Tiêu điểm: Nhân Humanity

Bài học từ tranh chấp thương hiệu

(VOH) - Để có được một sản phẩm có thương hiệu mà nhắc đến người ta nhớ thì đó cũng là một quá trình rất dài, rất công phu, phải đầu tư tâm sức, trí tuệ vào đó và có được thành công nhất định.

Mới đây, một doanh nghiệp ở Úc nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25. Trước đó thương hiệu gạo này bị một số doanh nghiệp ở Mỹ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu thương mại độc quyền. Không chỉ gạo, mà ngay cả những ông lớn đình đám có thương hiệu nổi tiếng khác cũng từng bị “đánh cắp” thương hiệu. 

Câu chuyện giành giật, mạo nhận thương hiệu gạo rõ ràng chưa thật sự có hồi kết khi mà vừa đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, không chỉ nước ngoài mà ngay cả thị trường Việt Nam bắt đầu xuất hiện tình trạng nhiều loại gạo giả mạo mang tên ST24, ST25 bày bán nhan nhản. Người mua thật sự không biết đâu là gạo “ngon nhất thế giới” thật. Không chỉ sản phẩm gạo, mà ngay cả những ông lớn đình đám có thương hiệu nổi tiếng khác như cà phê Trung Nguyên, thuốc lá Vinataba, PetroVietnam, kẹo dừa Bến Tre… cũng từng một thời bị một số doanh nghiệp “hớt tay trên” giành mất tên thương hiệu. Sau mỗi vụ việc, doanh nghiệp phải rất vất vả và tiêu tốn thời gian, sức lực và tiền của để lấy lại thương hiệu, có khi bị mất luôn.

Như Vinataba - thương hiệu thuốc lá hàng đầu của Việt Nam đã bị một công ty của Indonesia chiếm đoạt đăng ký tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và 9 nước Asean. Vinataba đã phải chi đến 1 tỷ đồng cho việc bảo vệ thương hiệu ở nước ngoài.

Còn thương hiệu Trung Nguyên, năm 2000 từng bị công ty Rice Field đăng kí bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên tại Mỹ và Tổ chức bảo hộ Trí tuệ Thế giới (WIPO). Sau 2 năm thương thảo, phải rất vất vả và tiêu tốn hàng trăm ngàn đô la Mỹ, Trung Nguyên mới lấy lại được tên miền này và thực hiện đăng ký bảo hộ thương hiệu tại hơn 60 nước và lãnh thổ trên thế giới. Tuy nhiên, mới đây, vấn đề thương hiệu của Trung Nguyên lại một lần nữa “dậy sóng” khi tiếp tục để mất thương hiệu cà phê chồn tại Mỹ. Sau khi vụ tên miền thương hiệu Legendeecoffee bị người khác thâu tóm, Trung Nguyên lại có nguy cơ bị chặn đường xuất khẩu cà phê mang thương hiệu Legendee Coffee tại thị trường Mỹ… Tương tự, nhãn hiệu PetroVietnam của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam cũng vừa bị một doanh nghiệp có tên Nguyen Lai đăng ký tại Văn phòng Sáng chế và Thương hiệu Mỹ…

Vấn đề hôm nay: Bài học từ tranh chấp thương hiệu 1
Ảnh minh họa - Nguồn: TTC

Trở lại câu chuyện gạo, rất mừng là kỹ sư Hồ Quang Cua đã chọn Tập đoàn PAN để ủy thác làm đại diện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25 cùng lúc ở nhiều thị trường lớn. "Cha đẻ" gạo ngon ST25 còn bày tỏ ý định nhượng quyền giống lúa cho Nhà nước để phát triển thương hiệu.

Thương hiệu, nhãn hiệu một sản phẩm có thể nói là tài sản vô hình và có giá trị rất lớn của các doanh nghiệp sở hữu nó. Đôi khi, nhãn hiệu nổi tiếng còn tạo ra thương hiệu cho mỗi quốc gia, mỗi vùng miền. Và để có được một sản phẩm có thương hiệu mà nhắc đến người ta nhớ thì đó cũng là một quá trình rất dài, rất công phu, phải đầu tư tâm sức, trí tuệ vào đó và có được thành công nhất định. Như gạo ST24, ST25, phải mất hơn 20 năm, Kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu liên tục cải tiến giống lúa để cho ra hạt gạo thơm ngon, chất lượng, đạt tiêu chí sạch, an toàn. Vì vậy, việc bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng cũng rất cần được doanh nghiệp quan tâm và dày công xây dựng như việc tạo ra nó.

