu được giữ nguyên như hiện tại hoặc giảm thêm, một số nhóm hàng thực phẩm tươi sống sẽ giữ được giá ổn định và có thể chỉ tăng nhẹ vào cao điểm Tết Nguyên đán 2023.

Vì sao giá xăng giảm 4 lần nhưng giá hàng hóa chưa giảm? 1
 

Saigon Co.op đã có kế hoạch về danh mục và sản lượng đáp ứng nhu cầu thị trường từ đây tới cuối năm. Dự kiến tăng trưởng 5-10% tùy mặt hàng và đảm bảo nguồn hàng đầy đủ cho công tác bình ổn.

Theo Tổng Cục Thống kê Thành phố, ước tính 7 tháng đầu năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt gần 393.300 tỷ đồng, tăng gần 20% với cùng kỳ, các dịch vụ lưu trú – ăn uống, du lịch – lữ hành cũng tăng cao. Lạm phát vẫn được kiểm soát tốt; CPI bình quân 7 tháng đầu năm chỉ tăng hơn 2% so với cùng kỳ.

Để góp phần hỗ trợ kinh tế TPHCM tăng tốc phục hồi nhanh, ở lĩnh vực thể dục thể thao, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao cũng đề xuất: “Trong thời gian tới, về kinh tế thể thao của Thành phố, cũng như công nghiệp văn hóa, làm sao hướng tới việc làm thể thao không chỉ dành cho các việc tập luyện phục vụ cho các giải đấu, mà chúng ta có đóng góp cho kinh tế Thành phố. Tôi nghĩ làm marathon, đã có những chương trình chúng tôi đã tổ chức các sự kiện thể thao trong các siêu thị, thay vì chúng ta tổ chức trong các nhà thi đấu để thu hút người tiêu dùng vừa đến xem, vừa mua hàng. Việc này chúng ta đã từng tổ chức ở MM Megaket”.

Tại buổi làm việc, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND Thành phố - Lê Trương Hải Hiếu yêu cầu làm rõ vai trò của các Hiệp hội trong việc kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường. Chương trình kích cầu tiêu dùng, bình ổn thị trường của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM (VOH) phải giới thiệu cho được các hoạt động mà Thành phố sẽ triển khai từ đây tới cuối năm. Trong đó, đáng chú ý là có các nội dung liên quan đến hàng hóa mùa tựu trường được kiểm soát như thế nào; Những hoạt động hỗ trợ của Thành phố đối với các gia đình khó khăn mùa tựu trường; thông tin về các chương trình của Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Du lịch sẽ triển khai từ đây đến Tết Nguyên đán.

“Những chương trình phục vụ bà con, du lịch thì có đề xuất thủ tục lo cho khách nước ngoài, không chỉ vậy mà nên hỗ trợ cả việt kiều, hỗ trợ visa, tìm cơ sở lưu trú cho họ… Cao điểm du lịch có những chương trình hỗ trợ xe buýt từ sân bay về Thành phố, đội thanh niên tình nguyện của sân bay hỗ trợ khách du lịch”, ông Lê Trương Hải Hiếu cho hay.  

Bình luận