Bộ Nội vụ vừa hoàn thiện dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi) trong đó có nội dung đáng chú ý là việc sửa đổi các quy định liên quan đến cán bộ, công chức khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã).

Để phù hợp với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, dự thảo Luật cũng sửa đổi khái niệm cán bộ, công chức, trong đó quy định cán bộ, công chức ở Trung ương, ở cấp tỉnh và cấp xã (bỏ cấp huyện); đồng thời, bỏ một chương về cán bộ, công chức cấp xã trong Luật Cán bộ, Công chức hiện hành.
Dự thảo Luật thống cũng nhất quản lý đội ngũ cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã, không phân biệt công chức cấp xã với công chức cấp tỉnh, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng về liên thông trong công tác cán bộ;
Tới đây, khi sáp nhập từ 10.035 đơn vị hành chính cấp xã còn khoảng 5.000 đơn vị, sẽ có nhiều người trong số công chức cấp xã hiện nay sẽ thôi việc, nghỉ hưu sớm.
Theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), Bộ Nội vụ đề xuất: Trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm thì cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện tinh giản.
Không có bằng đại học là không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo yêu cầu.
Đặc biệt, cũng theo dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) không phân biệt cán bộ, công chức cấp xã với cán bộ, công chức cấp trung ương, cấp tỉnh.
Như vậy, chất lượng công chức là như nhau, từ trung ương đến cơ sở. Do đó, những người không có bằng cấp chuyên môn đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, vị trí việc làm đương nhiên phải thôi việc.
Nhưng còn 92,4% người có bằng đại học trở lên thì sao?
Theo dự thảo này, Bộ Nội vụ đề xuất xem xét tinh giản với cán bộ, công chức cấp xã không đủ tiêu chuẩn, điều kiện của vị trí việc làm.
Theo đó trong trường hợp không đủ tiêu chuẩn và điều kiện theo yêu cầu của vị trí việc làm, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định tinh giản công chức cấp xã theo quy định của pháp luật tại thời điểm thực hiện tinh giản.
Trước hết là rà soát bằng cấp, loại trừ những bằng cấp không đạt chất lượng, bằng đối phó, bằng giả.
Việc tinh gọn bộ máy không chỉ là chuyện tiết kiệm, mà còn một việc quan trọng, là tuyển chọn đội ngũ chất lượng. Vì vậy, lực lượng công chức sau sắp xếp sẽ không có những người bằng thật học giả, không có chân tài thực học.
Sau khi sàng lọc, chọn được những cán bộ, công chức có năng lực, bằng cấp chuẩn chỉ, nhưng số lượng cán bộ công chức giữ lại có giới hạn, cần tiếp tục tinh giản, thì phải có cách tuyển chọn chính xác, phù hợp.
Đó chính là sát hạch một cách công bằng, thực chất, khoa học để chọn ra người có năng lực, đáp ứng nhu cầu của bộ máy hành chính sau sắp xếp, tinh gọn.
Sát hạch là cách để lựa chọn cán bộ minh bạch, nhưng phải xây dựng nội dung sát hạch đảm bảo chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực ngoại ngữ, tin học; xử lý công việc theo từng vị trí việc làm.
Sau đó là tổ chức thi nghiêm túc, không có bất cứ can thiệp nào, không có chỗ cho tiêu cực xen vào. Sát hạch để chọn người theo tiêu chuẩn và chất lượng cao mới chọn được cán bộ, công chức có thực chất.
Dự thảo Luật Cán bộ, công chức sửa đổi, Bộ Nội vụ cũng đề xuất bổ sung quy định về sát hạch để thực hiện cơ chế sàng lọc đội ngũ.
Nếu thực hiện sát hạch theo đề xuất của Bộ Nội vụ, sẽ không có chuyện vào rồi thì không ra, lên thì không xuống.
Dự thảo Luật Cán bộ, Công chức (sửa đổi) quy định: Kể từ ngày Luật này có hiệu lực, cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 được giữ nguyên số lượng biên chế cho đến khi hoàn thành việc rà soát, tinh giản, cơ cấu lại và sắp xếp theo vị trí việc làm của chính quyền địa phương;
Đồng thời được bảo lưu mức tiền lương hiện hưởng cho đến khi bố trí việc làm mới theo quy định của Chính phủ.
Trong thời hạn 5 năm, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải sắp xếp, tinh giản và cơ cấu lại đội ngũ theo đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt.