Tiêu điểm: Nhân Humanity

Tin tổng hợp trưa 22/11: Học sinh tại Đà Nẵng, Hà Nội đi học trở lại

(VOH) - Hôm nay (22/11), học sinh khối lớp 12 tại Đà Nẵng đi học trở lại. Học sinh lớp 9 ở 17 huyện, thị xã tại Hà Nội cũng đã trở lại trường.

TIN TRONG NƯỚC

Đà Nẵng: Học sinh lớp 12 đi học trở lại

Hôm nay học sinh khối lớp 12 ở TP Đà Nẵng chính thức quay trở lại trường học sau gần 3 tháng học trực tuyến. Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo TP, học sinh khối lớp 11 và lớp 10 đi học trực tiếp từ ngày 29/11.

đi học trở lại
Sáng nay, Trường THPT Phan Châu Trinh (TP Đà Nẵng) có 51 học sinh nằm trong vùng dịch cấp độ 3 nên phải ở nhà. (Ảnh: PLO)

Chỉ những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 1, 2 mới được tổ chức dạy học trực tiếp. Những cơ sở giáo dục ở địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 tiếp tục tổ chức dạy học trực tuyến. Đối với học sinh, học viên, cán bộ, giáo viên, nhân viên cư trú ở địa bàn có cấp độ dịch 3, 4 chưa tham gia dạy học trực tiếp. Cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức cho học sinh, học viên học tập tại nhà.

Đến nay, đã có 97% giáo viên và học sinh trung học phổ thông trên địa bàn TP Đà Nẵng được tiêm 1 mũi và chuẩn bị tiêm mũi 2 vắc xin phòng Covid-19. 

TP. Hà Nội: Hôm nay học sinh lớp 9 ở 17 huyện, thị xã trở lại trường

Trong hôm qua, các trường học ở 17 huyện, thị xã đã hoàn thành công tác chuẩn bị, sẵn sàng đón học sinh lớp 9 trở lại trường học trực tiếp từ sáng nay sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.

Học sinh đi học trở lại trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, do đó, các trường chủ động có phương án sẵn sàng ứng phó, chuyển trạng thái dạy học nếu bất ngờ xuất hiện ca bệnh trong cộng đồng có liên quan đến cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội quy định, tùy theo điều kiện thực tế của địa phương, có thể bố trí thời gian đi học của học sinh cho phù hợp, chậm nhất trước ngày 24/11. Các trường phải đạt yêu cầu an toàn trong phòng, chống dịch, chỉ tổ chức việc dạy học trực tiếp 1 buổi/ngày, không tổ chức ăn bán trú, căng tin ăn uống trong trường, học sinh tự mang theo nước uống cá nhân.

Bà Rịa- Vũng Tàu: F0 nhẹ được điều trị tại nhà

Ngày 22/11, Bà Rịa - Vũng Tàu có văn bản hướng dẫn tạm thời quản lý, điều trị người mắc Covid-19 tại nhà, nơi làm việc có hiệu lực từ ngày 25/11.

Những F0 được điều trị tại nhà không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu oxy, không có dấu hiệu bất thường trong khi thở. Ngoài ra, F0 điều trị tại nhà cần đáp ứng tối thiếu các tiêu chí như đã tiêm ít nhất 1 liều vắc xin sau 14 ngày hoặc là trẻ em trên 1 tuổi, người lớn dưới 50 tuổi, không có bệnh nền hoặc có nhưng đã được điều trị ổn định, không mang thai.

Trong trường hợp bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng sẽ liên hệ ngay với cơ quan y tế để được cấp cứu và vận chuyển đến bệnh viện điều trị kịp thời.

Quảng Nam: Ghi nhận số ca Covid-19 tăng kỷ lục trong ngày

Tối 21/11, Quảng Nam ghi nhận 143 ca mắc mới trong ngày, trong đó 89 ca cộng đồng. Các ca bệnh cộng đồng được phát hiện tại huyện Tiên Phước, Điện Bàn, Hiệp Đức, TP. Hội An, Tam Kỳ, Đại Lộc, Quế Sơn và 54 ca đã được giám sát, cách ly từ trước.

Đáng chú ý, nhiều trường học tại Quảng Nam đã xuất hiện F0 là học sinh và giáo viên. Cụ thể: Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu (thị xã Điện Bàn) có 56 ca là học sinh và giáo viên. Ngoài ra, có 5 ca là học sinh Trường tiểu học Phan Ngọc Nhân; Tại trường Tiểu học Tiên Cẩm (huyện Tiên Phước) có 23 ca bệnh đều là học sinh.

Nha Trang và Cà Mau: Chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại rất cao

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 22/11, chỉ số tia cực tím (UV) cực đại tại các thành phố miền Trung và miền Nam phổ biến ở mức nguy cơ gây hại cao, riêng chỉ số UV tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) và thành phố Cà Mau (Cà Mau) đạt mức nguy cơ gây hại rất cao.

