Theo ông Thuận, Bộ Nội vụ đang tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 11 để hoàn thiện Tờ trình, Đề án về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Song song, Bộ cũng khẩn trương hoàn tất các dự thảo hướng dẫn để giải quyết các phát sinh trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính.
Trong quý II/2025, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát, nghiên cứu các nội dung liên quan tại Kết luận số 83-KL/TW để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ hướng dẫn cụ thể cho các địa phương việc quản lý văn thư, lưu trữ tài liệu trong quá trình sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, nhằm đảm bảo việc bàn giao hồ sơ diễn ra hiệu quả, đồng bộ, tránh thất thoát hoặc hư hỏng tài liệu.
Bộ Nội vụ khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp là nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đổi mới, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.
Theo đánh giá, đây là cuộc cải cách về đơn vị hành chính quy mô lớn nhất, toàn diện và triệt để nhất từ trước đến nay, tác động sâu rộng tới mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, đến tất cả các cấp, ngành, địa phương và trực tiếp liên quan tới từng người dân.
Đồng thời, việc tổ chức lại đơn vị hành chính còn nhằm đổi mới tư duy quản trị quốc gia, quản trị địa phương; hướng tới xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp hiện đại, tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp.
Bộ Nội vụ cho biết, sau khi sắp xếp, cơ cấu tổ chức bộ máy Chính phủ sẽ còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ, giảm 5 bộ, cơ quan ngang bộ và 3 cơ quan thuộc Chính phủ. Ở bên trong các bộ, ngành, sẽ giảm 13 tổng cục, 519 cục, 219 vụ, 3.303 chi cục và 203 đơn vị sự nghiệp công lập.
Về biên chế, số lượng tại các bộ, ngành sẽ giảm khoảng 22.323 người, tương đương 20% tổng số hiện tại, phù hợp với mục tiêu tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng hoạt động bộ máy Nhà nước.