Tiêu điểm: Nhân Humanity

NSƯT Quỳnh Liên – Người góp lửa cho “Nhạc Cách mạng xuống phố”

(VOH) - Bên cạnh việc sáng tác thì công tác quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” chiếm một vị trí quan trọng không kém. Công tác này giúp đưa các tác phẩm đến gần hơn với công chúng, giúp phong trào rèn luyện theo tấm gương cao đẹp của Bác ngày càng lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Lần trao giải đợt 2, giai đoạn 2011 – 2015, của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, đã có 43 tác phẩm, tác giả, tập thể và cá nhân đạt giải. NSƯT Quỳnh Liên chính là 1 trong 3 nghệ sĩ đã đoạt được Giải B (không có giải A) cho cá nhân có nhiều đóng góp công tác quảng bá.

Không chỉ được biết đến như một giọng ca đầy nội lực của dòng nhạc truyền thống Cách mạng, gần đây nữ nghệ sĩ còn nỗ lực gây dựng nên phong trào “Nhạc cách mạng xuống phố” từ năm 2009 để phục vụ dòng âm nhạc này cho bà con ở tận các phố phường, làng xã.

Phóng viên Đài TNND TPHCM (VOH) đã phỏng vấn NSƯT Quỳnh Liên về nội dung này.

*VOH: Thưa NSƯT Quỳnh Liên, vừa qua, chị đã nhận được Giải B – trong cuộc vận động, sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí với chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt 2, do Ban tuyên giáo Thành Ủy trao tặng. Cảm xúc khi nhận được giải thưởng này như thế nào?

NSƯT Quỳnh Liên: Đối với một nghệ sĩ thì dù cho là giải thưởng lớn hay nhỏ gì cũng đều đáng quý, hạnh phúc vì đã thể hiện được sự ghi nhận của công chúng và các cấp lãnh đạo đối với sự cống hiến của mình.

Điều đó càng khích lệ mỗi nghệ sĩ tự cảm nhận được trách nhiệm của mình và làm tốt hơn nữa. Đối với Quỳnh Liên, người nghệ sĩ ngoài việc đảm bảo công tác chuyên môn thì trách nhiệm quảng bá cũng rất quan trọng trong thời đại ngày nay.

*VOH: Dưới góc độ của một ca sĩ đã có nhiều năm gắn bó với âm nhạc, đặc biệt là dòng nhạc truyền thống cách mạng, Nghệ sĩ cảm nhận như thế nào về chủ đề của cuộc vận động này, nó mang lại nguồn cảm hứng như thế nào cho một người nghệ sĩ sáng tạo?

NSƯT Quỳnh Liên: Sức lan tỏa của cuộc vận động rất lớn và sẽ còn phát triển hơn nữa, vì nó hợp lòng dân và hướng về những tư tưởng, việc làm hết sức tốt đẹp.

Với một nghệ sĩ thì tôi nghĩ cuộc vận động này cần mở rộng hơn nữa. Đặc biệt là với các nghệ sĩ trẻ để các bạn hiểu hơn và có nhiều đóng góp hơn. Với Quỳnh Liên, dòng nhạc Cách mạng cũng như các ca khúc về Bác dường như đã ngấm vào máu thịt. Khiến mình cảm thấy cần phải truyền lại ngọn lửa ấy cho các thế hệ trẻ bằng các công trình cụ thể như công trình “Nhạc Cách mạng xuống phố”. Rất mừng là công trình này được các bạn trẻ đón nhận và tham gia khá đông.

Nhạc sĩ Thế Hiển đệm đàn cho NSƯT Quỳnh Liên hát trong một chuyến công tác về nguồn - Ảnh: NLĐ.

*VOH: Ca khúc nào viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng thể hiện mà nghệ sĩ tâm đắc nhất?

NSƯT Quỳnh Liên: Đối với tôi, có 2 ca khúc về Bác tôi tâm đắc nhất đó là “Người là niềm tin tất thắng” (Nhạc sĩ Chu Minh) và ca khúc gần đây nhất được Liên biểu diễn chính tại buổi lễ trao giải là “Dòng sông chở nặng phù sa” (Nhạc sĩ Đào Văn Sử).

*VOH: Quay lại một chút, chị có thể chia sẻ thêm về phong trào “Nhạc Cách mạng xuống phố”?

NSƯT Quỳnh Liên: Công trình được thực hiện từ 2009, đã trải qua 45 kì, với hàng trăm chương trình biểu diễn. Mô hình này khá gọn nhẹ, xung kích, tổ chức thành từng nhóm nhỏ đi xuống tận phường, xã, khu phố để hát cho đồng bào nghe và họ đón nhận rất nồng nhiệt.

*VOH: Khi thể hiện dòng nhạc truyền thống cách mạng, đặc biệt là những ca khúc về Bác Hồ kính yêu thì điều gì là quan trọng nhất, nghệ sĩ có thể chia sẻ chút kinh nghiệm của chính mình cho các bạn trẻ ?

NSƯT Quỳnh Liên: Quan trọng là khi hát ta phải hiểu được ý tưởng của tác giả. Quan trọng nhất vẫn là sự trải nghiệm để từ thực tế đó nuôi dưỡng cảm xúc, cho nó thăng hoa khi gửi đến người nghe.

VOH: Xin cảm ơn nghệ sĩ !

Bình luận