Dự báo, từ ngày 23-24/11, các thành phố tại miền Bắc và miền Trung đều có chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại trung bình và dưới trung bình. Ngoại trừ thành phố Hải Phòng, vào ngày 24/11 chỉ số này đạt mức nguy cơ gây hại cao; các thành phố miền Nam đều ở mức nguy cơ gây hại cao.

Ngày 25/11, các thành phố thuộc miền Bắc và miền Nam đều có chỉ số tia cực tím ở mức nguy cơ gây hại cao, các thành phố thuộc khu vực miền Trung phổ biến ở mức nguy cơ gây hại trung bình, riêng thành phố Hội An (Quảng Nam) đạt mức nguy cơ gây hại cao.

Để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt, người dân khi làm việc ngoài trời nắng cần trang bị đồ dùng chống nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính…; luôn đảm bảo đủ nước uống cho cơ thể.

TIN THẾ GIỚI

Pháp: Đợt dịch Covid-19 thứ 5 đang bùng phát với tốc độ đáng sợ

Theo AFP, chính phủ Pháp ngày 21/11 cho biết đợt dịch Covid-19 thứ 5 tại nước này đang gia tăng với tốc độ đáng sợ và số ca nhiễm mới trong ngày đã tăng gần như gấp đôi trong tuần qua. Theo số liệu từ cơ quan y tế Pháp, ngày 20/11, số ca nhiễm mới trong trung bình 7 ngày tại nước này là 17.153 ca, tăng 81% so với mức 9.458 ca của một tuần trước đó.

pháp, covid-19
Đợt dịch thứ 5 tại Pháp đang bắt đầu bùng phát với tốc độ chóng mặt. (Ảnh: France 24)

Xem thêm: Số ca Covid-19 ở châu Âu liên tục tăng, người dân vẫn biểu tình phản đối các biện pháp chống dịch

Người phát ngôn chính phủ Pháp Gabriel Attal nói với giới truyền thông rằng đợt dịch thứ 5 tại nước này đang bắt đầu bùng phát với tốc độ chóng mặt. Mức tăng số ca nhiễm mới trong 7 ngày qua cao gấp 3 lần con số ghi nhận cách đây 3 tuần, chứng tỏ số ca nhiễm đang tăng nhanh theo cấp số nhân.

Theo thống kê của trang mạng Worldometer, tính đến 5h30 sáng nay, ngày 22/11 (giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có hơn 257 triệu ca nhiễm Covid-19, trong đó có hơn 5 triệu ca tử vong. Số ca nhiễm mới trên toàn cầu trong 24 giờ qua đã tăng gần 401 ngàn ca và số ca tử vong tăng hơn 4.500 ca.

Anh, Nga, Đức, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ là 5 quốc gia có số ca nhiễm mới tăng mạnh nhất trong 24 giờ qua. Cũng trong thời gian này, Nga, Ukraine, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Philippines là 5 quốc gia có số ca tử vong tăng nhiều nhất.

Con người đánh bắt cá quá mức, đáng lo ở Biển Đông

Gần một nửa trữ lượng cá trên toàn cầu bị khai thác quá mức có khả năng gây thiệt hại hàng tỉ USD vào cuối thế kỷ. Hãng tin Bloomberg trích nghiên cứu của Tổ chức Minderoo (Úc) cho biết sản lượng cá trên toàn cầu đang bị suy giảm ở mức đáng báo động. Khoảng 48% ngư trường đang bị khai thác quá mức, nửa còn lại hiện vẫn chưa có đủ thông tin để xác định.

Tổ chức Minderoo cho biết tỉ lệ cạn kiệt này tệ hơn so với ước tính chỉ khoảng 30% trước đó. 1/10 trữ lượng cá trên toàn thế giới đang trên đà cạn kiệt. Trữ lượng của đàn cá thuộc nhóm bị đe dọa chỉ còn 10% so với ban đầu.

20 quốc gia nhận điểm F gồm Úc, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Peru, Nga, Việt Nam... Gần như tất cả ngư trường ở các nước này đều không được kiểm soát tốt hoặc đang bị khai thác quá mức. Theo tổ chức này, các nước nhận điểm F có rất ít triển vọng tăng trưởng nếu không có những cải tiến lớn trong công tác quản lý.

Mỹ: Đa số dân không hài lòng cách Biden điều hành đất nước

Khảo sát CBS News/YouGov cho thấy đa số người dân không đồng tình cách Biden điều hành đất nước và chỉ 4% tin mọi thứ ở Mỹ đang rất tốt.

