Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – ý chí quyết chiến, quyết thắng của dân tộc Việt Nam

(VOH) - Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử” diễn ra tại TPHCM vào sáng 29/12.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là thắng lợi của đường lối đúng đắn và sáng tạo của Đảng; lòng quả cảm, trí thông minh, anh dũng của quân và dân ta trên cả hai miền Nam – Bắc; sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; sự kế thừa và phát huy lên tầm cao mới truyền thống đánh giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đây là nội dung xuyên suốt được các đại biểu thống nhất tại Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử”, vừa được Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy TPHCM tổ chức vào sáng 29/12.

Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Đại tướng Ngô Xuân Lịch; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội.

Bằng tư duy khách quan, khoa học và cách tiếp cận mới, hội thảo tập trung làm rõ những nội dung chủ yếu như: phân tích tình hình trong nước và quốc tế, âm mưu của địch và chính quyền Sài Gòn trong chiến lược “chiến tranh cục bộ”; khẳng định chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; tái hiện diễn biến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên khắp chiến trường miền Nam; sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước XHCN và nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với cách mạng Việt Nam; đúc kết bài học lịch sử có giá trị lý luận, thực tiễn từ sự kiện này để vận dụng, phát huy vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay…

GS, TS Nguyễn Thiện Nhân trình bày tham luận. Ảnh: QĐND

Tham dự hội thảo, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành ủy TPHCM trình bày tham luận “Sự chuẩn bị và tham gia của Đảng bộ, lực lượng vũ trang và nhân dân Sài Gòn – Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”, qua đó tái hiện 2 đợt chiến đấu ác liệt của cuộc tổng công kích – tổng khởi nghĩa năm 1968 tại Sài Gòn - trung tâm đầu não chỉ huy toàn bộ bộ máy điều hành chiến tranh của Mỹ - Ngụy tại miền Nam Việt Nam.

Tham luận khẳng định, sự nổi dậy của các tầng lớp nhân dân, các giới đồng bào tại Sài Gòn – Gia Định với nhiều hình thức phong phú thực sự là kết quả một quá trình chuẩn bị lâu dài, dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng lực lượng cơ sở chính trị song song với lực lượng vũ trang theo phương châm đánh địch trên cả 3 vùng, rừng núi, nông thôn, đô thị.

"Cuộc tổng công kích – tổng khởi nghĩa khu vực Sài Gòn – Gia Định Mậu Thân 1968 tuy không đạt được đẩy đủ mục tiêu đề ra, song đã tiêu hao một lực lượng lớn của Mỹ - ngụy, góp phần làm thất bại “chiến tranh cục bộ” của Mỹ - ngụy; khẳng định sự cần thiết và hiệu quả của lực lượng biệt động Sài Gòn, một phương thức đấu tranh quân sự sáng tạo, đặc thù đô thị, nơi đầu não của chế độ cũ, có hiệu suất chiến đấu cao; tận dụng được thế trận lòng dân, chiến tranh nhân dân, vô hiệu hóa phần lớn sức mạnh quân sự của các khí tài lớn, hiện đại của địch trong chiến đấu ở đô thị; khẳng định lòng yêu nước của nhân dân miền Nam và Sài Gòn – Gia Định, sẵn sàng ủng hộ, hy sinh vì độc lập của dân tộc, tự do, thống nhất đất nước và hòa bình", tham luận của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân.

Trong tham luận “Tổng Tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 – Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh”, Đại tướng Lê Đức Anh – nguyên Chủ tịch nước khẳng định, cho đến nay, nhiều nhà nghiên cứu quân sự, kể cả bộ máy chiến tranh của Mỹ vẫn cố tìm hiểu bằng cách gì mà ta triển khai được lực lượng trên diện rộng toàn miền Nam, bằng cách gì mà ta đồng loạt nổ súng tiến công ở tất cả các đô thị, tỉnh lỵ mà vẫn giữ được tuyệt đối bí mật? Điều này đã nói lên sự lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh tài tình, sáng tạo của Trung ương Đảng và ý thức trách nhiệm rất cao, sự thống nhất cả trong ý chí và hành động, lòng trung thành và phẩm chất mẫu mực của toàn thể cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị lực lượng vũ trang.

