Tiêu điểm: Nhân Humanity

Sử dụng điện thoại khi lái xe bị phạt bao nhiêu tiền?

(VOH) – Những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Việc sử dụng điện thoại di động khi tham gia lưu thông trên đường sẽ gây phân tâm, hạn chế tầm nhìn cùng khả năng quan sát, khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, việc điều khiển, kiểm soát tốc độ khi gặp tình huống bất ngờ bị giảm mạnh, không kịp xử lý các tình huống bất ngờ dễ gây tai nạn giao thông. 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Mỗi năm, trên thế giới có hơn 1,25 triệu người chết do tai nạn giao thông và 94% trong số đó xảy ra do sai sót từ người điều khiển phương tiện.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 30/12/2019 thay thế Nghị định 46 đã tăng mạnh mức phạt với nhiều hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe để hạn chế tối thiểu mức độ vi phạm giao thông cho lỗi này. 

Sử dụng điện thoại khi lái xe bị phạt bao nhiêu tiền? 

Xem thêmQuy định bồi thường thiệt hại tai nạn giao thông mới nhất 2020

1. Mức xử phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe ô tô

Đối với xe ô tô: Dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 01 - 02 triệu đồng (Nghị định 46/2016 trước đây chỉ phạt tiền từ 600.000 - 800.000 đồng).

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

2. Mức xử phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe máy

Đối với xe máy: Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh trừ thiết bị trợ thính thì bị phạt tiền từ 600.000 - 01 triệu đồng, tăng gấp 05 lần so với trước đây (trước đây chỉ phạt từ 100.000 - 200.000 đồng). Đồng thời, người vi phạm còn bị tước Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. 

Thực hiện hành vi này mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng. 

3. Mức xử phạt lỗi sử dụng điện thoại khi lái xe đạp và xe đạp máy

Với xe đạp, xe đạp máy kể cả xe đạp điện: Sử dụng ô (dù), điện thoại di động, chở người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù) bị phạt từ 80.000 - 100.000 đồng (trước đây là 50.000 - 60.000 đồng). 

Ngoài ra, Nghị định 100/2019/NĐ-CP bổ sung thêm mức phạt với người đi xe đạp, xe đạp điện mà sử dụng rượu, bia sẽ bị xử phạt cao nhất đến 600.000 đồng...

Xem thêmĐiều khiển xe đi ngược chiều bị phạt bao nhiêu?

4. Tài xế xe ôm công nghệ sử dụng điện thoại khi chạy xe 

Hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ và nhu cầu đi lại ngày càng nhiều của người dân, các công ty vận tải đã cho ra đời loại hình giao thông mới được gọi là “Xe ôm công nghệ”. Từ đó, có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh tài xế công nghệ vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại, vừa lái xe vừa sử dụng tai nghe nhan nhãn trên đường. Bên cạnh đó, để cho tiện dụng thì nhiều tài xế đã trang bị luôn giá điện thoại đặt trước đầu xe máy để dễ dàng dùng mắt theo dõi bản đồ khi đang trong hành trình, hoặc dùng ngón tay để di chuyển màn hình thông tin địa điểm đón trả khách. 

Các hành vi trên vô cùng nguy hiểm vì tài xế sẽ không thể làm chủ được tốc độ, không bảo đảm an toàn giao thông đặc biệt là khi có chở khách. Khi mắt phải theo dõi trên màn hình điện thoại, sẽ hạn chế khả năng quan sát một cách bao quát và đầy đủ xung quanh trong khi ở phía trước có thể có rất nhiều dòng xe đông đúc, dễ dẫn đến tai nạn.

Quy định của luật Giao thông đường bộ là đã dùng điện thoại di động thì phải dừng xe. Còn nếu đang di chuyển mà vẫn sử dụng điện thoại di động sẽ bị xử phạt theo đúng quy định hiện hành. Các doanh nghiệp đang vận hành ứng dụng gọi xe cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tài xế, là đã sử dụng điện thoại dù bằng tay, mắt hay tai đều nên dừng xe và tắp vào lề để sử dụng xong sau đó mới di chuyển mới có thể bảo đảm an toàn khi lưu thông. 

Để đảm bảo an toàn giao thông thì mỗi người dân khi điều khiển phương tiện xe cơ giới lưu thông trên đường cần nâng cao nhận thức, nghiêm chỉnh thực hiện đúng quy định không sử dụng điện thoại di động khi lái xe dưới bất kỳ hình thức nào, để đảm bảo an toàn cho bản thân và người khác. 

Hiện nay, lực lượng chức năng cũng đã tăng cường phạt nguội thông qua camera giám sát hoặc sử dụng hình ảnh vi phạm do người dân cung cấp để xử phạt hành vi sử dụng điện thoại,…nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông hiện nay. 

Bình luận