Doanh nghiệp hơn ai hết phải dành chiến lược và nguồn lực cho việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu một cách tương xứng và chủ động. Việc đăng ký sở hữu trí tuệ cho thương hiệu, sản phẩm xuất khẩu, nhãn hiệu thương mại cần được ưu tiên hàng đầu khi đã có định hướng xuất khẩu. Bởi ngày càng có nhiều những doanh nghiệp Việt Nam có nhãn hiệu nổi tiếng bị các doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng, có hành vi cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mở ra nhiều cơ hội, bên cạnh những thách thức thì việc đăng ký bảo hộ sản phẩm càng cấp thiết hơn.

Qua các vụ việc mất thương hiệu gạo cho thấy, nhiều doanh nghiệp, thậm chí là doanh nghiệp lớn vẫn chưa nhận thức rõ tầm quan trọng của một sản phẩm sở hữu trí tuệ như là một công cụ quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Mặt khác, do thủ tục phức tạp, chi phí cho các khâu để tiến tới đăng ký thương hiệu sản phẩm ở nước sở tại khá tốn kém, do đó doanh nghiệp ngại hoặc chậm trễ trong đăng ký bảo hộ độc quyền cho các sản phẩm có thế mạnh, có chất lượng của Việt Nam dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp bị mất thương hiệu, phải tốn rất nhiều công sức, tiền bạc để giành lại.

Mất thương hiệu, trước hết trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, một phần cũng thuộc về vấn đề quản lý của Nhà nước. Hiện nay, Việt Nam chưa có một tổ chức hay cơ quan nào đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp về mặt đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài, trong khi doanh nghiệp phải “tự bơi” trong điều kiện kiến thức pháp lý và năng lực tiếp cận thị trường nước ngoài còn hạn chế. Đành rằng Nhà nước không thể làm thay hay hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, nhưng Nhà nước cũng cần có biện pháp hữu hiệu chống làm giả, ăn cắp thương hiệu.

Nói thêm một chút về hành vi “đánh cắp” nhãn hiệu, thương hiệu mà người khác dày công gầy dựng. Không thể cứ mãi để “cha đẻ” của thương hiệu ấy đi mua, chuộc lại chính thương hiệu mà mình ra sức gầy dựng với cái giá đắt đỏ từ chính doanh nghiệp đã đánh cắp nó. Không thể để người nghiên cứu mày mò hơn 20 năm mới ra được sản phẩm lại tiếp tục hoang mang trước sự “ăn cắp” trắng trợn công sức của người khác. Hành vi “ăn cắp” thương hiệu này rõ ràng là gian lận, là thiếu đạo đức trong kinh doanh cần có sự can thiệp mạnh mẽ từ cơ quan chức năng, phải chế tài, phạt thật nặng.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhà nghiên cứu, sáng chế cá nhân chủ động liên kết doanh nghiệp có quy mô lớn, có tiềm lực tài chính để phân phối sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trên thị trường, thì các tổ chức trên thế giới cũng cần đưa ra những điều khoản chế tài khắt khe trong việc chấp nhận đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương mại độc quyền. Cần phạt thật nặng, thậm chí từ chối cấp giấy phép kinh doanh đối với những doanh nghiệp có tiền sử “giành giật”, “đánh cắp” sản phẩm trí tuệ người khác khi sản phẩm ấy đã là một thương hiệu có tiếng ít nhiều ở thị trường quốc gia sở tại và thế giới. Mặt khác, về lâu dài, để bảo vệ sản phẩm thương hiệu độc quyền trong nước, rất cần hình thành trong nước một tổ chức đủ mạnh là những chuyên gia về thương hiệu và pháp lý do Nhà nước chủ trì đứng ra hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở các quốc gia trên thế giới, giảm bớt nỗi lo loay hoay bảo hộ thương hiệu cho doanh nghiệp, giúp bảo vệ và giữ gìn thương hiệu trong nước một cách bài bản, lành mạnh, bền vững.

Bình luận