Các nội dung được đánh giá là những bước đi quan trọng trong tiến trình đổi mới tổ chức bộ máy và quản lý đội ngũ cán bộ ở nước ta.
Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh: Dự thảo luật tổ chức chính quyền địa phương đã phân định rõ thẩm quyền của chính quyền hai cấp, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ; giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy. Mục tiêu là xây dựng nền hành chính thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả từ trung ương đến cơ sở; xây dựng chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Dự thảo tiếp tục đẩy mạnh phân quyền, phân cấp theo nguyên tắc "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm," phát huy tính chủ động và sáng tạo của chính quyền địa phương các cấp, khai thác tối đa tiềm năng và nguồn lực tại chỗ.

Thẩm tra nội dung dự thảo, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội bày tỏ sự đồng tình với việc sửa đổi toàn diện dự án luật, đồng thời đề nghị Chính phủ rà soát thêm một số vấn đề. Đáng chú ý là việc Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền phân cấp cho cơ quan chuyên môn hay tổ chức hành chính khác thuộc quyền quản lý, và có nên quy định Hội đồng nhân dân cấp xã lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do mình bầu hay không, khi hiện nay chủ trương chung là không lấy phiếu tín nhiệm tại cấp xã.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cũng lưu ý phải quy định rõ cơ chế chuyển tiếp khi tổ chức mô hình không còn cấp huyện, tránh làm gián đoạn hoạt động bộ máy chính quyền và ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, doanh nghiệp.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, dự án lần này nhằm tổ chức lại hệ thống công vụ, thống nhất từ trung ương đến xã phường, gắn với tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Nổi bật trong dự thảo là quy định chuyển đổi quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm, đánh giá hiệu quả thực thi nhiệm vụ thay vì tiêu chí hình thức. Thi nâng ngạch sẽ được bãi bỏ, thay bằng cơ chế bổ nhiệm vào ngạch tương ứng dựa trên năng lực và kết quả công việc.
Về tuyển dụng, người trúng tuyển sẽ được bổ nhiệm, xếp lương theo đúng vị trí việc làm mà không phải trải qua chế độ tập sự như trước đây. Điều này kỳ vọng sẽ tuyển chọn được nhân sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu công việc ngay từ đầu.
Dự thảo cũng đề cập chính sách thu hút người tài vào khu vực công, giao Chính phủ và các địa phương quy định khung chính sách cụ thể để phù hợp với đặc thù từng ngành, từng vùng.
Những sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.