Theo kết quả khảo sát công bố hôm 21/11, khoảng 44% người được hỏi ủng hộ cách Tổng thống Mỹ Joe Biden làm việc. Cuộc khảo sát cũng chỉ ra ông chủ Nhà Trắng đang bị đánh giá tiêu cực về các vấn đề lạm phát, nhập cư, kinh tế, chính sách đối ngoại và sắc tộc.

Đối với vấn đề tiêm chủng Covid-19, Tổng thống Mỹ nhận được quan điểm tích cực hơn, với 53% người tham gia khảo sát ủng hộ ông. Cuộc thăm dò của CBS News/YouGov diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 19/11, với 2.058 người trưởng thành ở Mỹ tham gia.

Chính quyền của Tổng thống Biden đang đối mặt nhiều thách thức như đại dịch Covid-19, quy định bắt buộc tiêm vắc xin, lượng người di cư kỷ lục ở biên giới phía nam và một số vấn đề về chuỗi cung ứng, lao động gây gián đoạn trong nhiều ngành công nghiệp Mỹ.

Afghanistan: Taliban cấm phát sóng phim dài tập có diễn viên nữ

AFP đưa tin Bộ cầu nguyện, hướng dẫn, khuyến khích đức hạnh và phòng ngừa thói xấu của Afghanistan ngày 21/11 ra chỉ thị các đài truyền hình không chiếu phim dài tập có diễn viên nữ. Những phóng viên truyền hình là nữ phải mặc bộ trang phục trùm kín của Hồi giáo lúc dẫn bản tin.

Theo AFP, vào giai đoạn Taliban nắm quyền từ năm 1996-2001, truyền hình, phim ảnh và các hình thức giải trí khác đều bị cấm. Người bị phát hiện xem truyền hình sẽ chịu phạt. Chỉ có một đài phát thanh là Voice of Sharia chuyên phát sóng chương trình tuyên truyền Hồi giáo.

Trong giai đoạn sau đó dưới chính quyền do phương Tây ủng hộ, truyền thông Afghanistan phát triển với hàng chục đài truyền hình và phát thanh. Nhiều chương trình với kịch bản tương tự chương trình của phương Tây và phim truyền hình dài tập của Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ được phát sóng. Sau khi giành được chính quyền từ tháng 8, Taliban đã cam kết sẽ quản lý Afghanistan với những quy tắc dung hòa hơn nhưng cũng đã ban hành các quy định hạn chế đối với phụ nữ.

Mỹ: Xe hơi lao vào đám đông diễu hành, hàng chục người bị thương

Một chiếc xe hơi vừa lao thẳng vào đám đông diễu hành tại bang Wisconsin (Mỹ) khiến hơn 20 người bị thương. Reuters đưa tin một chiếc xe SUV đã lao từ đằng sau vào những người diễu hành lễ hội tại thành phố Waukesha, bang Wisconsin vào 17 giờ ngày 21/11. Trong video trên mạng xã hội, cảnh sát được cho là đã nổ súng vào chiếc xe hơi để ngăn chặn khi nó đâm vào rào chắn trên đường.

Cảnh sát thông báo hơn 20 người bị thương và đã xác định được nghi phạm. Một phóng viên của đài CBS58 TV thông báo trên Twitter rằng hơn một người thiệt mạng trong vụ việc. Một nhân chứng kể đã nhìn thấy chiếc xe đâm vào những người hóa trang và ít nhất một người bị húc qua mui xe.

Truyền thông Mỹ dẫn lời một số nhân chứng khác kể rằng đã thấy chiếc xe chạy nhanh, đâm vào đám đông có những đứa trẻ từ 9-15 tuổi và nhiều người la hét, bỏ chạy, kiểm tra người bị thương.

Hàn Quốc: Tăng tốc giải quyết khủng hoảng thiếu ure

Hàn Quốc đang đẩy mạnh các kênh ngoại giao nhằm đa dạng hóa nguồn cung ure. Trong vài tuần qua, các công ty Hàn Quốc đã ký nhiều thỏa thuận nhập khẩu ure từ Việt Nam, Malaysia, Australia và Mexico.

Hiện tại, một công ty của Hàn Quốc đang đàm phán với đối tác Indonesia để nhập khoảng 10.000 tấn ure, trong khi một công ty khác đã đạt thỏa thuận mua 40 tấn ure dùng trong công nghiệp của Đài Loan (Trung Quốc).

Chính phủ Hàn Quốc cho biết sẽ đẩy nhanh các thủ tục cần thiết để đưa toàn bộ số ure nhập khẩu vào sản xuất dung dịch sử dụng cho các phương tiện chạy dầu diesel, nhằm giảm lượng khí thải. Hiện tổng sản lượng của 5 nhà sản xuất dung dịch ure lớn nhất Hàn Quốc đã vượt mức tiêu thụ trung bình hàng ngày là 600.000 lít, dấu hiệu cho thấy tình trạng thiếu hụt nguồn cung nội địa đang giảm bớt.

Bình luận