Tiêu điểm: Nhân Humanity

Việt Nam và Nga trao đổi kinh nghiệm chống tham nhũng, xây dựng CP điện tử, bảo đảm an ninh mạng

Chiều 18/02, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp xã giao Phó Chủ tịch Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga Alexander Anikin.

Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chào mừng ông Alexander Anikin và Đoàn đại biểu cấp cao Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga sang thăm, làm việc tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, đánh giá cao quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp, đang phát triển mạnh mẽ cả về bề rộng lẫn chiều sâu với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Quan hệ chính trị với độ tin cậy cao giữa hai bên ngày càng được tăng cường thông qua cơ chế trao đổi đoàn và tiếp xúc song phương thường xuyên ở các cấp, đặc biệt là cấp cao và cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược.

Hai nước đang triển khai hợp tác trên tất cả các kênh, trong mọi lĩnh vực từ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước đến hợp tác giữa các bộ, ngành, địa phương, ngoại giao nhân dân. Đặc biệt, tình cảm nồng ấm mà nhân dân hai nước dành cho nhau ngày càng bền chặt.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp ông Alexander Anikin.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tiếp ông Alexander Anikin. Ảnh: TTXVN

Nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng công tác phòng chống tham nhũng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng - một trong những ưu tiên hàng đầu để xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu quả, đề cao trách nhiệm giải trình, tính công khai, minh bạch, Phó Thủ tướng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa Thanh tra Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga trong thời gian qua.

Hai cơ quan đã có nhiều hoạt động hợp tác thiết thực, hiệu quả, thông qua việc trao đổi các đoàn công tác để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, thực tiễn tốt trong phòng chống tham nhũng.

Khẳng định Chính phủ Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hai cơ quan tiếp tục tăng cường hợp tác về phòng chống tham nhũng, trao đổi kinh nghiệm hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa hai nước và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ mong muốn hai cơ quan sớm ký kết nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga Alexander Anikin cảm ơn Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dành thời gian tiếp đoàn, khẳng định Nga luôn quan tâm và quyết liệt thực hiện các vấn đề liên quan đến phòng chống tham nhũng.

Ông Alexander Anikin bày tỏ vui mừng được biết Việt Nam đã vận dụng một số kinh nghiệm của Liên bang Nga trong quá trình triển khai công tác phòng chống tham nhũng của mình; tin tưởng quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước sẽ tạo tiền đề để hai cơ quan tăng cường hợp tác về phòng chống tham nhũng; tiến hành các chuyến thăm, làm việc, chia sẻ kinh nghiệm mang tính thiết thực, tạo cơ chế đối thoại để cùng nhau thực hiện những nhiệm vụ chung.

** Chiều cùng ngày, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã tiếp, làm việc với đoàn cán bộ chuyên gia và doanh nghiệp lớn của Liên bang Nga trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng do ông Mamonov, Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng dẫn đầu, sang thăm làm việc tại Việt Nam từ ngày 18 đến 20-02.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Liên bang Nga Medvedev (tháng 11-2018), tại cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với phía Nga, trọng tâm là lĩnh vực hạ tầng giao thông, cách mạng công nghiệp 4.0 và đề nghị phía Nga hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng.

Tháng 12-2018, Đoàn công tác của Việt Nam do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn đầu đã đến Liên bang Nga để nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng và nhận được cam kết hỗ trợ, hợp tác từ phía Chính phủ Nga.

Trong chuyến khảo sát này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga đã ký Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực xây dựng Chính phủ điện tử.

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Nga là nước có những chiến lược, chương trình xây dựng Chính phủ điện tử và đạt được nền tảng, hệ thống thông tin quan trọng phục vụ Chính phủ điện tử như Cổng điện tử thống nhất các dịch vụ và chức năng của Chính phủ (EPGU), hệ thống thống nhất định danh và xác thực (ESIA), hệ thống phối hợp hành động điện tử liên bộ ngành (SMEV), hệ thống nền tảng quốc gia cho xử lý dữ liệu phân tán (NPROD)…

Sự thành công của Nga được cộng đồng quốc tế ghi nhận, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Nga năm 2018 xếp thứ 32/193 quốc gia, vùng lãnh thổ, thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển rất cao và xếp thứ 10 thế giới về an ninh mạng năm 2017.

Tại Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các cấp, các ngành đang rất quan tâm chỉ đạo thúc đẩy xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, gắn kết với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và giao Văn phòng Chính phủ chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành, địa phương xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Việt Nam sẽ tập trung vào 4 trụ cột là con người, thể chế/quy trình, công nghệ và nguồn lực. Đặc biệt, trong giai đoạn 2019 - 2020, Việt Nam sẽ triển khai một số đề án tập trung vào thiết lập nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu, xây dựng và đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia để đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, đồng thời tiếp tục thúc đẩy việc nâng cao chất lượng phục vụ thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công và dần thiết lập các đô thị thông minh.

Bảo đảm an toàn, an ninh mạng là vấn đề khó nhất. Ở Việt Nam, bộ, ngành, địa phương nào cũng có trung tâm dữ liệu, các dữ liệu nằm phân tán, không phải dữ liệu tinh, chưa được chuẩn hóa, số liệu không được cập nhật. Để khắc phục tình trạng là một trong số các nước có nguy cơ cao về mất an toàn, an ninh thông tin và các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước dễ trở thành mục tiêu tấn công của những kẻ xấu, Chính phủ Việt Nam rất quan tâm đến việc nâng cao khả năng phòng, chống tấn công mạng, lộ lọt thông tin, cũng như phát huy tối đa năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Một thực tế được Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu ra là Việt Nam hiện chưa có cơ sở dư liệu quốc gia về dân cư, chưa có mã định danh công dân; 63 tỉnh, thành phố hiện đều thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến nhưng mới chỉ khoanh ở phạm vi “biên giới của tỉnh;” các ngành như hải quan, bảo hiểm xã hội, thuế, kế hoạch - đầu tư đều có cơ sở dữ liệu riêng nhưng chỉ kết nối được theo ngành dọc mà chưa kết nối ngang, các ngành khác không truy cập được vì thiếu đồng bộ.

