Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nông nghiệp Việt Nam kết hợp nội và ngoại lực để phát triển mạnh hơn

(VOH) - Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là hướng phát triển hiện nay.

Theo đó, các cơ sở, trang trại cần đầu tư khoa học công nghệ, liên kết, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiếp thu, áp dụng những giải pháp hữu ích vào sản xuất nông nghiệp.

Cả nước hiện có 22 Khu nông nghiệp công nghệ cao và trong tương lai cần phát triển thêm nhiều khu nông nghiệp công nghệ cao tư nhân. Mục tiêu giúp nông nghiệp nước nhà phát triển theo thời đại công nghiệp 4.0. Tiềm năng cho ngành nông nghiệp công nghệ cao phát triển rất lớn, cần tạo mối liên kết nội lực, ngoại lực, các đối tác nước ngoài.

Trước hết, về nội lực, các khu nông nghiệp công nghệ cao ở nhiều địa phương là nơi ươm tạo cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, là nơi trình diễn các mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm tốt nhất. Hiện cũng có những doanh nghiệp, hộ gia đình ở nhiều địa phương đã và đang xây dựng các trang trại áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, cho hiệu quả kinh tế cao. Lĩnh vực áp dụng nông nghiệp công nghệ cao hiện tập trung vào hoa, rau màu, nấm dược liệu và nuôi tôm.

Còn về ngoại lực, Nhà nước và các địa phương nói chung, TPHCM nói riêng đang kêu gọi kiều bào, nhà khoa học, doanh nghiệp đóng góp xây dựng phát triển lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Những đóng góp này có thể thông qua các hình thức đầu tư, chuyển giao tri thức, ứng dụng các công nghệ kỹ thuật. Hiện có nhiều kiều bào Nhật Bản, Canada, Hoa Kỳ về nước lập doanh nghiệp sản xuất, chế biến nấm dược liệu, phân bón thông minh, công nghệ quản lý tưới, tiêu nước trong canh tác, phương tiện để quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đặc biệt, có những doanh nghiệp dịch vụ làm cầu nối, đặt hàng nhu cầu ngành nông nghiệp Việt Nam đang cần. Những nhu cầu đó ở các quốc gia này họ đã trải qua và chúng ta có thể tiếp nhận mà không cần phải lãng phí tiền bạc, thời gian, công súc để nghiên cứu lại. Qua đó, giúp cho ngành nông nghiệp nước ta có thể tiếp cận nhanh và ứng dụng được nhiều công nghệ nông nghiệp cao, hiện đại. Từ đó, giải bài toán giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và gia tăng sức mạnh cạnh tranh của hàng hóa nông sản Việt trên thị trường quốc tế.

Hiện nay có khoảng 1.000 doanh nghiệp của người Việt Nam ở nước ngoài đầu tư tại TPHCM với tổng số vốn điều lệ gần 40.000 tỷ đồng, có hơn 120 dự án đầu tư nước ngoài của kiều bào, với tổng vốn 260 triệu đô la được phép hoạt động theo hình thức đầu tư nước ngoài. Hiện có những cơ hội hợp tác ở TP HCM nói riêng và cả nước nói chung trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao như dịch vụ, sản phẩm cung cấp tài chính, xây dựng chuỗi giá trị, thị trường, hỗ trợ hộ nông dân tiếp cận với chuỗi cung ứng của doanh nghiệp, ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị cho hộ nông dân.

Để khai thác cơ hội này, cần giải quyết mối liên kết 4 nhà. Nhà nước và chính quyền địa phương cần có những cơ chế, chính sách để hợp tác, liên kết, tạo môi trường và ứng dụng với các doanh nghiệp, đơn vị công nghệ thông tin trong và ngoài nước. Nhà nước không chỉ đưa ra chủ trương mà phải đào tạo được các cán bộ hiểu biết rõ về nông nghiệp công nghệ cao, về nhu cầu thị trường để định hướng chọn được những nông sản thế mạnh của Việt Nam. Các nhà khoa học nông nghiệp công nghệ cao tiếp tục nghiên cứu phát triển, chuyển giao ứng dụng trong lĩnh vực này. Còn với nhà nông phải được hướng dẫn, áp dụng các quy trình canh tác theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, chất lượng, an toàn, hiệu quả. Doanh nghiệp là nơi giải quyết từng mặt hàng nông sản theo chuỗi giá trị: Từ chọn loại nông sản phù hợp, liên kết với nông dân sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản đó, chuyển tới các siêu thị hoặc điểm phân phối đến người tiêu dùng nội địa lẫn xuất khẩu./.

Bình luận