Tiêu điểm: Nhân Humanity

Cơ thể mệt mỏi là bệnh gì? 4 lưu ý cải thiện để bạn sớm vực dậy

(VOH) – Trong guồng quay cuộc sống, hẳn có ngày bạn cảm thấy ‘muốn gục xuống’, kiệt sức và thiếu năng lượng. Tuy nhiên dấu hiệu cơ thể mệt mỏi như vậy lại đang cảnh báo khá nhiều vấn đề sức khỏe.

Luôn bận rộn “lao theo” công việc, các kế hoạch trong cuộc sống khiến bạn không dành đủ sự quan tâm tới cơ thể của mình một cách đúng mực. Thế nhưng nếu không sớm điều chỉnh lịch trình sinh hoạt và tìm hiểu nguyên nhân cơ thể mệt mỏi uể oải để kịp thời khắc phục thì những rủi ro sức khỏe hoàn toàn có thể xảy ra.

1. Cơ thể mệt mỏi là bệnh gì?

Cơ thể mệt mỏi uể oải có thể khiến bạn trở thành một người “dễ ghét” hơn, thường cáu gắt và thiếu đi sức sống, tinh thần tập trung cho công việc cũng như các hoạt động thường ngày. Hơn hết, tín hiệu này cũng đang nhắc bạn về nguy cơ mắc phải một số vấn đề sức khỏe sau:

1.1 Thiếu hụt chất dinh dưỡng

Chúng ta biết rằng cơ thể vận hành hiệu quả và duy trì sự sống mỗi ngày hoàn toàn nhờ vào nguồn dưỡng chất mà các thực phẩm trong khẩu phần ăn hàng ngày đem lại. Theo đó, tình trạng thiếu hụt bất cứ chất dinh dưỡng như chất béo, chất đạm, khoáng chất, vitamin và carbohydrate đều làm cơ thể mệt mỏi.

co-the-met-moi-la-benh-gi-4-luu-y-cai-thien-de-ban-som-vuc-day-voh-0
Thiếu hụt chất dinh dưỡng là nguyên nhân phổ biến khiến cơ thể mệt mỏi (Nguồn: Internet)

1.2 Mất nước

Chiếm tới hơn 70% tổng trọng lượng cơ thể, nước có mặt ở hầu hết các cơ quan và sẽ trực tiếp tham gia hàng loạt những phản ứng sinh hóa quan trọng. Do đó, khi cơ thể rơi vào trạng thái mất nước, các hoạt động trao đổi, chuyển hóa chất lần lượt bị “đình trệ”, làm gián đoạn quá trình sinh năng lượng, gây đuối sức.

Xem thêm: Bất ngờ với những hậu quả khi cơ thể bị mất nước, không đơn giản như nhiều người vẫn nghĩ

1.3 Dị ứng thực phẩm

Bên cạnh cảm giác ngứa ngáy và khó thở, cơ thể mệt mỏi cũng là một trong những biểu hiện rất phổ biến nếu bạn bị dị ứng thực phẩm. Điều này bởi khi gặp các chất gây dị ứng, hệ miễn dịch sẽ kích hoạt histamine, song việc giải phóng lượng lớn hoạt chất này đã để lại các phản ứng dị ứng.

1.4 Ngủ không đúng giấc

Có thể nói, việc ngủ đúng và đủ giấc để lại tác động không hề nhỏ tới cả sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Chính vì thế, lời khuyên là bạn nên cố gắng hoàn tất công việc trước 11 giờ đêm, dành cho bản thân một giấc ngủ trọn vẹn kéo dài từ 7 – 8 tiếng.

Ngoài ra, nếu có thời gian nghỉ ngơi vào buổi trưa, hãy “chợp mắt” từ 15 – 20 phút để phục hồi năng lượng. Tránh ngủ quá nhiều vì dễ ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ buổi tối cũng như khiến bạn cảm thấy mệt mỏi, đau nhức đầu sau khi thức dậy.

Xem thêm: Mất ngủ và những điều nên biết trước khi sức khỏe ‘xuống cấp’

1.5 Mắc chứng ngưng thở khi ngủ

Nếu đã xây dựng thói quen ngủ đúng giờ, đủ giấc nhưng vẫn tỉnh giấc với một cơ thể mệt mỏi thì tỉ lệ bạn đang mắc chứng ngưng thở lúc ngủ thường khá cao.

