Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhanh chóng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo

(VOH) - Xuất khẩu gạo Việt Nam trải qua năm 2018 đầy lạc quan khi sản lượng tăng khoảng 6%, còn giá trị thì tăng gần 20%.

Tuy nhiên bước sang năm 2019, thị trường xuất khẩu gạo có dấu hiệu cạnh tranh rất khốc liệt. Những đối thủ lớn như Thái Lan, Ấn Độ, kể cả Mỹ đưa ra giá thành xuất khẩu rất cạnh tranh. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu lương thực của một số thị trường truyền thống cũng không phải dồi dào đã đặt ra cho Việt Nam yêu cầu về mở rộng, tìm kiếm thị trường mới như một lẽ tất yếu.

Nghe bài viết tại đây.  

Năm 2017, thống kê của Cục Hải quan và Hiệp hội lương thực Việt Nam- VFA cho thấy,10 thị trường xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam gồm Trung Quốc (chiếm gần 40% tỷ trọng), Philippines (gần 10%), Malaysia (gần 9,5%), sau đó là các nước Ghana, Cuba, Banglades, Bờ Biển Ngà, Iraq, Singapore, Hongkong ( Trung Quốc). Riêng thống kê tỷ trọng xuất khẩu đến tháng 9/2018 của VFA, xuất khẩu gạo Việt Nam chủ yếu hướng vào thị trường Châu Á. Còn thị trường châu Phi chỉ chiếm khoảng 18,6%, Trung Đông 2, 85%, châu Âu chỉ 2, 16%, châu Đại dương chỉ đạt 2, 04%.

 Xuất khẩu gạo Việt Nam trải qua năm 2018 đầy lạc quan khi sản lượng tăng khoảng 6%, còn giá trị thì tăng gần 20%. Ảnh minh họa.  

 Xuất khẩu gạo Việt Nam trải qua năm 2018 đầy lạc quan khi sản lượng tăng khoảng 6%, còn giá trị thì tăng gần 20%. Ảnh minh họa.  

Rõ ràng nhu cầu, phân phối xuất khẩu gạo của chúng ta tại các thị trường có sự chênh lệch khá lớn. Trong khi đó, định hướng xuất khẩu của Bộ Công Thương luôn khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Bởi nếu nhu cầu từ “ khách hàng” truyền thống xảy ra biến động sẽ khiến xuất khẩu gạo Việt Nam gặp khó khăn. Tất nhiên, khi đầu ra trở ngại thì người chịu thiệt thòi nhất chính là bà con nông dân, những người trực tiếp sản xuất.

Khách quan mà nói, trong vài năm trở lại đây, chúng ta chưa gặp thử thách đáng kể nào trên thương trường hạt gạo. Việc chủ động duy trì diện tích lúa khoảng 7,5 triệu ha đã giúp Việt Nam đáp ứng được an ninh lương thực, nhu cầu tiêu thụ trong nước và cả xuất khẩu. Thậm chí Việt Nam luôn duy trì trong tốp 3 cường quốc xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Nhưng gần đây, do bối cảnh thị trường thế giới cạnh tranh hơn, xu thế mở cửa rộng hơn đã tạo ra nhiều cơ hội, đồng thời kéo theo những thách thức về chất lượng, giá cả, vệ sinh an toàn hạt gạo...

Gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam chiếm khoảng 15% thị phần gạo thế giới khi có mặt ở hơn 150 quốc gia. Nghe thì vui nhưng cũng không hề trọn vẹn vì chúng ta còn yếu trong xây dựng thương hiệu hạt gạo. Có lúc sản phẩm bán ra trong ruột là gạo Việt mà vỏ ngoài lại là nhãn hiệu của một nước khác. Đây là điều đáng tiếc vì chúng ta có thể đã thu về nguồn ngoại tệ không nhỏ nếu tăng cường được năng lực xây dựng thương hiệu và phân phối sản phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối.

Ngoài các điểm yếu “cố hữu” về khả năng quảng bá, marketing cho hạt gạo, thì công tác thăm dò và dự báo thị trường của chúng ta vẫn còn nhiều bất ổn. Vì vậy, gần đây Cục xuất nhập khẩu Bộ Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp như đàm phán, mở rộng, khuyến cáo đối tác thay đổi cơ chế, điều kiệnhàng rào kỹ thuật… trong xuất khẩu gạo trên cơ sở song phương, đa phương, xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm tại các thị trường và hội chợ quốc tế. Tuy nhiên muốn làm được điều này, tham tán thương mại Việt Nam tại các nước phải chủ động, linh hoạt, hướng dẫn doanh nghiệp xuất khẩu, tiếp cận đối tác để mang đến kết quả hữu hiệu hơn nữa.

Đầu năm 2019, bên cạnh những khó khăn về giá thành cạnh tranh, về nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường truyền thống chưa có chuyển biến mạnh thì gạo Việt Nam cũng đang được các doanh nghiệp tìm cách thâm nhập các thị trường mới, đa dạng hơn như Mỹ, EU (Pháp-Hà Lan...), thị trường Châu Phi ( Bờ biển Ngà, Mozambique...) cùng những khách hàng khó tính tại Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc. Dù đó là những thị trường tiềm năng, có thể giúp mang về nguồn thu lớn, nhưng hiện tại khối lượng và giá trị xuất khẩu của chúng ta chưa thật tương xứng.

Xét cơ chế, hiện chúng ta có Nghị định 107/CP ngày 15/8/2018  thay thế cho Nghị định 109/2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Những quy định mới trong Nghị định 107 thật sự đã “cởi trói” cho các doanh nghiệp xuất khẩu, nới lỏng nhiều điều kiện, thủ tục để hoạt động xuất khẩu gạo thuận lợi và đột phá hơn. Vấn đề là các Bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Bộ Công thương (thông qua Cục xuất nhập khẩu), Hiệp Hội lương thực Việt Nam- VFA cùng các doanh nghiệp, nhà sản xuất... sẽ liên kết và phối hợp như thế nào để đẩy nhanh quá trình tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, tránh nguy cơ phụ thuộc vào những “mối cũ”.

Thực tế thì nhu cầu tiêu thụ, nhập khẩu lương thực trên thế giới luôn rất lớn, nhưng đồng thời “cuộc chiến” trên thương trường cũng không chờ đợi ai. Nếu chậm chân, chúng ta sẽ bị chiếm lĩnh và dễ đánh mất cơ hội mở ra những thị trường tiềm năng.  Trong bối cảnhđa dạng hóa thị trường là chuyện tất yếu phải làm, chúng ta càng phải biết nhanh chóng hành động, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động xuất khẩu gạo cho năm 2019 này. 

Một bước đi nguy hiểm - Việc Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel đối với Cao nguyên Golan sẽ thổi bùng thêm những mâu thuẫn sắc tộc tôn giáo, sự tranh giành ảnh hưởng giữa các thế lực...
Vui với trái cây, loay hoay với giá gạo - Bước vào quý I/2019, trái cây Việt Nam mang lại nhiều tin vui, nhất là những thị trường khó tính đã chấp nhận sự có mặt của trái cây Việt trên kệ hàng như Mỹ, Úc, Nhật...
Bình luận