Nửa thế kỷ – ký ức lịch sử và niềm tự hào

VOH - 50 năm thống nhất, những người lính xe tăng từng trực tiếp tham gia giải phóng Sài Gòn có dịp trở lại mảnh đất ghi dấu lịch sử đầy tự hào.

Trong không khí bồi hồi, các cựu binh xúc động khi bước chân về nơi từng in dấu chiến công của họ.

DSC04077_voh
Các cựu binh của Lữ đoàn xe tăng 203 đến thăm Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH)

Tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH), nơi từng là Đài Phát thanh Sài Gòn – địa điểm quan trọng trong ngày 30/4 năm ấy, các cựu chiến binh của Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 đã gặp nhau để chia sẻ những ký ức sâu đậm về một thời oai hùng lịch sử.

DSC03995_voh
Các cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 203 kể lại khoảnh khắc lịch sử 50 năm trước.

Đại úy Vũ Đăng Toàn, Trưởng xe tăng số hiệu 390 đã húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập – mở đầu buổi gặp gỡ bằng dòng hồi tưởng nghẹn ngào. Ông cho biết, sau nửa thế kỷ trở lại Sài Gòn, cảm xúc trong ông vẫn vẹn nguyên. Nhìn thành phố hôm nay phát triển mạnh mẽ, hiện đại và văn minh, ông cảm thấy tự hào và tin rằng sự hy sinh của đồng đội năm xưa là xứng đáng.

DSC04004_voh
Ông Vũ Đăng Toàn, Trưởng xe tăng số hiệu 390 – chiếc xe đã húc đổ cánh cổng chính Dinh Độc Lập

"Chúng tôi là những người lính trẻ miền Bắc, mang trong mình lý tưởng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Được trở lại chiến trường xưa, thấy thành phố đổi thay từng ngày, tôi tin rằng những người đã ngã xuống có thể yên lòng khi thành phố ngày một phồn vinh hơn", ông Toàn chia sẻ.

Ông nhấn mạnh sự đoàn kết và quyết tâm của nhân dân miền Bắc trong việc chi viện cho chiến trường miền Nam. “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” – khẩu hiệu ấy không chỉ là lời hô hào mà là sự thật trong từng gia đình, từng bà mẹ sẵn sàng tiễn con ra trận. Tinh thần ấy đã hun đúc nên một thế hệ chiến sĩ sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc.

"Tôi còn nhớ rất rõ khi xe tăng chúng tôi vượt qua cầu Sài Gòn. Lúc ấy bom đạn còn nổ, bộ binh thương vong, xe tăng bị cháy, nhưng chúng tôi biết thời khắc lịch sử đã đến. Không ai được phép chần chừ. Chúng tôi tiến lên và húc đổ cổng Dinh Độc Lập", ông Toàn kể lại.

Ký ức ấy còn hiện rõ qua hình ảnh của người dân hai bên đường, từ tầng trệt đến tầng cao, reo hò cổ vũ, ném mì tôm, kẹo, nước cho bộ đội. "Tình cảm của đồng bào Sài Gòn lúc ấy khiến chúng tôi không thể quên. Sự chào đón ấy là phần thưởng vô giá cho những tháng ngày hành quân đầy gian khổ", ông Toàn nói.

Câu chuyện tiếp tục với hình ảnh của các bạn trẻ, sinh viên tràn ra đường trong ngày 30/4 năm ấy, đón đoàn quân giải phóng bằng những cái ôm, cái bắt tay và những lời chúc mừng. Hòa bình đã thực sự trở về, và khát vọng thống nhất đã thành hiện thực.

DSC04019_voh
Ông Nguyễn Văn Tập, người lái xe tăng số hiệu 390

Cùng tâm trạng ấy, ông Nguyễn Văn Tập, một trong những chiến sĩ xe tăng năm xưa, xúc động kể lại hành trình chiến đấu gian khổ nhưng đầy vinh quang. Ông nhấn mạnh rằng, lý tưởng cao cả về một đất nước hòa bình, người dân ấm no là động lực thôi thúc họ vượt qua mọi hiểm nguy.

Ông tự hào khi nhắc đến đơn vị Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203 – đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là phần thưởng cho những nỗ lực, tinh thần quả cảm và đóng góp to lớn trong công cuộc giải phóng đất nước.

Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên, người trực tiếp tham gia trận đánh cuối cùng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, kể lại cảm xúc khi chứng kiến thành phố Sài Gòn hôm nay. Những khu ổ chuột ngày nào đã được thay thế bằng nhà cao tầng, đường xá khang trang. Ông tin rằng TPHCM sẽ tiếp tục vươn lên mạnh mẽ để xứng đáng với vị thế đầu tàu kinh tế của cả nước.

"Chúng tôi đã đi qua chiến tranh bằng ý chí sắt đá, với lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Hôm nay, thấy thành quả của hòa bình, chúng tôi càng thấm thía giá trị của sự hy sinh năm xưa", ông nói.

DSC04025_voh
Pháo thủ Ngô Sỹ Nguyên

Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình – người được giao nhiệm vụ chiếm giữ Đài phát thanh Sài Gòn và tổ chức cho Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện – xúc động khi đứng giữa những không gian lịch sử ngày ấy sau 50 năm. Ông nhắc lại những ký ức thời trai trẻ, khi mới 18 tuổi đã khoác áo lính, trực tiếp chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, rồi cùng đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Ông kể lại giây phút đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ra đài phát thanh để đọc lời tuyên bố đầu hàng. Đó là thời khắc ông không thể nào quên trong đời lính.

