Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tuyển sinh 2022: Khoa y (ĐHQG-HCM) tuyển 425 sinh viên

(VOH) - Năm 2022, Khoa y (ĐHQG-HCM) tuyển 425 sinh viên cho 5 ngành đào tạo.

Khoa y (ĐHQG-HCM) vừa công bố phương án tuyển sinh năm 2022 và việc mở thêm hai ngành học mới là Y học cổ truyền và Điều dưỡng.

Theo đó, Khoa Y sẽ tuyển sinh đại học dự kiến 5 ngành với 425 sinh viên. Từ năm 2022,

Khoa y dự kiến mở thêm 2 ngành học mới là ngành y học cổ truyền (75 chỉ tiêu) và ngành điều dưỡng (150 chỉ tiêu). Chương trình đào tạo được thiết kế tích hợp theo mô đun với phương pháp dạy và học dựa trên vấn đề.

Tuyển sinh 2022: Khoa y (ĐHQG-HCM) tuyển 425 sinh viên 1
Sinh viên Khoa y (ĐHQG-HCM) 

Các phương thức tuyển sinh năm 2022 vẫn được khoa duy trì ổn định như năm 2021. Khoa tiếp tục sử dụng 7 phương thức tuyển sinh cụ thể:

- Phương thức 1: Xét tuyển thẳng thí sinh theo quy chế tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của Bộ GD-ĐT và ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh giỏi nhất trường THPT theo quy định của ĐHQG-HCM.

- Phương thức 2: Ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐHQG-HCM.

- Phương thức 3: Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG-HCM.

- Phương thức 4: Xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2022.

- Phương thức 5: Xét tuyển kết hợp kết quả thi THPT năm 2022 và chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

- Phương thức 6: Xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi quốc tế.

- Phương thức 7: Xét tuyển dựa trên điểm trung bình chung tích lũy của thí sinh tốt nghiệp đại học.

Đối với phương thức 4, 5: Khoa sẽ xét tuyển tổ hợp môn B00 (toán - hóa - sinh), riêng ngành dược học xét thêm tổ hợp môn A00 (toán - lý - hóa).

Chỉ tiêu tuyển cho từng ngành, cụ thể:

  • Ngành Y khoa chất lượng cao 100 chỉ tiêu.
  • Ngành Dược học chất lượng cao 50 chỉ tiêu.
  • Ngành Răng - Hàm - Mặt chất lượng cao 50 chỉ tiêu.
  • Ngành Y học cổ truyền 75 chỉ tiêu
  • Ngành điều dưỡng 150 chỉ tiêu.

Khoa Y (ĐHQG-HCM) chính thức ra đời vào ngày 23/6/2009. Sau hơn 10 năm thành lập, Khoa Y đã phát triển bước đi chiến lược đó thành những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Đa số giảng viên cơ hữu của Khoa Y có trình độ từ thạc sĩ trở lên (khoảng 70%), trong đó nhiều bác sĩ là các Giáo sư, Phó giáo sư, các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực Khoa học sức khỏe cũng tham gia tư vấn và làm cố vấn chuyên môn cho Khoa.

Nhiều chuyên gia nước ngoài từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới như: Đại học Flinders (Úc), Đại học Y khoa Vienne (Áo) và Đại học Maastricht (Hà Lan) cũng được ĐHQG-HCM mời về tập huấn bồi dưỡng phương pháp giảng dạy hiện đại, tư vấn xây dựng chuẩn đầu ra các chương trình đào tạo, cũng như xây dựng mô hình quản lý lớp học.

Đối với các môn học giai đoạn đại cương, Khoa Y sử dụng chung nguồn cán bộ giảng dạy từ bộ môn, khoa thuộc các đơn vị thành viên ĐHQG-HCM. Các học phần thuộc khối kiến thức chuyên ngành (lâm sàng) đều có trợ giảng. Khoa phối hợp với 23 bệnh viện là đối tác của Khoa để sử dụng đội ngũ bác sĩ tại chỗ.

Ngoài ra, Khoa Y còn có một lực lượng giảng viên được đào tạo từ các trường đại học nổi tiếng ở nước ngoài như Hàn Quốc, Mỹ, New Zealand, Pháp, Úc… có năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học, thấm nhuần văn hóa nghiên cứu, văn hóa đại học của thế giới, đồng thời đã thiết lập sẵn các mối quan hệ hợp tác với các viện – trường, nhà khoa học ở nước ngoài. Họ vừa là một giảng viên, vừa là nhà nghiên cứu khoa học, đồng thời cũng là cầu nối đưa sinh viên tiếp cận với các kiến thức y khoa hiện đại, giúp sinh viên phát huy khả năng sử dụng ngoại ngữ, hội nhập thế giới nhanh chóng.

Bình luận