Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nếu không thể tái chế, hãy hạn chế sử dụng sản phẩm từ nhựa!

(VOH) - Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam xếp vị trí thứ 4 thế giới trong việc gây ô nhiễm biển từ rác thải nhựa.

Chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon” trong Ngày Môi trường thế giới năm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng, kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng và thải bỏ chất thải nhựa, khuyến khích sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện với môi trường thay thế dần và tiến đến loại bỏ túi nilon.

Theo công bố của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần, có khoảng 500 tỷ túi nilon được tiêu thụ trên thế giới, nhưng phần lớn lượng rác thải nhựa không được chôn trong các bãi chôn lấp.

Theo ước tính, với nhịp độ sử dụng nhựa như hiện nay, sẽ có thêm 33 tỷ tấn nhựa được sản xuất vào năm 2050 và một phần lớn trong số đó, sẽ nằm trong các đại dương và tồn tại trong nhiều thế kỷ.

Cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác chất thải nhựa đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế, xã hội và sức khỏe con người.

Túi nilon là một trong những sản phẩm được sử dụng nhiều. Hình chỉ mang tính minh họa. P Nguỵệt

Thống kê của tổ chức Việt Nam sạch và xanh cho thấy, Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia xả rác thải nhựa nhiều nhất, với khoảng 1 triệu 800 ngàn tấn ra môi trường mỗi năm. Sự tiện dụng cao và giá thành thấp đã làm cho túi nilon trở thành vật dụng thiết yếu trong sinh hoạt hàng ngày của mỗi người dân và hiện diện ở khắp nơi trong đời sống.

Mỗi hộ gia đình Việt sử dụng từ khoảng 5 đến 7 túi nilon/một ngày. Như vậy, ước tính, hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng Thành phố Hà Nội và TPHCM, trung bình một ngày, thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Đáng chú ý là lượng túi nilon này lại tăng theo từng năm.

Riêng TPHCM hiện chịu nhiều áp lực từ các vấn đề liên quan đến chất thải rắn đô thị, ước tính mỗi năm có khoảng 250.000 - 300.000 tấn chất thải nhựa phát sinh. Thành phần nhựa trong chất thải rắn sinh hoạt chiếm tỷ trọng cao, chỉ sau rác thực phẩm.

Tỷ lệ rác thải nhựa phát thải nhiều nhất là ở siêu thị, trung tâm thương mại, kế đến là khu vực văn phòng và các hộ gia đình. Hơn thế, lượng chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn TP ngày càng tăng.

Một phần chất thải nhựa được chôn lấp cùng với chất thải rắn sinh hoạt, một phần khác được tái chế nhưng chủ yếu với công nghệ thô sơ, do đó phát sinh nhiều vấn đề về môi trường và chất lượng sản phẩm tái chế không cao. 

Sự phát triển của kinh tế xã hội khiến lượng rác thải, trong đó, có rác thải khó phân hủy nhựa và nilon ngày càng gia tăng và khó kiểm soát. Trong khi đó, thời gian phân hủy của loại rác thải này phải mất đến hàng thế kỷ, do vậy, kiểm soát rác thải nhựa và nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách.

Nếu chúng ta đẩy mạnh công tác 3T là tiết giảm, tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa sẽ mang lại nhiều lợi ích cho môi trường và kinh tế. Cần có ý thức sử dụng những túi xách bằng nguyên liệu thân thiện môi trường, những vật dùng có thể tái sử dụng nhiều lần.

Nhà nước cần ban hành các chính sách giảm sản xuất đồ dùng bằng nhựa, có chính sách khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đồ dùng bằng nguyên liệu thân thiện với môi trường thay thế đồ dùng bằng nhựa. Tham gia xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, thực hiện trách nhiệm xã hội, trong đó, có trách nhiệm bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, áp dụng các biện pháp nghiêm khắc đối với các cơ quan, doanh nghiệp vi phạm về quản lý chất thải nguy hại. Các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức trách nhiệm của người dân trong việc hạn chế sử dụng và thải bỏ chất thải nhựa và nilon cần thường xuyên, thiết thực và hấp dẫn hơn, để thực hiện.

Tại TPHCM, UBND TP đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan mở rộng phạm vi tuyên truyền, vận động người dân giảm sử dụng và thải bỏ túi ni-lông. Sở Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lồng ghép nội dung kiểm soát ô nhiễm môi trường do túi ni-lông khó phân hủy vào các hoạt động giáo dục, truyền thông phù hợp cho học sinh tại các trường học.

Giao Sở Công thương cần phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận-huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức bán lẻ, đặc biệt là các tiểu thương tại chợ, các hệ thống siêu thị không cấp phát miễn phí túi ni-lông cho người tiêu dung. Khuyến khích người tiêu dùng đem túi ni-lông thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy.

Cơ quan thuế phải kiểm tra, giám sát và xử phạt các doanh nghiệp vi phạm các quy định về nộp thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni-lông khó phân hủy. Chi cục Quản lý thị trường TP tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm các đơn vị sản xuất, kinh doanh túi ni-lông.

Có được sự phối hợp chặt chẽ này cùng với việc kiểm soát các hành vi tiêu dùng kém bền vững sẽ hạn chế được rất nhiều rác thải nhựa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo vệ môi trường TP HCM nói riêng, môi trường sống của mỗi con người trên hành tinh nói chung.

Bình luận