Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác tiếp dân

(VOH) - Nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người vượt cấp cũng có xuất phát từ việc chưa coi trọng công tác tiếp dân.

Về công tác tiếp công dân, ngày 26/5/2014 Bộ Chính trị đã có chỉ thị số 35-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, đến nay công tác tiếp dân chưa được nhiều cơ quan, địa phương coi trọng làm cho các vụ việc khiếu nại, tố cáo diễn biến phức tạp, các vụ khiếu kiện đông người,vượt cấp gây hậu quả nặng nề cũng như người dân khiếu kiện càng bức xúc hơn.

Theo báo cáo từ trụ sở Tiếp công dân Trung ương trong 5 tháng đầu năm 2019, trụ sở Tiếp công dân Trung ương đã tiếp 8.049 công dân đến trình bày 1.643 vụ việc, trong đó, khiếu nại 990 vụ việc,tố cáo 227 vụ việc, phản ánh và kiến nghị 426 vụ việc.

Nội dung khiếu kiện ở các lĩnh vực: Hành chính là 1.192 vụ việc; tư pháp là 370 vụ việc; Đảng, đoàn thể là 13 vụ việc; nội dung khác 68 vụ việc. Đặc biệt, hiện nay trên toàn quốc có 221 vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc các cơ quan có ý kiến khác nhau về hướng giải quyết.  

Thanh tra Chính phủ đã tiếp nhận 5.704 đơn thư của công dân, đã xử lý 5.434 đơn, còn 270 đơn đang xử lý. Qua công tác xử lý đơn thư đã phát hành 1.735 văn bản hướng dẫn, 256 văn bản chuyển đơn của công dân đến cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết. Tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, nhất là còn tồn đọng nhiều vụ việc khiếu kiện đông người, kéo dài.

 công tác Tiếp dân

 Công tác tiếp dân. Ảnh minh họa

Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người khiếu nại vượt cấp… có xuất phát từ việc các ngành, các cấp chưa coi trọng công tác tiếp dân.

Người dân trình bày vụ việc, khiếu nại ở cơ sở khi mới phát sinh, nếu giải quyết rốt ráo, ổn thỏa thì sẽ tiết kiệm rất nhiều công sức, tiền của, thời gian cho cả người dân và các cơ quan công quyền.

Tuy nhiên, ở một số địa phương, cấp quận, huyện và kể cả phường, xã, vẫn còn một số cán bộ chưa ý thức được tầm quan trọng của công tác tiếp dân. Thậm chí có cán bộ còn những nhiễu, vòi vĩnh để kiếm lợi cho riêng mình. Nếu công tác tiếp dân chưa được coi trọng thì vụ việc có khi nhỏ sẽ thành lớn, đơn giản sẽ trở thành phức tạp và đòi hỏi mất nhiều công sức giải quyết. 

Loại cán bộ này tìm đủ mọi lý lẽ, đủ cách để hành dân, thiếu giấy tờ này, thiếu thủ tục kia mà chính người cán bộ có khi cũng biết người dân không thể nào kiếm được những giấy tờ, thủ tục mà mình đòi hỏi. Việc tiêu cực, yếu kém trong công tác tiếp dân khiến nhiều người dân sợ hãi khi phải đi làm thủ tục hành chính, đơn từ…mang tai tiếng cho các cơ quan có các dịch vụ hành chính hành chính công.

Có nơi cán bộ tiếp dân vì không đủ năng lực, trình độ, làm cho người dân ngao ngán... không cần đuổi mà tự bỏ về rồi  đưa đơn vào “cửa” khác càng làm phức tạp vụ việc.

Nhiều vụ khiếu kiện đông người, vượt cấp đã gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, người dân mất niềm tin vào các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền. Hình ảnh các cơ quan công quyền địa phương trở thành sự sợ hãi trong mắt người dân khiếu kiện.

