Tiêu điểm: Nhân Humanity

Doanh nghiệp cần tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh

(VOH) -  “Doanh nghiệp cần tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, làm tốt công tác dự báo tình hình và biến động của thị trường trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến khó lường”.

Đây là yêu cầu của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thành Phong tại Đại hội Đảng bộ khối doanh nghiệp TPHCM lần thứ 2 nhiệm kỳ 2020-2025 vào sáng nay 27/8.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối doanh nghiệp thành phố lần thứ 1, nhiệm kỳ 2015-2020, doanh thu của 17 doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối tăng bình quân tăng hơn 13% năm, đóng góp ngân sách trên 600 tỷ đồng/năm. Thu nhập của người lao động tăng 5,6% năm, đạt bình quân gần 10 triệu đồng/người/tháng.

Về các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 đặt ra, bà Lê Thị Hồng Hậu, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố cho hay: “100% doanh nghiệp bảo toàn, phát triển vốn; 100% doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả, đảm bảo thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, phấn đấu nộp ngân sách hàng năm đạt chỉ tiêu thành phố giao hoặc đại hội cổ đông thường niên thông qua; phấn đấu thu nhập của người lao động trong doanh nghiệp tăng bình quân từ 5%/năm”.

doanh nghiệp TPHCM

Chủ tịch UBND thành phố - Nguyễn Thành Phong dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối doanh nghiệp TPHCM. 

Về công tác phát triển đảng viên trong khối doanh nghiệp, theo ông Đỗ Văn Tuấn - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Khối doanh nghiệp thành phố, công tác này có sự quan tâm chỉ đạo từ khâu tạo nguồn, bồi dưỡng, giáo dục, kết nạp đảng viên được thực hiện chặt chẽ đúng quy trình, nguyên tắc, thủ tục, chú trọng chất lượng. Trong nhiệm kỳ qua, Đảng uỷ Khối doanh nghiệp TP đã kết nạp được hơn 300 đảng viên mới, đạt tỷ lệ hơn 89%. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ hàng năm đều đạt trên 75%.

Tập trung chỉ đạo, sắp xếp lại, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng cho phù hợp với từng loại hình tổ chức đảng. Công tác quy hoạch được thực hiện theo đúng quy định của Thành ủy, đảm bảo yêu cầu về cơ cấu, số lượng, độ tuổi, đảm bảo công khai minh bạch, công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên được chú trọng, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện để đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở đảng hàng năm được thực hiện đúng yêu cầu, đi vào thực chất, đúng quy định”- ông Đỗ Văn Tuấn cho biết.

Hiện nay, TPHCM đã làm tốt công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 và bước sang trạng thái bình thường mới với nhiều khó khăn và thử thách phía trước, nhất là việc tăng trưởng kinh tế đang chậm lại dưới tác động của đại dịch COVID-19. Trong 7 tháng năm 2020, thành phố có 23.500 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 386.400 tỷ đồng và doanh số đóng góp cho hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố là 3.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, cũng đã có 21.600 doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động với số vốn đăng ký kinh doanh giảm 129.300 tỷ đồng và làm giảm đi doanh số hoạt động sản xuất kinh doanh của thành phố là 12.600 tỷ đồng. 

Các doanh nghiệp thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp thành phố, nhìn chung còn nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp không đạt chỉ tiêu nộp ngân sách, kể cả tăng thu nhập người lao động. Do đó, theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, cần nhạy bén nắm bắt các khó khăn của doanh nghiệp, thay đổi phương thức lãnh đạo theo hướng linh hoạt, tùy theo tình hình diễn biến của dịch Covid-19 để xây dựng các giải pháp phù hợp nhằm đạt được kết quả sản xuất kinh doanh cao nhất, đặc biệt là phải làm tốt hơn nữa công tác dự báo tình hình và sự biến động của thị trường để xây dựng kịch bản sản xuất kinh doanh ứng phó từng giai đoạn cụ thể. 

doanh nghiệp TPHCM

Quang cảnh Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối doanh nghiệp TPHCM. 

Lãnh đạo Thành phố yêu cầu, Đảng bộ cần xác định tâm thế chủ động để lãnh đạo, chỉ đạo doanh nghiệp biết “biến nguy thành cơ”, phát huy tính nhạy bén, sáng tạo để tìm kiếm cơ hội trong thách thức, giúp doanh nghiệp duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, không bị “đỗ gãy” trong trạng thái bình thường mới và phát triển mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, trước mắt, doanh nghiệp cần tái cấu trúc và nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trực thuộc có doanh thu lớn như: Công ty Môi trường thị, Công ty Thoát nước đô thị,  Công ty Công viên cây xanh, Công ty Dịch vụ cơ quan nước ngoài,…Về lâu dài là đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, tăng cường liên kết hợp tác và tranh thủ tối đa những cơ hội của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nhất là Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu để các doanh nghiệp không phụ thuộc vào một đối tác, một thị trường nhất định trong sản xuất kinh doanh.

"Đảng bộ cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để doanh nghiệp chủ động, tích cực hơn nữa trong đổi mới quản lý, quản trị doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động, sức cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như từng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cụ thể. Cùng với đó, đẩy nhanh việc thực hiện chương trình chuyển đổi số tại doanh nghiệp, nhất là chuyển đổi sang cung cấp sản phẩm, dịch vụ và quản lý điều hành hoạt động của doanh nghiệp trên nền tảng số. Tổ chức ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả ở tất cả các khâu, từ cung ứng, tổ chức sản xuất, kiểm soát chất lượng, quảng bá sản phẩm, phân phối. Tăng cường liên kết sản xuất, tham gia chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới, xây dựng thương hiệu và “chữ tín” trong kinh doanh. Chăm lo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cả về quản trị lẫn chuyên môn nghiệp vụ, xem đây là yếu tố quyết định góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp”.

Ông Phong cho hay, Thành phố sẽ tạo những điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tham gia hiệu quả Chương trình kích cầu đầu tư cũng như gói hỗ trợ doanh nghiệp thứ hai hiện đang chuẩn bị ban hành để doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh và tiếp tục phát triển sau dịch bệnh.

Bài, ảnh: Lệ Loan

Bình luận