Theo quy hoạch, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc sẽ được nâng cấp để đáp ứng công suất khoảng 10 triệu hành khách/năm và 25.000 tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn này, quy hoạch kéo dài đường cất hạ cánh hiện hữu về hai phía đạt kích thước 3.500m x 45m.
Đường cất hạ cánh số 2 có kích thước 3.300m x 45m, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc khoảng 360m; kéo dài đường lăn song song hiện hữu về hai phía để đồng bộ với đường cất hạ cánh.
Đường lăn song song nằm giữa 2 đường cất hạ cánh, cách tim đường cất hạ cánh hiện hữu về phía Bắc khoảng 180m.

Với nhà ga hành khách, tiếp tục duy trì nhà ga T1 hiện hữu công suất khoảng 4 triệu hành khách/năm và quy hoạch mới nhà ga hành khách T2 về phía Đông nhà ga hành khách T1 hiện hữu, công suất đạt khoảng 6 triệu hành khách/năm.
Quy hoạch nhà khách VIP kết hợp với khai thác hàng không chung tại khu vực phía Tây Nam của cảng.
Định hướng đến năm 2050, sân bay Phú Quốc sẽ nâng cấp toàn diện với các mục tiêu: Đáp ứng công suất 18 triệu hành khách/năm và 50.000 tấn hàng hóa/năm; Mở rộng hệ thống đường lăn song song, sân đỗ máy bay lên khoảng 45 vị trí; Nhà ga T2 được mở rộng nâng công suất lên 14 triệu hành khách/năm; Nhà ga hàng hóa mở rộng tương ứng, phục vụ tốt hơn hoạt động logistics và vận tải.
Sân bay Phú Quốc đang từng bước khẳng định vai trò chiến lược trong mạng lưới hàng không quốc gia, là cửa ngõ giao thương, du lịch quốc tế quan trọng ở phía Nam.
Với tầm nhìn mở rộng mạnh mẽ, quy hoạch lần này được xem là "chìa khóa" để Phú Quốc không chỉ hút khách du lịch mà còn thu hút đầu tư, phát triển logistics và thương mại quốc tế.
Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực phát triển các trung tâm kinh tế ven biển và các đô thị du lịch đẳng cấp, Phú Quốc với hạ tầng hàng không hiện đại sẽ là “bàn đạp” để đảo ngọc vươn xa trên bản đồ khu vực và toàn cầu.