Tiêu điểm: Nhân Humanity

Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải

(VOH) - Sáng 20/3, lễ viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Thống Nhất, TPHCM. 

Từ sáng sớm, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ở thành phố Hồ Chí Minh và mọi miền đất nước đã xếp hàng trước Hội trường Thống Nhất, chờ được vào viếng và bày tỏ lòng tiếc thương đối với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, người có nhiều đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. 

Linh cữu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Ảnh: Minh Hiệp

Đúng 8 giờ, lễ viếng bắt đầu trong không khí trang nghiêm, xúc động và tiếng nhạc trầm buồn của bài “Hồn tử sĩ”.

Sau đoàn gia đình họ tộc đồng chí Phan Văn Khải viếng tang, Đoàn lãnh đạo Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư làm trưởng đoàn, đã đặt vòng hoa kính viếng đồng chí Phan Văn Khải.

Sau phút tưởng niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các vị lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu, tiễn biệt đồng chí Phan Văn Khải và đến chia buồn với gia đình, thân nhân đồng chí Phan Văn Khải.

Với tình cảm kính trọng, tưởng nhớ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã trân trọng ghi vào sổ tang: “Vô cùng thương tiếc đồng chí Phan Văn Khải, anh Sáu Khải, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, đã cống hiến trọn đời mình, có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng của Dân tộc. Đồng chí mất đi là một tổn thất lớn đối với Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta, để lại niềm tiếc thương sâu sắc đối với tất cả chúng ta.”

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi sổ tang. Ảnh: Minh Hiệp

Tiếp đó, Đoàn đại biểu Chủ tịch nước do Chủ tịch nước Trần Đại Quang làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu Quốc hội do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân làm Trưởng đoàn; đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn vào viếng và chia buồn cùng gia đình đồng chí Phan Văn Khải.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang viết trong sổ tang, có đoạn: “Học tập và noi gương đồng chí, chúng tôi nguyện đem hết tâm sức, trí tuệ, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước giàu, dân chủ công bằng văn minh.”

Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi sổ tang. Ảnh: Minh Hiệp

Sau đó, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng hàng trăm đoàn đại biểu của các Ban của Đảng, các bộ ngành, địa phương, đơn vị, đoàn thể, các tổ chức tôn giáo ở Trung ương, địa phương, bạn bè, đồng chí, đồng bào, đoàn viên thanh niên lần lượt đặt vòng hoa kính viếng và chia buồn cùng gia quyến đồng chí Phan Văn Khải.

Là người gắn bó với đồng chí Phan Văn Khải, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã chia sẻ những tình cảm yêu thương và nhấn mạnh về những công lao đóng góp của đồng chí Phan Văn Khải:

"Đồng chí có những đóng góp trong suốt thời kỳ khó khăn nhất của đất nước, của TPHCM và cả thời kỳ đổi mới, đồng chí cũng có những đóng góp trong thời kỳ tháo gỡ khó khăn và thời kỳ đổi mới để đưa đất nước tiến lên. Chúng ta trân trọng và cảm ơn những đóng góp của đồng chí Phan Văn Khải. Chúng ta nguyện giữ vững những thành quả, kết quả đó để đưa đất nước, TP mình phát triển tiến lên những bước phát triển nhiều hơn, sánh vai cùng bạn bè thế giới năm châu".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang. Ảnh: Minh Hiệp

Là đoàn viên thanh niên huyện Củ Chi, quê hương của đồng chí Phan Văn Khải, đoàn viên Dương Văn Cường bày tỏ niềm tự hào và xúc động khi đến viếng tang đồng chí Phan Văn Khải: "Tôi vinh dự là người cán bộ đoàn sống và sinh ra trên mảnh đất Củ chi đất thép thành đồng, nơi mà bác Sáu Khải sinh ra, đã cống hiến cho đất nước ta nhiều sự mới mẻ và tầng lớp thanh niên chúng em nguyện cố gắng học tập và làm theo bác Sáu Khải để giữ cho quê hương đất thép thành đồng ngày càng phát triển".

Cũng sáng nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, đã tổ chức lế viếng nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải. Tham gia lễ viếng có Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Quốc Cường cùng cán bộ, cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, đại diện của các tổ chức, đoàn thể Nhật Bản.

Lễ viếng đồng chí Phan Văn Khải tiếp tục được cử hành tới chiều ngày 21/3/2018.

Cố Thủ tướng Phan Văn Khải: Vị Thủ tướng mẫu mực, gần dân

85 năm tuổi đời, gần 60 năm tuổi Đảng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước và nhân dân. Hơn 70 năm tham gia hoạt động cách mạng, sự ra đi của ông đã để lại những tình cảm và những dấu ấn không phai trong lòng của cán bộ Đảng viên và nhân dân cả nước. 

