Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tuyển sinh 2021: Thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển như thế nào?

(VOH) - Theo Hướng dẫn công tác tuyển sinh trình độ đại học năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh được điều chỉnh đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần.

Thí sinh điều chỉnh đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định

Cụ thể, các thí sinh sẽ điều chỉnh nguyện vọng theo một số hướng dẫn sau:

  • Đối với thí sinh có nhu cầu điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển, chỉ được thực hiện theo phương thức trực tuyến.
  • Sau khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh được điều chỉnh đăng ký xét tuyển tối đa 3 lần trong thời gian quy định;
  • Các thí sinh phúc khảo các bài thi/môn thi sẽ điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển sau khi có kết quả phúc khảo thi tốt nghiệp THPT.
  • Thí sinh điều chỉnh không lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu, sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh.
  • Thí sinh điều chỉnh lớn hơn số lượng nguyện vọng đã đăng ký ban đầu hoặc điều chỉnh sai sót các nội dung liên quan đến đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên phải khai chính xác thông tin này và nộp tại điểm thu nhận hồ sơ để bổ sung kinh phí tương đương với số lượng nguyện vọng tăng so với số nguyện vọng đã đăng ký ban đầu.

Sau đó sử dụng tài khoản và mật khẩu cá nhân đã được cấp để thực hiện việc điều chỉnh sau khi cán bộ điểm tiếp nhận cập nhật thông tin bổ sung số nguyện vọng của thí sinh trên cổng thông tin tuyển sinh.

đại học bách khoa, tuyển sinh 2021
Sinh viên Trường Đại học Bách khoa (ĐHQG TPHCM)

Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý, thí sinh ghi đúng mã cơ sở đào tạo - nhà trường, mã ngành/nhóm ngành, mã tổ hợp xét tuyển theo quy định của nhà trường. Nguyện vọng nào ghi không đúng sẽ không được hệ thống phần mềm chấp nhận và bị loại.

Trong thời gian thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển, các trường đại học tuyệt đối không cập nhật, không công bố thông tin thí sinh xét tuyển vào trường mình.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường phải công bố công khai, minh bạch điều kiện đảm bảo chất lượng trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, ngưỡng đảm bảo chất lượng, chính sách ưu tiên của trường…

Đồng thời, các trường phải có biện pháp kiểm soát các điều kiện sơ tuyển khi yêu cầu thí sinh trong tuyển sinh, không để xảy ra tình trạng thí sinh đã trúng tuyển nhưng bị loại khi nhập học do không đủ điều kiện sơ tuyển.

Xem thêm: Phương thức tuyển sinh và tiêu chuẩn sức khỏe vào ngành Công an mới nhất năm 2021

Một lưu ý đặc biệt, đó là các trường không được thông báo thí sinh trúng tuyển dưới mọi hình thức khi thí sinh chưa tốt nghiệp THPT; sử dụng đồng thời nhiều phương thức tuyển sinh cho một ngành hoặc nhóm ngành phải xác định và công bố công khai chỉ tiêu, mức điểm nhận xét tuyển cho từng phương thức tuyển sinh theo quy định của quy chế tuyển sinh.

Các trường sẽ bị phạt nặng nếu tuyển sinh sai

Theo quy định mới, từ mùa tuyển sinh 2021, các hành vi vi phạm quy định về hoạt động tuyển sinh sẽ bị xử lý nghiêm. Cụ thể:

Các trường không công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo có quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào hay thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng. 

Các trường đại học nếu tuyển sai đối tượng từ 30 người học trở lên sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng

Các trường đại học nếu tuyển sai đối tượng từ 10 đến dưới 30 người học sẽ bị phạt đến 70 triệu đồng. Trường hợp tuyển sai từ 30 người học trở lên sẽ bị phạt từ 70-100 triệu đồng. Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động tuyển sinh từ 6 tháng đến 1 năm.

Hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự bị phạt đến 20 triệu đồng. Ngoài ra, các trường buộc phải hủy bỏ quyết định trúng tuyển, buộc trả lại cho người học số tiền đã thu và chịu mọi chi phí tổ chức trả lại đối với hành vi tuyển sinh sai đối tượng nếu hành vi vi phạm có lỗi của cả đối tượng thực hiện hành vi vi phạm và người học. 

Trường hợp người học không có lỗi thì các trường buộc chuyển người học đủ điều kiện trúng tuyển đã nhập học sang cơ sở giáo dục khác đủ điều kiện được phép hoạt động giáo dục. Đối với hành vi khai man, sửa chữa giấy tờ trong hồ sơ tuyển sinh để được trúng tuyển thì buộc nộp lại và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi quyết định trúng tuyển.

Xem thêm: Hồ sơ Đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2021 gồm những giấy tờ gì?

Năm nay, nếu các trường tuyển vượt chỉ tiêu từ 15% đến dưới 20% sẽ bị phạt tiền đến 50 triệu đồng. Nếu tuyển vượt trên 20% sẽ bị phạt từ 50-70 triệu đồng, ngoài ra còn bị buộc giảm số lượng tuyển sinh năm sau tối thiểu bằng số lượng đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu. 

Bình luận