Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chủ tịch Hội nông dân xã học tập Bác bằng việc quan tâm đời sống nhân dân

(VOH) - Học theo lời Bác, ông Trần Quang Vinh- Chủ tịch Hội nông dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè luôn quan tâm đến đời sống của bà con nông dân tại địa phương.

Suốt cuộc đời Chủ tịch Hồ Chí Minh đều một lòng vì nước, vì dân. Tấm lòng nhân ái, bao dung, yêu thương con người đã làm nên giá trị tinh thần lớn lao và sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thương nhân dân đời sống khó khăn, Bác nhắc nhở nhiệm vụ thường xuyên là xóa đói nghèo, làm cho kinh tế phát triển. Người nghèo thì đủ ăn. Người đủ ăn thì khá giàu và người khá giàu thì giàu thêm. Kinh tế có phát triển, đời sống đồng bào có ấm no thì đất nước mới cường thịnh.

Học theo lời Bác, ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch Hội nông dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè luôn quan tâm đến đời sống của bà con nông dân tại địa phương.

Với quyết tâm cùng bà con nông dân tại xã làm giàu bằng nghề làm nông, ông Trần Quang Vinh đã vận động bà con nông dân tham gia hợp tác xã, thực hiện nuôi thủy sản theo quy trình ứng dụng công nghệ cao. Theo ông hiện nay, trên địa bàn xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè diện tích đất nông nghiệp còn khá rộng. Tuy  nhiên, do quy hoạch đất khu công nghiệp, đất cảng nên nhiều đất còn để trống, không canh tác.

Với ý nghĩ giúp dân vượt khó, có thu nhập ổn định, ông đã vận động bà con tận dụng đất bỏ hoang do quy hoạch để thả nuôi cá, cua, tôm để tăng thu nhập. Với sự vận động đó, đến nay, trên địa bàn xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè có 196 hộ nông dân nuôi tôm.

Ông Trần Quang Vinh, cho biết: “Chủ yếu tập trung vô mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm chủ lực. Mục đích là sản xuất đất ít nhưng sản lượng cao thì mấy mô hình này diện tích đâu cần nhiều nhưng khi sản xuất ra, sản lượng cao đảm bảo chất lượng. Phải tìm tòi, học hỏi qua lớp tập huấn rồi ứng dụng công nghệ thì sản xuất mới thành công. Nói chung thành công hay không là do mình quyết định, đừng nói do ý trời.

Với ý nghĩ "làm phải cho ra làm", ông Trần Quang Vinh không chỉ dừng ở việc hướng bà con nông dân ứng dụng quy trình nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao mà ông còn tâm huyết với việc thành lập hợp tác xã nuôi tôm tại địa bàn để chuyên nghiệp hóa quy trình từ lúc thả nuôi đến đầu ra, từ đó giúp bà con nông dân nuôi tôm phát triển bền vững hơn:

Quy trình giờ ai muốn làm thì phải vào hợp tác xã. Nhưng khi vào, họ có quyền lợi rồi thì phải có trách nhiệm. Yếu tố để quyết định thành công là vận hành hợp tác xã theo chuỗi liên kết nhiều người mới thành công.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại HTX Nông nghiệp Hiệp Thành (Hiệp Phước - Nhà Bè) - Ảnh: Hội Nông dân Việt Nam.

Theo nông dân Nguyễn Thanh Tùng, một hộ nuôi tôm tiêu biểu tại xã Hiệp Phước cho biết, hiện nay các hộ nuôi theo truyền thống thì rủi ro, rình rập rất nhiều. Trong khi đó vào hợp tác xã, nông dân tuân theo quy trình mới, chia theo 3 giai đoạn chứ không nuôi 1 giai đoạn như kiểu truyền thống.

Với 3 giai đoạn, mỗi khi chuyển ao sẽ dễ dàng hơn trong việc xử lý phần còn lại như thức ăn dư thừa, phun trừ mầm bệnh. Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, sắp tới sẽ tham gia hợp tác xã theo lời kêu gọi của ông Trần Quang Vinh - Chủ tịch hội nông dân xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè. Để góp phần giúp cho hợp tác xã phát triển bền vững, ông đã chuẩn bị sẵn các quy trình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của mình để chia sẻ cho xã viên khi cần:

Tôi đang xây dựng mô hình khép kín từ khâu đầu vào, nước.. xử lý nước thải hầu như là không xả ra môi trường, xử lý khép kín hết. Anh em nào thấy thích thì mình sẵn sàng yểm trợ nhau chuyển giao quy trình.

Hiện nay, nghề nuôi tôm, nuôi cua của các nông hộ trên địa bàn xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè đã dần định hình theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đây là việc làm đáng mừng bởi thành phố đang khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị.

Với việc thành lập được các hợp tác xã nông nghiệp sẽ góp phần thúc đẩy sức mạnh tập thể từ đó giúp phát triển bền vững nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Bình luận