Nhắc lại những ấn tượng của mình đối với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Vương Liêm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Quận 1 cho rằng, không thể quên dấu ấn của Thủ tướng trong lĩnh vực kinh tế. Ông Liêm cũng như lớp người cùng thế hệ với cố Thủ tướng Phan Văn Khải rất khó quên những năm tháng cống hiến cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nguyên Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải chính là người kế tục đường lối đổi mới của các thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm và cũng là người thực hiện triệt để đường lối đổi mới sáng tạo, nhất là trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ.

Hơn hết, sau này, dù đã về hưu, nhưng sự gần gũi, giản dị, chân thành của ông đối với người dân vẫn trước sau như một. Ông Vương Liêm bày tỏ: "Chúng tôi thấy rằng, những người cao tuổi như tôi đối với Thủ tướng Phan Văn Khải có rất nhiều tình cảm. Bởi vì trong thời gian Thủ tướng còn đương chức cũng như khi đã về hưu thì rất gần gũi với người dân. Tất cả các lễ hội của người dân khi mời, Thủ tướng đều đến dự và luôn luôn có những buổi gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện và giúp đỡ. Tôi cũng như nhân dân ở Củ Chi nói riêng và TPHCM nói chung rất kính trọng một con người như thế. Trong thời kỳ làm việc, Thủ tướng đã đưa đất nước phát triển, tiến lên được một bước rất tốt trong khu vực cũng như trên thế giới".

Nhiều năm làm việc, gặp gỡ, tiếp xúc với cố Thủ tướng Phan Văn Khải, ông Lê Hồng Tư, nguyên Phó Chủ tịch LĐLD TP cũng cho rằng, ông là người hết sức quan tâm, chăm lo các chính sách cho anh em công nhân, lao động. "Tôi với anh Sáu Khải cũng đã từng làm việc nhiều năm, nhất là những năm 80 - lúc đó thì anh còn làm Chủ tịch UBND Thành phố, còn tôi lúc đó là Phó chủ tịch Công đoàn, cho nên là giữa Công đoàn với UBND TP thường có mối quan hệ, trao đổi công việc với nhau. Anh Sáu thì rất bình dân, giản dị, thường đi cơ sở để thăm các đơn vị sản xuất, thăm công nhân…Thậm chí, những công nhân quét rác, trong ngày Tết phải đi làm, anh cũng đến thăm anh em ngay trong những thời khắc giao thừa để động viên. Tôi cũng đã từng đến nhà anh Sáu vì cũng có quen biết với nhau vì là cùng ở quê Củ Chi. Tôi thấy rằng cuộc sống của anh cũng giản dị, cả sau này khi đã về hưu cũng sống rất là giản dị và bà con cũng rất quý mến".
    
Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó tư lệnh Đoàn 559, Bộ đội Trường Sơn - một người con trong dòng họ và gần gũi với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng tâm sự: "Trong hoạt động đời thường của Bác chúng tôi mới thấy rằng Bác vừa là một nhà chính trị nhưng cũng vừa là một người dân kiểu mẫu. Trong dòng họ, Bác là một người con rất hiếu thảo. Trong tình cảnh anh em thân thích rất chu đáo, có trách nhiệm, nhất là những công việc riêng tư. Tất cả mọi việc đều có sự bàn luận, lắng nghe và giải quyết rất chân tình, phối hợp rất chặt chẽ, bao giờ cũng giải quyết đến tận cùng chứ không có 'trước khác, sau khác'. Đó là một con người tận tâm với đất nước đã đành rồi nhưng còn tận tâm hết sức với anh em, bạn bè".

Có thể nói, trong ký ức của những người cao tuổi ở TPHCM, hình ảnh cố Thủ tướng Phan Văn Khải luôn là một người mẫu mực. Dù tuổi đã cao nhưng sự ra đi của ông vẫn ít nhiều đọng lại trong lòng người dân những niềm tiếc thương sâu lắng. Ông Phan Văn Vĩnh, Hội viên Hội người cao tuổi huyện Hóc Môn, xúc động: "Ngồi thấy trong lòng sao sao đó. Khi tôi nghe tin anh Sáu mất tui cảm thấy buồn liền. Tôi cầm cây gậy chống đi mà lẫm cẩm lắm, cảm thấy con người sao bỗng yếu ớt sao đó. Cảm giác khi nhắc tới ông tôi rất xúc động. Hồi mà anh Sáu Khải lúc còn nhỏ, lúc đó còn làm cán bộ Thanh niên của quận Hóc Môn ngày xưa về công tác ở đây, lúc đó dịp khai hội thiếu nhi mà ông nói rất lưu loát. Nghe ổng nói tui mới bắt đầu để ý. Ông rất thông minh, tuy còn nhỏ nhưng biết khai hội thiếu nhi, nói năng thì suông sẻ và lưu loát lắm".

Ai cũng ngậm ngùi tiếc thương một nhà lãnh đạo đã dành cả cuộc đời vì dân, vì nước và có đóng góp lớn lao cho nước nhà trong những giai đoạn rất khó khăn, và vô cùng bình dị, gần gũi với nhân dân. 

Hữu Nghị

Bình luận