Nhiều vụ việc khiếu kiện khi được giải quyết thì đã để lại hậu quả rất lờn, thiệt hại không thể tính được bằng giá trị vật chất. Các vụ việc cuối cùng phát hiện được có khi là do sai phạm chủ quan của một số cán bộ viên chức đến mức phải xử lý hình sự. Đó là một thực tế mà hiện nay một số vụ khiếu kiện đang gặp phải.

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (TTCP) Nguyễn Hồng Điệp trực tiếp thăm hỏi công dân đến khiếu kiện

Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương (TTCP) Nguyễn Hồng Điệp trực tiếp thăm hỏi công dân đến khiếu kiện 

Tháng 8/2019, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 11-QÐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. 

Theo qui định mới này,người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo,chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị,khiếu nại,tố cáo của dân theo quy định của Ðảng và pháp luật của Nhà nước. Qui định này ra đời mang tính cấp thiết nhưng cũng lâu dài nhằm chấn chỉnh, tăng thêm nhận thức, cụ thể hóa những việc phải làm trong công tác tiếp dân tại các cơ quan, đơn vị trong đó đề cao trách nhiệm người đứng đầu.

Về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, Quy định nêu rõ: Trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại khi cần; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh của dân; ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân; phối hợp với các cơ quan, tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn cho việc tiếp dân...

Trong công tác tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân, phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân; dân chủ, công tâm, khách quan, kịp thời, đúng phạm vi thẩm quyền; trình tự thủ tục đơn giản, tạo thuận lợi cho người dân; bảo mật thông tin,bảo đảm an toàn cho người phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định.

Các cơ quan có bộ phận tiếp dân phải có các buổi làm việc định kỳ hàng quí, sáu tháng, chín tháng, hàng năm với cấp dưới,cơ quan cùng cấp cũng như có báo cáo thường kỳ, đột xuất lên cấp trên về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo.

Thời gian tiếp dân, trình tự tiếp nhận thời hạn xử lý giải quyết cũng như việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong những trường hợp thiếu trách nhiệm,vi phạm quy định về việc tiếp dân cũng được cụ thể trong qui định 11-QÐi/TW.

Cần thấy rõ khiếu nại, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, là phương tiện để công dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, là một trong những phương thức công dân giám sát hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Hoạt động tiếp công dân đặt ra yêu cầu mang tính bắt buộc đối với các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức trong quan hệ với dân là phải luôn luôn tôn trọng nhân dân, tận tụy và lắng nghe các ý kiến đóng góp của nhân dân.

Thông qua tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Nhà nước nắm bắt tâm tư,nguyện vọng của dân, phát hiện những bất cập của chính sách, pháp luật, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, hoàn thiện chính sách, pháp luật, chấn chỉnh những tồn tại trong quản lý Nhà nước, xử lý vi phạm của cán bộ, công chức.

Qui định 11-QÐi/TW ra đời đáp ứng với yêu cầu khách quan trong tình hình thực tế hiện nay. Thực hiện tốt qui định sẽ làm cho hoạt động tiếp công dân ngày càng có hiệu quả hơn.

Làm tốt công tác tiếp dân sẽ hạn chế việc khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện đông người vượt cấp cũng như những phức tạp trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. Do vậy, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị các cấp không thể xem nhẹ hoạt động tiếp công dân đặc biệt là vai trò trách nhiệm người đứng đầu.

Vì sao khiếu nại, tố cáo của công dân chậm được giải quyết? - (VOH) - Trong năm 2017 và 9 tháng năm 2018, Ban đã tiếp hơn 3.000 lượt công dân riêng lẻ, 273 lượt đoàn người.

 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về công tác tiếp dân và xử lý khiếu nại tố cáo - Sáng nay (28/09), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và góp ý cho Báo cáo của Ban Dân nguyện về công tác tiếp dân và xử lý khiếu nại tố cáo của công dân năm 2011. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã xem xét Báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8 và thứ 9 của Quốc hội khóa XII.

 

Bình luận