Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhà văn làm thiện nguyện – Khi yêu thương vượt lên nỗi sợ

(VOH) - Nhà văn, nhà báo là chiến sĩ, tác phẩm là vũ khí trên mặt trận văn hóa nghệ thuật.

Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật đã cổ vũ tinh thần chống dịch bệnh đã ra đời, khích lệ các tầng lớp nhân dân đoàn kết chung tay chiến thắng dịch bệnh, đồng thời tri ân những lực lượng đã và đang trực tiếp chống dịch nơi tuyến đầu. Và không chỉ có như vậy, khi tận mắt thấy những vất vả của người dân, anh chị em văn nghệ sĩ, nhất là các nhà thơ, nhà văn đã dấn thân, kết nối và bằng sức lực của mình, chia sẻ những nhọc nhằn với bà con qua công tác thiện nguyện. Theo họ, đó là trách nhiệm công dân, là tình cảm thôi thúc trong chính mỗi người.

Nhà văn làm thiện nguyện – Khi yêu thương vượt lên nỗi sợ 1
Các bức tranh được bán đấu giá gây quỹ mua trang thiết bị y tế cho bệnh nhân COVID-19

Với cách làm giản dị, nhất là sự thấu hiểu từ tâm, những người làm công việc thiện nguyện nói riêng và nhà văn nói chung đều muốn dành tâm sức của mình để san sẻ những khó khăn của bà con những ngày cùng Thành phố chống dịch. Theo nhà văn Võ Thu Hương - Chánh văn phòng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh thì khu vực chị ở có nhiều công nhân, người lao động sinh sống. Những ánh mắt lo âu những ngày mất việc, những đứa trẻ thiếu sữa hay cuộc sống mưu sinh oằn nặng trên đôi vai điều làm chị thương nhất và băn khoăn nhiều nhất. Do vậy, kết nối được với những nhà hảo tâm, bạn bè văn chương thì chị chuyển ngay đến cho bà con. Có lo lắng vì còn gia đình, con nhỏ phía sau nhưng ý chí mà quan trọng nhất, chính những ánh mắt cảm ơn, chính sự hạnh phúc khi bà con nhận được những phần quà nhỏ đã là động lực để thực hiện công tác từ tâm.

“Dù là ai nấy đều đeo khẩu trang nhưng nhìn ánh mắt thì mình cảm thấy có gì đó thúc giục mình. Mình phải có trách nhiệm với những người xung quanh. Vào hoàn cảnh đấy, mình cảm thấy cần giúp mà mình không giúp được thì cảm giác không dễ chịu chút nào. Khi bạn làm công việc chia sẻ thì bạn sẽ có những trải nghiệm rất đặc biệt, bạn sẽ cảm thấy khi mình được cho đi cũng là hạnh phúc rất lớn, những hạnh phúc rất đặc biệt”, nhà văn Võ Thu Hương chia sẻ.

Nhà văn làm thiện nguyện – Khi yêu thương vượt lên nỗi sợ 2
First News đã đấu giá thành công 16 ấn bản đặc biệt “Muôn kiếp nhân sinh”

Còn với nhà văn Phương Huyền, chị đã bắt đầu cho đợt công tác thiện nguyện từ tháng 6 với những trăn trở là làm sao có thể giúp đỡ được thật nhiều người đang gặp khó khăn do dịch bệnh. Từng ngày, chị kết nối với các nhà hảo tâm và âm thầm vượt khó, vượt cả nỗi lo bệnh tật để chia đến mọi người. Và điều mà chị nhận được, làm niềm vui của chính mình là ánh mắt hạnh phúc của bà con khi nhận được hỗ trợ. “Lúc đó mình không có nghĩ là có thể hỗ trợ được nhiều đâu. Vì hơn một năm kinh tế khó khăn, mọi người đều phải chống chọi với dịch bệnh. Nhưng khi mình bắt đầu làm thì mọi việc cứ chạy. Mình nhận được sự hỗ trợ anh em bạn bè. Thật sự mình quá may khi gặp được anh em bên đội phản ứng nhanh và hầu như mọi người đều cảm thấy mang đến cho những hoàn cảnh khó khăn một phần quà là động lực giúp mọi người vượt qua nỗi sợ bị lây nhiễm”, chị Phương Huyền cho biết.

