Tiêu điểm: Nhân Humanity

Nhiều chuyển biến tích cực trong đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp

(VOH) - Chiều 26/8, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp.

Hội nghị sơ kết đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Phong trào thi đua được tổ chức thành 03 đợt: Đợt 1 từ ngày 07/3/2020 đến ngày 30/4/2020. Đợt 2 từ ngày 01/5/2020 đến ngày 30/7/2020. Đợt 3 từ ngày 01/8/2020 đến ngày 23/9/2020.

Phong trào thi đua 200 ngày tập trung vào 3 nội dung gồm: Thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”; Thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; triển khai các hoạt động của chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị.

Quang cảnh hội nghị.

Về kết quả thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, đã có hơn 75% phường, xã, thị trấn được công nhận đạt tiêu chí “Sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”; và 100% phường, xã, thị trấn đã tổ chức đối thoại với nhân dân về vấn đề vệ sinh môi trường tại địa bàn quản lý. Từ gần 800 điểm đen về rác đến nay toàn TPHCM còn 39 điểm đen về rác.

Về kết quả thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố, đến nay TP đã thành lập 1.769 Tổ giám sát của cộng đồng tại khu phố, ấp với 12.506 thành viên, qua đó phát huy dân chủ cơ sở thông qua vai trò giám sát của Nhân dân phát hiện, phản ảnh các hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn dân cư.

Cụ thể: số trường hợp vi phạm xây dựng không phép, sai phép là 480 trường hợp, trong đó xây dựng không phép là 244 (đã lập biên bản xử phạt và buộc tháo dỡ các công trình xây dựng không phép) so với 06 tháng đầu năm 2019 (có 1712 trường hợp vi phạm xây dựng không phép, sai phép) giảm 71,96% cao hơn chỉ tiêu đề ra là giảm 65% số trường hợp vi phạm xây dựng không phép, sai phép so với 06 tháng đầu năm 2019, các quận, huyện có tỷ lệ giảm cao là Quận 2, 9, 12, Thủ Đức, Hóc môn.

Về kết quả đăng ký thực hiện các hoạt động của chủ đề năm 2020 “Năm đẩy mạnh các hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, TP thực hiện một số hoạt động nổi bật: tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao kỷ niệm 44 năm Ngày Thành phố Sài Gòn – Gia Định chính thức, vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, tuyên dương 94 gia đình đạt danh hiệu Gia đình Văn hóa - Hạnh phúc năm 2020. Triển khai hội thi trực tuyến “Tiếp bước truyền thống, xây dựng tương lai”; tổ chức vận động chủ Doanh nghiệp xây dựng đơn vị “xanh - sạch - đẹp”, thực hiện 4 tiêu chuẩn “Doanh nghiệp văn hóa”, xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn hóa riêng của Doanh nghiệp; tổ chức chuỗi hoạt động “Hành trình văn hóa” trên trang cộng đồng của Thành Đoàn; tổ chức Cuộc thi Ảnh đẹp Áo dài online, chủ đề “Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam” trên trang facebook Hội LHPN Thành phố...

Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM Phan Kiều Thanh Hương cho biết: trong 3 nội dung trên, nổi bật là việc thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”:

"Đến ngày 30/7/2020 đã có 1.338/1.990 khu phố, ấp được công nhận “Khu phố - ấp sạch, không xả rác ra đường và kênh rạch”, vượt mức hoàn thành chỉ tiêu đã đăng ký. Với tinh thần đó, hệ thống mặt trận các cấp tập trung vào thực hiện TP sạch, xanh, thân thiện môi trường. Đồng thời thành lập 2 đoàn đi khảo sát trên địa bàn các quận, huyện, qua đó đánh giá các mô hình, giải pháp hay thực hiện tiêu chí thành phố sạch, xanh, thân thiện".

Bà Trần Trọng Kim – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Phú Nhuận.

Chia sẻ tại hội nghị, bà Trần Trọng Kim – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Phú Nhuận cho biết,  vị có nhiều giải pháp và cách làm và khá hiệu quả sau khi ký kết với Ủy ban Nhân dân quận và Thành đoàn gồm 11 nội dung, chương trình phối hợp bằng cách lập group Zalo "Quận Phú Nhuận sạch và xanh" kết nối với các đồng chí thường trực ban vận động, mặt trận 15 phường, các tổ chức thành viên do Phó Chủ tịch UBND quận làm trưởng nhóm. Bà Trần Trọng Kim nói thêm: "Một số hình ảnh chưa đẹp về môi trường được phản ánh trên nhóm, đến nay có khoảng 120 hình ảnh chưa đẹp từ đó có trường hợp được giải quyết nhanh, dứt điểm trong vòng từ 5 đến 10 phút, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp tại địa bàn khu dân cư. Về tồn tại, hạn chế là việc phân loại rác tại nguồn theo 2 loại là rác tái chế và rác thải còn lại cũng khó cho phường để thực hiện nội dung này. Cái khó thứ 2 là thực hiện đơn giá cho vận chuyển rác tính theo ký đối với các hộ dân mà ít rác thì cũng rất khó".

Đại diện Thành đoàn TPHCM, đơn vị ký kết thi đua với quận Phú Nhuận, Phó Bí thư Thành Đoàn – Ngô Minh Hải đánh giá: "Từ lúc ký kết đến thời điểm hiện nay các nội dung ký kết cơ bản đã hoàn thành các công trình, phần việc. Trong đợt 3 này, Thành Đoàn, UBND và Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Phú Nhuận tiếp tục phát huy những công trình đã làm được. Các nhóm thông tin về tình hình vệ sinh môi trường cũng như thông tin người dân phản ánh để có thể xử lý nhanh và tham gia với địa phương những công trình, hoạt động tiếp theo đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhiều hơn".

Bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tại hội nghị, bà Tô Thị Bích Châu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM đánh giá thi đua đợt 2 với 3 nội dung mà MTTQ Thành phố và các tổ chức chính trị xã hội cùng đăng ký với thành phố có sự tiến bộ rõ rệt. Rõ ràng nơi nào có sự quan tâm của các cấp ủy thì chất lượng chuyển biến rất rõ. Đồng thời MTTQ cũng thường xuyên có những buổi giám sát đột xuất từ đó có cái nhìn tổng thể nếu nơi nào có sự theo dõi, bám sát, quyết tâm thực hiện thì làm tốt công tác này:

"Rất nhiều khó khăn để thay đổi một nhận thức, một thói quen không phải dễ dàng. Phải hướng dẫn, nêu gương, nhắc nhở, thậm chí phải xử phạt thì từ đó tính chấp hành sẽ cao hơn và hành vi sẽ thay đổi hẳn. Vì vậy muốn đạt thì cấp ủy, chính quyền phải quan tâm. Ví dụ nơi nào có lắp đặt camera, nơi nào có sự quan tâm của quần chúng tại cơ sở thì điểm đó mới được chuyển hóa".

Bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh, trong đợt 3, vừa tiếp tục thi đua, vừa phòng chống dịch COVID-19, đề nghị các quận huyện cùng hệ thống chính trị duy trì các điểm sáng sau khi xóa bỏ các điểm đen về rác, không để xuất hiện điểm đen mới. Từng khu phố, ấp thông qua hệ thống zalo để giới thiệu, tuyên truyền về thực hiện chỉ thị số 19 và chỉ thị số 23 của Ban Thường vụ Thành ủy đến từng thành viên trên địa bàn mình phụ trách.

Bài, ảnh: Phương Dung

Bình luận