DSC04039_voh
Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình

Vào sáng 30/4/1975, trong khi Đại đội 6 và Đại đội 2, Tiểu đoàn 7 tiến thẳng vào Dinh Độc Lập trên xe tăng của Đại đoàn 4 Lữ đoàn 203, thì Đại đội 5 do ông Hoàng Trọng Tình chỉ huy được giao nhiệm vụ đánh chiếm Đài phát thanh Sài Gòn.

Tọa lạc trên trục đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đài phát thanh nằm đối diện với Cục an ninh quân đội của đối phương – một vị trí vừa quan trọng vừa hiểm yếu. Đến khoảng 10h30, sau cuộc đấu súng ngắn nhưng ác liệt, đơn vị của ông Tình làm chủ hoàn toàn khu vực này. Cục phó an ninh quân đội chế độ cũ đã tự sát ngay trong phòng làm việc.

Ông Hoàng Trọng Tình không giấu được xúc động khi kể lại khoảnh khắc ấy: “Đến thời điểm đó, vẫn còn một chiến sĩ của đơn vị tôi hy sinh. Đó là người lính cuối cùng ngã xuống trên đường phố Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh. Rất đáng tiếc cho chiến sĩ ấy, bởi chỉ ít phút sau, đất nước hòa trong niềm vui thống nhất”.

Sau khi kiểm soát Đài phát thanh Sài Gòn, ông Tình lệnh cho đơn vị đảm bảo an toàn tuyệt đối. Các chiến sĩ đã nhanh chóng hạ lá cờ của chính quyền cũ, thay bằng lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên nóc Đài.

Không lâu sau, Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ cùng một số sĩ quan tiến vào Đài phát thanh trên xe Jeep, đưa Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu đến đây để phát tuyên bố đầu hàng.

Đơn vị của ông Tình mất vài chục phút để kiểm tra và chuẩn bị thiết bị ghi âm, truyền thanh. Đúng 11h30 ngày 30/4, từ phòng thu âm, Tổng thống Dương Văn Minh lên tiếng:

“Tôi, Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn, kêu gọi Quân lực Việt Nam Cộng Hòa hạ vũ khí đầu hàng không điều kiện quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Tôi tuyên bố chính quyền Sài Gòn từ trung ương đến địa phương phải giải tán hoàn toàn, từ trung ương đến địa phương trao lại cho Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam".

Ngay sau đó, Thủ tướng Vũ Văn Mẫu phát biểu: "Trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, tôi, giáo sư Vũ Văn Mẫu, Thủ tướng, kêu gọi tất cả các tầng lớp đồng bào vui vẻ chào mừng ngày hòa bình của dân tộc, và trở lại sinh hoạt bình thường. Các nhân viên của các cơ quan hành chánh quay trở về vị trí cũ theo sự hướng dẫn của chính quyền Cách mạng".

Cuối cùng, Chính ủy Bùi Văn Tùng thay mặt lực lượng quân Giải phóng long trọng tuyên bố: "Chúng tôi đại diện lực lượng quân Giải phóng Miền Nam Việt Nam long trọng tuyên bố Thành phố Sài Gòn đã được giải phóng hoàn toàn, chấp nhận sự đầu hàng không điều kiện của Tướng Dương Văn Minh, Tổng thống chính quyền Sài Gòn".

DSC03969_voh
Các cựu chiến binh Lữ đoàn xe tăng 203 xem lại các kỷ vật lịch sử trong sự kiện Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện tại tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH)
z5771521509026_c1720524ae4a394d79544fd46da317ee_voh
Kỷ vật lịch sử trong sự kiện Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện được trưng bày tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM (VOH)

Trong dòng chảy lịch sử, hình ảnh chiếc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập đã trở thành biểu tượng. Lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh trên làn sóng phát thanh cũng là một khoảnh khắc lịch sử mà những người lính như Thiếu tướng Hoàng Trọng Tình đã góp phần khắc ghi bằng xương máu.

Các cựu binh cùng chung một niềm tin: lịch sử sẽ không lặp lại, nhưng bài học từ lịch sử sẽ luôn là kim chỉ nam cho thế hệ sau. Họ gửi gắm kỳ vọng rằng lớp trẻ hôm nay, khi sống trong hòa bình, cần nỗ lực học tập, rèn luyện để tiếp tục xây dựng và bảo vệ đất nước.

Buổi gặp mặt khép lại trong xúc động. Những người lính năm xưa, dù tóc đã bạc, giọng nói trầm hơn, nhưng ánh mắt vẫn rực sáng khi kể về một thời hào hùng. TPHCM hôm nay có thể tự hào khi được xây đắp từ máu, mồ hôi và lý tưởng cao đẹp của những người đã chiến đấu không ngơi nghỉ vì nền độc lập, tự do.

50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong tim của những người lính xe tăng năm xưa, ngày 30/4/1975 vẫn luôn là thời khắc vĩnh cửu, là cột mốc không bao giờ phai nhạt trong ký ức dân tộc.

Bình luận