Bình Phước thông qua nghị quyết đầu tư đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành

BÌNH PHƯỚC - Ngày 14/4, tại kỳ họp thứ 22 khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, HĐND tỉnh Bình Phước thông qua nghị quyết quan trọng liên quan dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành.

HĐND tỉnh Bình Phước đồng thuận, nhất trí thông qua nghị quyết cho ý kiến về tác động của việc thực hiện dự án thành phần 1 đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo phương thức PPP.

Theo tờ trình của UBND tỉnh Bình Phước, dự án thành phần 1 cao tốc Bắc - Nam phía tây, đoạn Gia Nghĩa - Chơn Thành là dự án quan trọng quốc gia, có tổng chiều dài khoảng 124km (đoạn qua Đắk Nông dài khoảng 23km, và qua Bình Phước dài khoảng 101km).

Giai đoạn phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe cao tốc, và giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe. Tốc độ theo thiết kế từ 100-120km/h.

1-6607-3977
Các đại biểu tham dự kỳ họp 

Diện tích sử dụng đất khoảng 1.290ha (bao gồm cả bãi đổ thải và đất tái định cư). Tổng mức đầu tư đề nghị thẩm định, phê duyệt khoảng 20.434 tỉ đồng. Trong đó vốn nhà nước khoảng 6.842 tỉ đồng, và vốn nhà đầu tư khoảng 13.592 tỉ đồng.

Mục tiêu đầu tư dự án nhằm xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đắk Nông và các địa phương khác trong vùng với TPHCM.

Qua đó tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác các tiềm năng sẵn có; từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và quốc gia.

Theo tờ trình, thời gian chuẩn bị và bắt đầu thi công dự án vào năm 2025, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác vận hành năm 2027. Thời gian hoàn vốn dự kiến là 33 năm 6 tháng.

Đánh giác tác động của dự án về mặt xã hội, an ninh - quốc phòng, UBND tỉnh Bình Phước cho rằng dự án cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành không chỉ mang ý nghĩa phát triển hạ tầng, mà còn góp phần ổn định an sinh xã hội và tăng cường năng lực quốc phòng - an ninh khu vực.

Về chính sách đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giúp huy động nguồn lực xã hội, giảm áp lực vốn nhà nước; tận dụng được thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm quản lý khối tư nhân; phân chia rủi ro hợp lý giữa nhà nước và nhà đầu tư…

Bình luận