Thay mặt Đại tướng Lê Đức Anh trình bày tham luận tại hội thảo, ông Lê Mạnh Hà – nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhấn mạnh: "Với tầm nhìn xa trông rộng, từ lâu, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã nhận thấy rằng ta không đủ sức để đánh bại cùng một lúc cả đế quốc Mỹ và ngụy để giành thắng lợi hoàn toàn, nên đã chủ trương chia làm 2 nhịp: “đánh cho Mỹ cút” rồi mới “đánh cho Ngụy nhào”. Về lực lượng biệt động, đây là một sáng tạo về hình thức tổ chức lực lượng vũ trang của Đảng ta – gọn nhẹ, bí mật, linh hoạt, nằm trong dân, hòa vào dân, thường xuyên hoạt động trong lòng địch. Đây là kết quả của quá trình chuẩn bị, xây dựng thế trận, xây dựng lực lượng trong nhiều năm trước đó, trong đó có kết quả xây dựng cơ sở chính trị và cơ sở vũ trang ở các đô thị theo phương châm của Đảng: đánh địch trên ba vùng chiến lược."

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: QĐND

Dù Đà Nẵng là vùng nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, song quân và dân ta đã bất chấp hy sinh gian khổ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, hỗ trợ đắc lực cho kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Đó là nội dung chính của tham luận “Quân và dân Đà Nẵng trong cuộc Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968” được ông Nguyễn Văn Nghĩa – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng trình bày tại hội thảo: "Trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân 1968, ở Quảng Đà, quân và dân ta đã loại khỏi vòng chiến đấu nhiều tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy tại thành phố Đà Nẵng nói riêng, Quảng Đà nói chung đã huy động được một lực lượng lớn và phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tiến công tiêu diệt giặc của quân và dân ta. Dù chưa đạt so với yêu cầu, song quân và dân Đà Nẵng đã góp phần cùng toàn miền Nam và cả nước giáng một đòn nặng nề vào chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ."

Trên cơ sở nhìn nhận, đánh giá thành quả cũng như hạn chế, khuyết điểm trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, các tham luận đã đưa ra những kinh nghiệm, bài học về lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược của Đảng, về nghệ thuật tổ chức, khơi dậy và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, nghệ thuật chớp thời cơ và tận dụng thời cơ, về các phương thức tác chiến chiến lược, công tác bảo đảm, xây dựng tiềm lực, thế trận. Đó sẽ là cơ sở quan trọng để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận lòng dân trong điều kiện mới.

Thượng tướng Lê Chiêm – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nêu rõ: "Các tham luận gửi về hội thảo là tài liệu nghiên cứu, tuyên truyền, học tập, giáo dục về lịch sử có giá trị. Vì vậy đề nghị các cơ quan, đơn vị, học viện, nhà trường trong quân đội cần tích cực phát huy kết quả nghiên cứu vào thực tiễn huấn luyện học tập và xây dựng của cơ quan, đơn vị mình; giáo dục lịch sử cho cán bộ chiến sĩ, đồng bào trong cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ hiểu rõ tầm vóc, giá trị, ý nghĩa lịch sử của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy; khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, tiến công vào thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN."

50 năm đã trôi qua, với những nguồn tư liệu mới được công bố cùng quan điểm khách quan, khoa học, gợi mở những vấn đề cần tìm hiểu, nghiên cứu về sự kiện Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chúng ta đã có thêm những nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, sâu sắc, toàn diện hơn về tầm vóc, ý nghĩa của thắng lợi lịch sử này; đồng thời, đúc kết những bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy để vận dụng, phát huy trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Bình luận