Tạo việc làm cho người rời khu vực công sau tinh gọn bộ máy

VOH - Hàng trăm ngàn người đã và sẽ bị ảnh hưởng khi các cơ quan hành chính tiếp tục sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy.

Việc tạo việc làm, hỗ trợ đào tạo lại cho nhóm đối tượng này là yêu cầu cấp thiết nhằm bảo đảm an sinh xã hội, tránh lãng phí nguồn nhân lực và tạo động lực phát triển cho khu vực tư nhân.

Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7, trong phiên thảo luận về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ ra rằng dự thảo luật hiện vẫn chưa phản ánh đầy đủ tác động từ quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong đợt sắp xếp vừa qua ở cấp Trung ương, khoảng 100.000 người bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, khi mở rộng tinh gọn bộ máy ở cấp tỉnh, cấp xã và thực hiện bỏ cấp huyện như kế hoạch, số lượng người rời khỏi khu vực công có thể tăng gấp đôi hoặc hơn. Nhiều người trong số đó đang ở giai đoạn dày dạn kinh nghiệm, còn từ 5 đến 10 năm làm việc, không dễ dàng để hòa nhập ngay vào môi trường lao động mới.

bomay_voh
Bộ phận Một cửa của quận Đống Đa, Hà Nội - Ảnh nhandan.vn

Theo Kế hoạch cải cách hành chính năm 2025, Bộ Nội vụ đang triển khai các bước rà soát và sắp xếp lại tổ chức bộ máy hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, giảm đầu mối và tinh giản biên chế. Việc này sẽ tiếp tục dẫn đến tình trạng dôi dư cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần xây dựng mô hình việc làm linh hoạt và cơ chế hỗ trợ phù hợp cho nhóm người rời khỏi khu vực công sau khi tinh giản bộ máy. Trong đó, trọng tâm là các chính sách đào tạo lại nghề, tạo điều kiện để họ chuyển sang làm việc tại khu vực tư nhân hoặc các đơn vị dịch vụ công nhưng không sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả lương.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng đây là vấn đề cấp bách, chưa được đề cập đầy đủ trong dự thảo luật hiện tại. Việc hỗ trợ người bị ảnh hưởng không chỉ mang ý nghĩa an sinh xã hội mà còn giúp phát huy hiệu quả nguồn nhân lực đang có, tránh lãng phí chất xám, góp phần duy trì ổn định xã hội.

Trong thời gian tới, cùng với việc tham mưu sửa đổi Luật Việc làm, Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục rà soát, hợp nhất và hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách liên quan đến việc làm, bảo hiểm xã hội, lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài... Đồng thời, các bộ, ngành và địa phương cần hoàn chỉnh hệ thống thông tin về thị trường lao động – công cụ quan trọng để hoạch định chính sách và hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt nguồn nhân lực phù hợp.

Việc phát triển hệ thống dữ liệu lao động không chỉ giúp cơ quan quản lý nâng cao hiệu quả điều hành, mà còn hỗ trợ khu vực tư nhân chủ động tiếp cận nguồn lao động rút khỏi khu vực công, từ đó khai thác được kinh nghiệm và kỹ năng sẵn có.

Cử tri, nhất là những người nằm trong diện dôi dư, nghỉ hưu sớm đang rất quan tâm đến việc triển khai các nội dung cải cách chính sách tiền lương. Bộ Nội vụ được đề nghị tiếp tục tham mưu xây dựng báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (dự kiến khai mạc ngày 5/5) về kết quả thực hiện cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và các khoản hỗ trợ cho người có công, người hưởng trợ cấp xã hội.

Đây sẽ là cơ sở để hoàn thiện hình thái nguồn nhân lực mới, bổ sung cho khu vực kinh tế tư nhân – nơi được kỳ vọng đóng vai trò ngày càng lớn trong tăng trưởng và phát triển bền vững của đất nước.

Bình luận