Hiện tượng này xảy ra là bởi đường thở bị tắc nghẽn, não bộ sẽ trở về chế độ tỉnh táo nhằm điều hòa nhịp thở, đảm bảo dòng luân chuyển oxy. Việc liên tục bị “gọi dậy” như vậy, não bộ sẽ không có đủ thời gian nạp năng lượng, dẫn tới cảm giác mệt mỏi vào sáng hôm sau.

co-the-met-moi-la-benh-gi-4-luu-y-cai-thien-de-ban-som-vuc-day-voh-1
Tình trạng ngưng thử khi ngủ có thể gây ra tiếng ngáy, ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi năng lượng của não, gây uể oải (Nguồn: Internet)

1.6 Stress cao độ

Chịu áp lực từ công việc cùng các vấn đề cuộc sống, luôn “đắm chìm” trong những kế hoạch và không thể dứt ra chính là tác nhân khiến bạn phải đối mặt với mức stress cao độ. Lúc này, tuyến thượng thận sẽ sản sinh lượng hormone cortisol vượt quá ngưỡng an toàn, làm rối loạn nhịp tim, ảnh hưởng tới giấc ngủ và suy giảm chức năng của hệ thần kinh.

Xem thêm: Bạn cần phải biết tác hại của stress nghiêm trọng như thếnào?

1.7 Hội chứng hậu Covid

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nguy cơ mắc bệnh tăng lên rất cao và ngay cả với các bệnh nhân nhiễm nhẹ thì hội chứng hậu Covid vẫn “làm phiền”, trong đó cơ thể mệt mỏi là triệu chứng cực kì điển hình. Đặc biệt, bạn sẽ thường thấy cơ thể mệt mỏi buồn ngủ, đau nhức mỏi toàn thân, chúng có thể kéo dài từ 4 – 6 tuần.

1.8 Nguy cơ mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính

Khi cơ thể mệt mỏi, luôn rơi vào tình trạng không có chút sức lực nào (thậm chí diễn ra trong thời gian dài từ 3 – 6 tháng) song các chẩn đoán đều không xác định bệnh lý nội khoa nào thì khả năng cao bạn đang mắc hội chứng mệt mỏi mãn tính.

Trong trường hợp này, hãy cố gắng duy trì tinh thần thoải mái, bình tĩnh thực hiện các biện pháp mà các chuyên gia sức khỏe chỉ định để sớm vượt qua.

2. Cơ thể mệt mỏi cần bổ sung vitamin gì?

Như đã chia sẻ, nếu không được cung ứng đủ lượng các vitamin thiết yếu như vitamin A, vitamin B, vitamin C, vitamin D, vitamin E hay vitamin K thì cơ thể cũng sẽ “biểu tình”. Tuy nhiên, cơ thể mệt mỏi cần bổ sung vitamin gì thực tế còn phụ thuộc vào các chẩn đoán chuyên khoa, sau khi đã xác định chính xác bạn đang thiếu hụt nhóm vitamin nào.

Chính vì thế, bạn nên dành thời gian tới cơ sở y tế để thăm khám, kiểm tra sức khỏe định kì để chủ động chăm sóc cơ thể một cách tốt nhất.

co-the-met-moi-la-benh-gi-4-luu-y-cai-thien-de-ban-som-vuc-day-voh-2
Tùy theo tình trạng thiếu hụt vitamin nào, bạn sẽ được chỉ định bổ sung vitamin phù hợp (Nguồn: Internet)

3. Cơ thể mệt mỏi nên ăn gì?

Dẫu biết rằng vào những ngày cơ thể mệt mỏi, việc ăn uống sẽ trở nên khó khăn hơn và không còn nhiều “hứng thú”. Thế nhưng để sớm đưa cơ thể trở về trạng thái tràn đầy năng lượng, bạn vẫn cần chú ý bồi bổ thêm những nhóm thực phẩm sau:

