Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tinh hoa đờn ca tài tử Nam bộ qua ống kính Nguyễn Á

(VOH) - Buổi triển lãm và ra mắt quyển sách ảnh với chủ đề “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á vừa diễn ra hôm 20/9 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM, thu hút sự quan tâm của giới nhiếp ảnh và những người trót “nặng lòng” với nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á và cuốn sách ảnh Đờn ca tài tử ra mắt tại Nhà văn hóa Thanh Niên, Q.1, TPHCM sáng 20/9 (Ảnh: Quang Định/TTO)

Cuộc hội ngộ tài tử...qua ảnh

Trong không khí giao lưu, ấm tình tri âm tri kỷ, cuộc hội ngộ của những thế hệ nghệ nhân tài tử trong công trình ảnh đồ sộ này đã minh chứng cho sức sống trường tồn của di sản đờn ca tài tử đất phương Nam.

Triển lãm và sách ảnh “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” là thành quả chặng đường gần 2 năm miệt mài của NSNẢ Nguyễn Á đến với 21 tỉnh, thành Nam bộ để lưu lại những khoảnh khắc quí báu của di sản đờn ca.

Qua ống kính nhiếp ảnh và cách kể chuyện riêng của mình, Nguyễn Á đã kể lại những câu chuyện sống động bằng ảnh về thế hệ những nghệ nhân, tài tử Nam bộ - những người đang gìn giữ và trao truyền ngọn lửa đam mê vốn quý của âm nhạc tài tử dân tộc, quê hương.

Đờn ca tài tử Nam bộ đã trở thành máu thịt của không ít nghệ nhân, tài tử phương Nam chân chất, hào sảng, trọng nghĩa tình. Chính vì thế, họ càng tự hào và trân trọng với công trình ảnh của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Á – người con ngoại đạo của đờn ca tài tử Nam bộ nhưng lại có một tình yêu cháy bỏng với nghệ thuật đờn ca.

Không chỉ sáng tạo bằng tư duy thẩm mỹ, Nguyễn Á còn dành bao nhiệt tâm cho từng góc máy, khung ảnh để có thể thu vào ống kính của mình những khoảnh khắc bình dị mà tỏa sáng của mỗi nghệ nhân theo từng tiếng đờn, lời ca.

Đến với cuộc hội ngộ đặc biệt này, nghệ nhân Tấn Thành (Trà Vinh) xúc động: “Tôi rất xúc động khi đến đây và nhìn những nghệ nhân tài tử từ lớn tuổi cho đến nhỏ tuổi họp mặt ngày hôm nay. Nguyễn Á đã có công rất lớn và là động lực để tôi cố gắng khuyến khích tất cả anh em cùng chơi bộ môn đờn ca tài tử này”.

“Bộ môn nghệ thuật rất tuyệt vời. Để làm được những điều như hôm nay, quả thực rất cảm ơn Nguyễn Á vì đã sưu tầm và để lại những hình ảnh mà lớp kế thừa khi nhìn vào đó sẽ thấy được, biết được cái hay của ông cha lưu lại...”, nghệ nhân Cao Thị Thắng (Bình Dương) chia sẻ.

Một nữ nghệ sĩ đờn ca tài tử tươi cười khi xem bộ ảnh của mình được triển lãm tại Nhà văn hóa Thanh niên, Q.1, TPHCM sáng 20/9 (Ảnh: Quang Định/TTO)

Với những tài tử trẻ, được góp mặt trong công trình ảnh này cùng với các nghệ nhân bậc thầy không chỉ là niềm vui của cá nhân mà còn là niềm vinh dự của cả gia đình, là nguồn động lực lớn lao để những tài tử trẻ tiếp tục niềm đam mê và cống hiến cho nghệ thuật âm nhạc dân tộc.

“Rất bất ngờ và xúc động vì nghệ thuật này không bị mai một, ở khắp mọi miền đất nước đều có tài tử, đều có đờn ca và ai cũng đều yêu nghệ thuật này. Rất cảm ơn anh Nguyễn Á vì đã tôn vinh cho những người đã đam mê bộ môn đờn ca tài tử", Tài tử Minh Tùng (huyện Hóc Môn, TPHCM) phấn khởi cho biết.

Góp phần tôn vinh văn hóa Nam bộ

Không chỉ đơn thuần mang đến cho công chúng các tác phẩm nhiếp ảnh đẹp về ánh sáng, bố cục… mà công trình ảnh đặc biệt này còn đóng góp không nhỏ cho công tác nghiên cứu về âm nhạc tài tử khi đã phần nào phản ánh được đời sống của loại hình nghệ thuật này trong dòng chảy văn hóa của dân tộc.

Nhà nghiên cứu về âm nhạc tài tử, Tiến sĩ Mai Mỹ Duyên nhận định: “Nguyễn Á không phải là người chơi nhạc tài tử nhưng anh có một ý tưởng thật hay. Những lời giới thiệu trong cuốn sách tuy ít thôi nhưng đã nắm bắt được khái quát nhất về hoạt động đờn ca tài tử, và nó cũng thể hiện sự đóng góp của chính Nguyễn Á đối với môn nghệ thuật này. Việc làm này gợi lên trong chúng ta, ở mọi giới, mọi ngành nghề đều có thể đóng góp để giữ gìn và phát huy giá trị của đờn ca tài tử”.

Trong 2 năm thực hiện quyển sách ảnh thứ 5, trên chiếc xe máy của mình, Nguyễn Á đã bôn ba nhiều nơi, tác nghiệp tại nhiều liên hoan đờn ca tài tử lớn nhỏ trong khu vực, thâm nhập vào từng thôn xóm của miền sông nước phương Nam để có thể gom góp những khoảnh khắc đẹp, những câu chuyện chân thực về đời sống của các bậc nghệ nhân, tài tử. Dù quá trình sáng tác và xâu chuỗi những câu chuyện gặp không ít khó khăn nhưng anh chưa bao giờ mệt mỏi và luôn quyết tâm cho những thông điệp nhiếp ảnh của mình.

“Điều tôi tâm đắc nhất ở bộ ảnh này là đã tôn vinh và chứng minh được văn hóa Nam bộ nói riêng và của Việt Nam nói chung là trường tồn mãi mãi và đến nay nhiều thế hệ vẫn đang tiếp nối, luôn song hành gìn giữ bản sắc dân tộc. Tôi khẳng định rằng âm nhạc tài tử sẽ trường tồn cùng dân tộc và đáng mừng hơn là nó gắn liền trong cuộc sống của nhiều gia đình, đi vào cả trường học và được nhiều em học sinh yêu thích. Chính vì thế tôi luôn phải cố gắng hết sức để phản ánh câu chuyện của từng nhân vật”, NSNẢ Nguyễn Á chia sẻ.

Sau các cuộc triển lãm và sách ảnh mang phong cách thời sự nghệ thuật tạo được dấu ấn như: “Họ đã sống như thế” (2009), “Tâm và tài, họ là ai?” (2012), “Nick Vujicic và những ngày ở Việt Nam” (2013), “Hoàng Sa - Trường Sa, biển đảo VN” (2014) thì quyển sách ảnh “Đờn ca tài tử - Lời tự tình của dân tộc, quê hương” một lần nữa khẳng định sức sáng tạo không ngừng nghỉ, tâm huyết và tài năng của NSNA Nguyễn Á trong cuộc hành trình vươn đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ của nghệ thuật nhiếp ảnh và đặc biệt là cho việc giữ gìn, phát huy những giá trị tinh hoa của di sản nghệ thuật đờn ca tài tử đất phương Nam.

Bình luận