Tiêu điểm: Nhân Humanity

Đàm phán là giải pháp hạ nhiệt cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

(VOH) - Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc. Kịch bản tiếp theo từ hai nền kinh tế lớn có thể là gì?

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ áp thuế 10% đối với 200 tỷ USD hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc (TQ). Thông báo trên sẽ có hiệu lực từ 24/9 và có thể tăng 25% vào đầu năm 2019. Ngay sau đó, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế quan bổ sung lên 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào nước này mỗi năm nhưng theo 2 mức 5% và 10% tùy từng sản phẩm. Như vậy về phía Mỹ, có 3 tháng để tính toán việc áp thêm 15% thuế thương mại lên hàng hóa TQ. Động thái này chứa đựng thông điệp gì và liệu phía Trung Quốc sẽ phản ứng theo những kịch bản nào để bảo vệ nền kinh tế của mình?

VOH phỏng vấn Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành – Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

 VOH: Việc Mỹ tiếp tục đánh thuế 10% vào 200 tỷ hàng hóa TQ theo ông sẽ gây sức ép cho TQ như thế nào? 

 Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Sẽ tác động rất lớn vì kinh tế TQ đang dựa rất nhiều vào vay nợ và đầu tư. Căng thẳng thương mại với Mỹ có nghĩa tăng trưởng Trung Quốc sẽ phải chậm lại.

Tính đến tháng 8 vừa rồi, đầu tư tài sản cố định của TQ chỉ tăng trưởng 5,3%, đây là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2016. Điều này dẫn đến khả năng Ngân hàng TQ sẽ phải nới lỏng chính sách tiền tệ và điều này sẽ khiến tỷ lệ vay nợ của TQ tiếp tục tăng cao, mục tiêu giảm nợ sẽ phải ngưng lại.

Thứ hai, ảnh hưởng lớn đến chiến lược “Nâng cấp ngành” tại Trung Quốc năm 2025. Đây vốn là chiến lược tham vọng của TQ nhằm hướng tới mục tiêu đưa TQ trở thành cường quốc về công nghiệp chế tạo. Để làm điều này, TQ phải đầu tư ra nước ngoài nhưng với tình hình căng thẳng, hoạt động này của TQ hầu như sẽ đình trệ.

Chúng ta biết, Ủy ban đầu tư nước ngoài của Mỹ từ đầu năm nay cũng đã rất mạnh tay với các khoản đầu tư của TQ. Họ đã kiểm soát và khiến cho dòng vốn đầu tư TQ vào Mỹ trong việc thâu tóm các doanh nghiệp Mỹ đã giảm đến 92% chỉ trong nửa năm nay. Không chỉ Mỹ mà các nước khác ví dụ như Đức gần đây cũng lần đầu tiên không đồng ý công ty của TQ  thâu tóm 1 doanh nghiệp lớn của Đức ở lĩnh vực công nghệ cao

Tác động thứ 3, thị trường TQ sẽ phải điều chỉnh rất mạnh. Cụ thể, thị trường chứng khoán TQ ngay đợt áp thuế đầu tiên của Mỹ đã sụt giảm đến 25%, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng xuất khẩu. Điều này thể hiện rõ qua việc tăng trưởng xuất khẩu của TQ sang Mỹ chỉ đạt 5.4%, tức là chỉ 1,4 so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là con số rất đáng báo động với lĩnh vực xuất khẩu của TQ.

Sau cùng, những tác động này nhiều khả năng làm dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi TQ. Tất nhiên điều này không xảy ra ngay mà sẽ thể hiện khi tác động kéo dài đủ lâu mà không có sự cải thiện.

Vì sao tôi nói điều này? Vì trong tổng xuất khẩu của TQ, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài FDI và doanh nghiệp tư nhân đóng góp đến 87%. Khi lợi nhuận giảm họ sẽ chuyển chuỗi sản xuất sang Nhật Bản hay Hàn Quốc để bớt ảnh hưởng.

Hình minh họa: internet

VOH: Theo ông vì sao Mỹ áp thuế trước 10% và 3 tháng mới tiếp tục đáng thuế 25%?

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Mức thuế 10% Mỹ vừa đưa ra rõ ràng là sự thay đổi đáng kể so với dự tính ban đầu. Điều này có thể gửi đi 4 thông điệp quan trọng.

Thứ nhất, lùi mức thuế 25 % đến đầu năm sau sẽ giúp doanh nghiệp Mỹ có thêm thời gian để có thêm những chuỗi cung ứng cho hoạt động kinh tế của mình.

Thứ hai nó cho phép thị trường chứng khoán có thời gian và lộ trình rõ ràng để tiến hành các điều chỉnh cần thiết.

Tổng hợp từ 2 điều này sẽ dẫn đến điều thứ 3 là giúp giảm sức ép lên Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới.

Điều thứ tư cũng là quan trọng hơn cả, để ngỏ 3 tháng, mới tính áp thêm 15% thuế là tín hiệu Mỹ gửi TQ trong việc nối lại đàm phán. Phía Trung Quốc tôi nghĩ họ cũng hiểu được thông điệp này nên việc đáp trả theo tôi khá mềm mỏng. Họ cũng chỉ áp thuế từ 5% đến 10% cho các mặt hàng vốn dự định áp thuế cao hơn.

Tất cả cho thấy 2 bên cũng thể hiện sự kiềm chế để có những thỏa thuận mang tính hạ nhiệt hơn

VOH: Tình hình căng thẳng thương mại như vậy, theo ông, thường TQ sẽ xử lý theo những kịch bản nào ?

Tiến sỹ Phạm Sỹ Thành: Từ khi xảy ra căng thẳng thương mại với Mỹ, chúng ta thấy Trung Quốc đã lôi kéo những đồng minh mỹ như EU, Đức như biện pháp này không thành công.

Kịch bản thứ hai là phản ứng thận trọng hơn, chờ đợi kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ tổng thống Mỹ và động thái có tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ vào cuối năm hay không?

Kịch bản thứ ba, nếu căng thẳng không hạ nhiệt, có thể họ đáp trả mang tính bất cân xứng.

Quy mô xuất khẩu Trung Quốc sang Mỹ chỉ 130 tỷ USD nhưng bị đánh thuế đã 110 tỷ USD nên dư địa không còn nhiều nên khả năng này cũng khó xảy ra.

Ví dụ đất hiếm trước đây Mỹ là thị trường nhập khẩu gần 7000 tấn đất hiếm từ TQ để phục vụ cho sản xuất công nghệ cao Mỹ nhưng nếu Trung Quốc ngưng không xuất khẩu đất hiếm vào Mỹ thì nhiều khả năng Nhật sẽ thay thế để cung ứng nguồn đất hiếm này và vì vậy nguồn đất hiếm của Trung Quốc bị dư thừa. Hoặc Trung Quốc cũng có thể sẽ áp thuế 25% hàng hóa Mỹ còn lại nhưng điều này sẽ tiếp tục gây tổn thương đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của TQ

Tổng hợp lại, tôi thiên về kịch bản Trung Quốc ít nhất trong 3 tháng này sẽ phản ứng thận trọng, chờ đợi kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đế tính toán việc đàm phán.

VOH: Cảm ơn ông

Bình luận