Tết Việt có nhiều thú vui, phong tục đa dạng như lễ cúng Giao thừa, đi chùa đầu năm, chúc tết, mừng tuổi, đi chợ Tết….
Trong đó, chợ Tết là hoạt động thể hiện rõ nét nhất không khí Tết đến gần. Chợ Tết là những phiên chợ ngày cuối năm, đông vui hơn, tấp nập hơn và cũng hối hả hơn vì ai ai cũng bận rộn trang hoàng nhà cửa, cúng gia tiên, hoàn thành những công việc cuối cùng trước khi bước sang năm mới.
Vì sao lại có cảnh tấp nập, vì người dân đi chợ Tết không chỉ với mục đích mua sắm tích trữ cho mùa Tết mà còn tận dụng thời gian để gặp gỡ, để tận hưởng cái không khí háo hức khi Tết đến.
Vì tất cả những người buôn bán hầu như sẽ nghỉ xả hơi trong những ngày Tết nên người mua nảy sinh tâm lý mua dự trữ, mọi nhà đều tranh thủ mua sắm trước để suốt thời gian nghỉ Tết trong nhà vẫn tươm tất, đầy đủ đồ ăn thức uống. Dù nghèo hay giàu, ai ai cũng muốn nhà mình có cái tết tươm tất nhất. Người Việt cũng quan niệm rằng đầu năm trong nhà đầy đủ, tươm tất thì cả năm sẽ no ấm.
Chợ Tết ngày xưa thường diễn ra từ 25 đến 30 tháng Chạp. Nơi họp chợ là các bãi đất trống hoặc các khu chợ có sẵn.
Không khí chợ Tết xưa ngày nay khó có thể cảm nhận được rõ, chỉ có thể hình dung qua lời kể, qua các câu thơ, bài văn.
Như hình ảnh phiên chợ Tết xưa đẹp như thơ trong bài thơ "Chợ Tết" của thi sĩ Đoàn Văn Cừ: "Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/ Sương hồng lam, ôm ấp nóc nhà gianh/Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/ Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết"…
Hay nhà văn Vũ Bằng, trong cuốn "Thương nhớ mười hai" đã mô tả một cảnh chợ Tết xưa bằng những dòng thật sinh động: “Đất thì lầy lội, người thì đông, chen chúc xô đẩy ồn ào, mình mệt đứt hơi mà cứ phải đi theo xách làn mây lẽo đẽo, lắm lúc muốn thở hắt ra đi về. Nhưng nghĩ thế mà thôi, chứ chợ Tết có một sức hấp dẫn kỳ lạ, muốn về nhưng lại cứ muốn đi, để xem thiên hạ mua bán, để xem bao nhiêu cái ngon, cái đẹp của quê hương, để đi xem... chợ Tết”.
Ngày xưa các gia đình cần tích cóp trong cả năm để chuẩn bị cho Tết. Bắt đầu từ 23 tháng Chạp cúng ông Công ông Táo, các gia đình đã rộn ràng dọn dẹp, sửa sang nhà cửa cũng như bắt đầu mua sắm cho Tết. Trẻ em ngày xưa thích mê chợ Tết vì chỉ khi đó mới có cơ hội theo chân mẹ, bà đi ngắm nghía đủ thứ hàng hóa, “món ngon vật lạ” bày bán tại đây, hoặc theo chân cha đi sắm chậu mai, đào, quất trang trí trong nhà.
Đi chợ Tết ngày xưa chủ yếu là mua lá dong, mua thịt, mua hành để về gói bánh chưng. Ngoài ra, người ta không quên qua cổng chợ xin thầy đồ mấy chữ về thờ vì ngày xưa đa phần không biết chữ nên mới có phong tục thờ chữ trong nhà để mơ ước con cháu sau này được học hành, làm ăn phát đạt. Chữ được chọn để thờ thường là chữ Tâm, Phúc, Đức… Phong tục thờ chữ ngày nay đang được phục hồi bằng thư pháp thể hiện một dân tộc hiếu học trong lịch sử và hôm nay.
Chợ Tết ngày nay không còn không khí như ngày xưa, nhưng cái tấp nập, nhộn nhịp vẫn còn đó.
Chợ ngày Tết ngày nay ngoài các hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu còn bày bán các loại quà biếu Tết để gia chủ mua về chưng Tết hay người có nhu cầu tặng, biếu ông bà, cha mẹ hay cấp trên, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng… Các loại quà Tết cũng rất đa dạng, từ giỏ quà Tết, hộp quà Tết đến túi quà Tết, mỗi loại lại có nhiều kiểu cách đóng gói, đa dạng chủng loại sản phẩm và mức giá khác nhau. Nhưng các món được chọn cho món quà biếu Tết thường là trà, rượu, bánh, mứt hay hạt dưa, hoa quả…
Chợ Tết nay không chỉ gói gọn trong các khu chợ, những địa điểm nhất định mà đã tỏa ra mọi ngóc ngách. Các siêu thị, cửa hàng và các mặt hàng đã được làm sẵn khiến việc chuẩn bị Tết ngày nay dễ dàng hơn.
Rất nhiều mặt hàng từ quần áo đến các loại bánh kẹo, thực phẩm đóng gói, giò chả, bánh chưng nấu sẵn, các loại đồ khô như măng miến, nấm hương, mộc nhĩ... đã được bày bán trước cả tháng trời. Sự tiện lợi ấy giúp cho người ta không phải lo lắng nhiều, có thể đợi đến 27, 28 Tết ra chợ một vòng đã có đầy đủ cho ba ngày Tết.
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, hình thức chợ cũng trở nên phong phú hơn, chợ không chỉ mua bán trực tiếp mà còn giao dịch gián tiếp thông qua các nền tảng thương mại trực tuyến. Nhịp sống hối hả, công việc bận rộn khiến nhiều người không thể dành thời gian thong dong dạo chợ sắm Tết, những chợ Tết online này giúp họ chu toàn sắm sửa cho gia đình trong dịp này.
Dù có sự biến đổi giữa Tết truyền thống và Tết hiện đại, nhưng đâu đó trong tiềm thức người Việt vẫn dành cảm xúc đặc biệt cho cái Tết. Dù hình thức đón Tết, ăn Tết có hiện đại hơn nhưng vẫn là cách thức mỗi người có một cái Tết trọn vẹn theo cách của riêng mình.
Đi chợ Tết vẫn là một phong tục gắn liền bao đời với người dân ta và chợ ngày Tết luôn được đón chờ, luôn mang một ý nghĩa quan trọng.