Jessica Swenson, 48 tuổi, từng làm việc tại một công ty lớn. Vào một ngày thứ năm, cô nhận quyết định sa thải dù mới được thăng chức cách đó nửa năm. Đến thứ hai tuần kế tiếp, cô bất ngờ nhận được lời mời trở lại.
Ban đầu, Swenson rất lưỡng lự. Khoản tiết kiệm cá nhân cùng thu nhập ổn định của chồng giúp cô không quá lo lắng về tài chính. Swenson dự định từ chối nhưng sau cùng, cô quyết định nhận lời làm cộng tác viên. “Thị trường lao động hiện nay quá khó khăn. Tôi không thể bỏ qua cơ hội,” cô chia sẻ.
Quá trình làm việc tự do giúp Swenson khởi động sự nghiệp viết lách đã ấp ủ từ lâu. Dù thu nhập chỉ bằng một nửa trước kia, cô cảm thấy hài lòng vì có thể làm chủ thời gian và công việc.

Swenson chỉ là một trong số rất nhiều lao động Mỹ trải nghiệm xu hướng này. Trên các diễn đàn nghề nghiệp, ngày càng nhiều người kể rằng họ nhận được lời mời từ những tập đoàn lớn như Meta, Salesforce hay Pratt & Whitney.
Chuyên gia tư vấn nghề nghiệp Debra Wheatman cho biết: "Nhiều khách hàng của tôi nhận được cuộc gọi từ công ty cũ với nội dung: 'Chúng tôi cần bạn quay lại vì đợt cắt giảm nhân sự trước đó quá mạnh tay'".
Không phải ai cũng dễ dàng đồng ý. Một số từ chối thẳng thừng vì đã tìm được công việc mới ổn định. Một số khác đồng ý quay lại nhưng vẫn âm thầm tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Kristie Jones, cựu quản lý kinh doanh phần mềm 55 tuổi, là ví dụ điển hình. Sau khi bị sa thải đột ngột qua một cuộc họp ngắn ngủi, cô tuyên bố sẽ không bao giờ quay lại. "Nếu họ nói chuyện với tôi trước, tôi đã không bị tổn thương nặng nề như vậy," Jones nói. Khi được một lãnh đạo mới mời trở lại, cô thẳng thừng từ chối và quyết định mở công ty tư vấn bán hàng.
Theo chuyên gia nhân sự Debra Wheatman, việc quyết định quay lại không chỉ dựa trên yếu tố tài chính mà còn liên quan đến lòng tự trọng. Cảm xúc tức giận ban đầu là điều dễ hiểu, nhưng người lao động nên cân nhắc kỹ. Nếu đang có cơ hội việc làm tốt hoặc có khoản trợ cấp lớn, việc từ chối có thể là lựa chọn sáng suốt. Trong trường hợp tài chính bấp bênh, chấp nhận trở lại làm việc cũng không phải phương án tồi.
Wheatman nhấn mạnh rằng người lao động có thể tận dụng thế chủ động này để thương lượng lại mức lương, chức danh hoặc phúc lợi.
Andrea Derler, giám đốc nghiên cứu tại công ty phần mềm nhân sự Visier, cho biết công nghệ AI đang hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm và đánh giá lại hồ sơ nhân viên cũ một cách nhanh chóng. Thay vì chỉ dựa vào trí nhớ cá nhân, giờ đây các công ty có thể rà soát dữ liệu hiệu suất, kỹ năng và thành tích trước kia để mời đúng người quay lại.
Derler tin rằng "nhân viên boomerang" sẽ trở thành xu hướng phổ biến hơn trong tương lai. Một cú click chuột có thể nối lại những mối quan hệ nghề nghiệp từng đứt gãy.
Matt Massucci, CEO công ty tuyển dụng Hirewell, cho rằng việc gọi nhân viên cũ quay lại là bài toán kinh tế hợp lý. Chi phí tuyển dụng và đào tạo nhân viên mới thường rất tốn kém, trong khi một cựu nhân viên từng làm tốt có thể nhanh chóng bắt nhịp công việc.
Tuy nhiên, quyết định mời ai quay lại còn phụ thuộc vào lý do sa thải ban đầu. Nếu vì tái cấu trúc hoặc khó khăn thị trường, cơ hội trở lại sẽ cao hơn so với những trường hợp bị sa thải vì năng lực yếu kém.
"Việc làm cũng giống như một mối quan hệ tình cảm," Massucci kết luận. "Điều quan trọng không chỉ là chia tay, mà là chia tay như thế nào."