Do vậy, Việt Nam mong muốn Nga chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn thông tin mạng cho hệ thống Chính phủ điện tử và hỗ trợ, tư vấn Văn phòng Chính phủ thiết kế Cổng Dịch vụ công quốc gia, giải pháp định danh, xác thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và các hệ thống tương tác với người dân, doanh nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm triển khai đô thị thông minh, mô hình Trung tâm hành chính công Moskva và khả năng áp dụng tại Việt Nam…

Thứ trưởng Bộ Phát triển số, thông tin liên lạc và truyền thông đại chúng Liên bang Nga Mamonov cho biết, phần mềm các dịch vụ công của Chính phủ Nga được các nước đánh giá cao. Nga cũng có những công nghệ về xây dựng thành phố thông minh. Qua theo dõi sự phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Đoàn đánh giá cao mục tiêu Việt Nam đặt ra là trở thành quốc gia có chỉ số phát triển Chính phủ điện tử ở mức cao. Phía Nga cũng mong muốn hợp tác với Việt Nam trong đào tạo cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) thông tin, theo đánh giá của Liên hợp quốc, chỉ số phát triển Chính phủ điện tử năm 2018 của Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong đó, chỉ số dịch vụ công xếp 59/193, chỉ số hạ tầng viễn thông 100/193, chỉ số nguồn nhân lực 120/193. Hiện Việt Nam đang gặp 4 khó khăn và thách thức trong xây dựng Chính phủ điện tử, đó là về con người, thể chế, công nghệ và nguồn lực.

Mục tiêu của Việt Nam trong giai đoạn 2019 - 2025 là hoàn thiện nền tảng Chính phủ điện tử nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; phát triển Chính phủ điện tử dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng; nâng xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc tăng từ 10-15 bậc vào năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng Chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Để đạt được những mục tiêu này, Việt Nam cần xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển Chính phủ điện tử.

Tại buổi làm việc, Đoàn công tác của Liên bang Nga đã giới thiệu về các thế mạnh hệ thống nền tảng quốc gia trong xử lý dữ liệu phân tán, hệ thống bảo đảm an toàn thông tin, trung tâm dịch vụ công quốc gia. Đoàn sẽ chia 3 nhóm làm việc với các đối tác Việt Nam để trao đổi sâu về các vấn đề hai bên cùng quan tâm.

** Cùng ngày, Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Lê Minh Khái đã chủ trì buổi tiếp và hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga, do ông Alexander Anikin, Phó Chủ tịch Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga, làm Trưởng đoàn đang thăm làm việc tại Việt Nam.

Cùng dự có Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstantin Vnukov; Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam Nguyễn Văn Thanh và đại diện lãnh đạo một số cục, vụ, đơn vị trực thuộc Thanh tra Chính phủ Việt Nam.

Tại buổi tiếp, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đang phát triển mạnh mẽ cả bề rộng lẫn chiều sâu, với nhiều thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực; tình cảm mà nhân dân hai nước dành cho nhau ngày càng bền chặt.

Đặc biệt, năm 2019, hai nước sẽ kỷ niệm 25 năm ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga (1994 - 2019), tiến tới kỷ niệm 70 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1950 - 2020).

Về quan hệ hợp tác giữa Thanh tra Chính phủ và Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga, qua hơn 4 năm từ khi hai cơ quan ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng vào năm 2014, hai bên đã cùng chia sẻ nhiều thông tin, kinh nghiệm thực tiễn tốt nhằm giải quyết những thách thức trong công tác phòng, chống tham nhũng, đảm bảo xây dựng nhà nước pháp quyền trong sạch, minh bạch; ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Hai bên đều có chung nhận thức về sự cần thiết phải thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác thiết thực trong thời gian tới, hướng tới hợp tác về đào tạo cán bộ và hợp tác giữa các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng ở các địa phương hai nước.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, việc hai bên thống nhất khởi động thảo luận để sửa đổi, nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác về phòng, chống tham nhũng là một bước tiến quan trọng, đưa quan hệ hợp tác giữa hai cơ quan lên một tầm cao mới, góp phần khẳng định quyết tâm không ngừng học hỏi lẫn nhau để nỗ lực đẩy lùi, từng bước giảm thiểu tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ mong muốn hai bên sẽ sớm thu xếp để ký nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác.

Đồng quan điểm với Tổng Thanh tra Chính phủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Cơ quan Chống tham nhũng trực thuộc Tổng thống Liên bang Nga Alexander Anikin tin tưởng rằng những hoạt động hợp tác đó sẽ góp phần tích cực củng cố quan hệ giữa hai cơ quan, làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Ông Alexander Anikin mong rằng trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và thực tiễn tốt về phòng, chống tham nhũng.

Tạị buổi hội đàm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh đã trình bày khái quát những kết quả, kinh nghiệm chỉ đạo điều hành công tác thanh tra và phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ Việt Nam thời gian qua, cũng như phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đại diện Vụ Pháp chế Thanh tra Chính phủ trình bày một số nội dung liên quan việc quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 của Việt Nam về xung đột lợi ích, quy tắc ứng xử và trách nhiệm của người đứng đầu trong phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam.

Hai bên đã cùng nhau trao đổi một số nội dung mà hai bên cùng quan tâm, nhất là những nội dung liên quan tới việc bổ sung, nâng cấp Bản ghi nhớ hợp tác trong công tác phòng, chống tham nhũng.

Bình luận