  • Trái cây: hãy lựa chọn loại trái cây mà bạn yêu thích, dùng sau bữa ăn chính khoảng 30 phút nhằm tăng cường đa dạng vitamin cùng khoáng chất.
  • Rau xanh: bổ sung các nhóm rau xanh mềm ngọt, dễ nhai để kích thích tiêu hóa, giúp bạn ăn ngon miệng hơn.
  • Các loại hạt: các loại hạt được đánh giá là nguồn dồi dào protein thực vật, rất cần thiết cho quá trình tái tạo tế bào và cung cấp năng lượng cho cơ thể.
  • Trà thảo mộc: để tinh thần luôn thoải mái, ngủ ngon giấc, bạn có thể tham khảo uống thêm các loại trà thảo mộc như trà hoa cúc, trà hoa nhài hoặc trà sen.
  • Cháo dinh dưỡng: thưởng thức một tô cháo dinh dưỡng ấm nóng, mềm thơm vào giai đoạn này cũng góp phần không nhỏ giúp bạn phục hồi sức lực.

Xem thêm: Tổng hợp 9 cách nấu cháo cho người ốm đơn giản, bổ dưỡng để nhanh chóng 'lại sức'

4. Cơ thể mệt mỏi có nên truyền nước?

Truyền nước hay truyền dịch là phương pháp truyền chất dinh dưỡng hay truyền thuốc đối với trường hợp người bệnh không thể tiếp nạp thực phẩm, thức uống bằng đường miệng. Dù vậy, dùng loại dịch truyền nào, số lượng, thời gian và tốc độ truyền ra sao sẽ thay đổi khác nhau, phù hợp với từng cơ thể, nhằm hạn chế rủi ro phù mạch, gây tai biến.

Vì lẽ đó nếu không có chỉ định và sự giám sát của nhân viên y tế, cơ thể mệt mỏi KHÔNG NÊN tự ý truyền nước.

5. Một số lưu ý khác cần biết khi cơ thể mệt mỏi

Cơ thể mệt mỏi và bạn liên tục bị “sập nguồn” chính là thời điểm đòi hỏi bạn phải dành sự quan tâm nhiều hơn, đồng thời nghiêm túc thực hiện các lưu ý quan trọng dưới đây:

5.1 Khôi phục nhịp sinh học

Khi phải trải qua cảm giác mệt mỏi, uể oải liên tiếp nhiều ngày thì dường như đã đến lúc bạn cần khôi phục lại nhịp sinh học của bản thân. Hãy thiết lập thời gian biểu khoa học cho các hoạt động ăn uống và nghỉ ngơi, đảm bảo lịch sinh hoạt điều độ, hợp lý.

co-the-met-moi-la-benh-gi-4-luu-y-cai-thien-de-ban-som-vuc-day-voh-3
Cố gắng xây dựng kế hoạch sinh hoạt hợp lý, khoa học để tái tạo năng lượng cho cơ thể (Nguồn: Internet)

5.2 Vận động nhẹ nhàng

Những lúc mệt mỏi, bạn vẫn nên tập luyện và vận động nhẹ nhàng, hạn chế nằm hoặc ngồi lâu một chỗ. Từ đây duy trì ổn định các hoạt động chuyển hóa năng lượng, tăng cường trao đổi chất.  

5.3 Không sử dụng chất kích thích

Tuyệt đối không được lạm dụng các thức uống có cồn hay chất kích thích như cà phê, nước tăng lực,…và cố “níu kéo” sự tỉnh táo. Tốt nhất hãy cho phép cơ thể nghỉ ngơi cũng như tái tạo năng lượng.

Xem thêm: Điểm mặt 11 tác hại của cà phê dễ mắc phải nếu dùng sai cách

5.4 Hạn chế dùng thiết bị điện tử

Thời gian này bạn cần tạm “cai” các thiết bị điện tử, tránh kiểm tra những tin tức, các thông báo từ mạng xã hội để tâm trí thực sự được thư giãn, giải tỏa căng thẳng.

Thật khó để chúng ta luôn giữ mình trong trạng thái dồi dào năng lượng và không “hết pin”. Vì vậy, khi cơ thể mệt mỏi thì đừng vội “trách bản thân” mà hãy dành thời chăm sóc sức khỏe thật tốt để nhanh chóng phục hồi bạn nhé!

Bình luận