Cân nhắc bỏ thi, xét nâng ngạch công chức

VOH - Bộ Nội vụ đề xuất một loạt đổi mới trong Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), trong đó nổi bật là việc cân nhắc thăng chức cho công chức trẻ, tài năng mà không cần qua quy hoạch.

Mục tiêu là để thu hút, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, đồng thời nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo các cấp trong bộ máy hành chính nhà nước.

Theo Bộ Nội vụ, hiện nay nhiều công chức trẻ có năng lực nổi bật nhưng lại bị rào cản bởi các tiêu chí cứng như chưa đủ thời gian công tác để đạt ngạch chuyên viên chính (tối thiểu 9 năm), hoặc chưa được quy hoạch do chưa là đảng viên. Trong khi đó, năng lực thực tế và hiệu quả công việc của họ lại rất cao, hoàn toàn có thể đảm nhận các vị trí lãnh đạo cấp vụ, sở, phòng.

Bộ Nội vụ đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cho thấy phần lớn các nước không bắt buộc quy hoạch như Việt Nam. Thay vào đó, các quyết định thăng tiến dựa trên hiệu suất làm việc, thành tích thực tế và sự phân cấp cho người đứng đầu cơ quan. Với các vị trí khuyết, bộ phận nhân sự thường lập danh sách đề cử theo thứ tự thành tích và trình lãnh đạo xem xét, quyết định.

Pham Thi Thanh Tra 2025
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà

Từ thực tế này, Bộ Nội vụ đề xuất cần đơn giản hóa quy trình bổ nhiệm, cho phép người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền lựa chọn và bổ nhiệm trực tiếp công chức có thành tích nổi bật, dù chưa nằm trong quy hoạch. Điều này không chỉ khuyến khích tinh thần cống hiến của người trẻ mà còn giúp bộ máy hành chính phát hiện và sử dụng đúng người, đúng việc.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đề xuất một bước cải cách lớn: xem xét bỏ hình thức thi nâng ngạch, thay bằng cơ chế xét nâng ngạch dựa trên thành tích và hiệu quả công việc tại ngạch cũ.

Hiện nay, kỳ thi nâng ngạch công chức ở Việt Nam đang gặp nhiều bất cập:

  • Môn thi kiến thức chung thiên về học thuộc, ít phản ánh đúng năng lực.

  • Nhiều công chức học chứng chỉ tiếng dân tộc để được miễn thi ngoại ngữ, trong khi công việc không liên quan đến ngôn ngữ này.

  • Tỷ lệ trượt thi rất thấp, tạo cảm giác hình thức.

  • Chi phí và thời gian ôn thi tốn kém, dễ phát sinh tiêu cực.

  • Mục tiêu chính của nhiều công chức dự thi là tăng lương, không phải nâng cao năng lực đáp ứng công việc ngạch mới.

  • Các thành tích đạt được khi còn ở ngạch cũ không được công nhận khi đã chuyển sang vị trí hoặc ngạch khác (như từ chuyên viên sang thanh tra viên, chấp hành viên…), gây bất công và phi lý.

Chính vì vậy, xét nâng ngạch được xem là giải pháp hiệu quả hơn, tạo điều kiện cho những người thực sự có năng lực được phát triển, đồng thời giảm áp lực thi cử hình thức, tăng tính minh bạch và công bằng trong công tác cán bộ.

Đề xuất của Bộ Nội vụ được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nút thắt trong phát triển nguồn nhân lực khu vực công, đặc biệt là đối với lực lượng công chức trẻ, có tư duy đổi mới và năng lực thực tiễn, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, linh hoạt và hiệu quả hơn.

Bình luận