Còn với nhà thơ, nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, anh có cách làm khác là muốn từ các bức tranh mọi người góp về, để đóng góp chút lòng vì thành phố. Do vậy, anh đã có buổi đấu giá tranh để mua giường hồi sức cho bệnh viện dã chiến. Các bức tranh của nhiều họa sĩ nổi tiếng: Lưu Công Nhân, Nguyễn Quốc Thái, Lê Triều Điển, Thành Chương, Phạm An Hải, Đinh Quân, Bùi Tiến Tuấn…đã được đấu giá.

Nhà văn làm thiện nguyện – Khi yêu thương vượt lên nỗi sợ 3
Tranh bán đấu giá của họa sĩ Lê Triều Điển

Anh Đợi kể: “Mình với Quân bàn nhau viết trên facebook xin ít tranh để bán với giá rất hữu nghị để mua 4, 5 giường nhưng không ngờ được mọi người yêu thương và chia sẻ với các bệnh nhân bị Covid-19. Đã có hơn 150 bức tranh tượng, vật dụng đã được chuyển về. Ban đầu định làm một phiên đấu giá nhưng sau đó vì nhiều, mình phải làm 3 phiên lớn và 1 phiên đặc biệt để vinh danh gia đình họa sĩ Nguyễn Quốc Thái. Gia đình cho 9 bức tranh, đại sứ Phạm Sanh Châu – đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ cho 1 bức. Mình đã bán 104/107 bức. Bắt đầu từ điều giản dị mà kết thúc bằng giấc mơ lớn mà mình không dự tính được”.

Trước đó, First News đã đấu giá thành công 16 ấn bản đặc biệt “Muôn kiếp nhân sinh”, thu về 855 triệu đồng. Ngoài số tiền 480 triệu đồng đã được chuyển vào quỹ Hạt Vừng - Soha để mua 5 máy thở tặng các bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến đầu TPHCM, ban tổ chức còn gửi trực tiếp 250 triệu đồng để có thêm chi phí nấu các bữa ăn tri ân cho y, bác sĩ các bệnh viện tuyến đầu và cứu trợ đồng bào đang lâm cảnh khó khăn, mua trang thiết bị y tế giúp các bệnh viện và khu cách ly.

Có thể mỗi người sẽ có cách làm khác nhau, nhưng với các nhà văn, với sự nhạy cảm, xúc động của người quan sát và sáng tác, đã âm thầm gánh cùng nỗi lo của bà con xóm nghèo, chia sẻ những nhọc nhằn trong mưu sinh hằng ngày. Thành phố sẽ chiến thắng dịch bệnh, kinh tế sẽ sớm được phục hồi nhưng các nhà văn vẫn sẽ là những người cùng bước, cùng thấu cảm với những hoàn cảnh khó khăn. Xin mượn lời của nhà văn Võ Thu Hương kết lại baì viết, để thấy rằng những công việc thiện nguyện vẫn sẽ tiếp tục như sự đùm bọc, như tình yêu thương không bao giờ dừng lại nơi Thành phố nghĩa tình này: “Mình thấy mọi người vẫn thiếu thốn, thì đó là lúc mình thấy phải nỗ lực nhất, kêu gọi nơi này nơi kia. Và khi người khác vẫn đang cần thì những người làm công việc thiện nguyện và những người kết nối luôn sẵn sàng tiếp tục hành trình ý nghĩa của mình thôi. Khoảng thời gian dịch là khoảng thời gian cần nhất để chia sẻ với nhau nhưng không có nghĩa hết dịch, tôi sẽ không chia sẻ nữa. Đấy là điều mà không phải Hương mà những người xung quanh Hương đều suy nghĩ như vậy.”

Bình luận