Nắm đất đắt nhất thế giới giá 232.000 tỉ đồng

VOH - Một mảnh thiên thạch từ sao Hỏa, nặng chưa đến 1kg, đang được định giá khoảng 9 tỉ USD.

Không chỉ là vật chất đắt đỏ nhất từng được biết đến, mẫu đất sao Hỏa này còn là kho báu khoa học hiếm có, khiến cả giới nghiên cứu lẫn giới siêu giàu thèm khát. Nhưng để sở hữu được nó, tiền bạc thôi là chưa đủ.

Một mẩu thiên thạch Hỏa Tinh nặng khoảng 0,9kg đang được giới sưu tầm và khoa học ước tính có giá lên đến 9 tỉ USD (khoảng 232.000 tỉ đồng). Mức giá này khiến nó trở thành vật chất đắt nhất từng được con người biết đến. Tuy nhiên, ngay cả những tỷ phú có tài sản khổng lồ cũng không dễ gì chạm tay vào.

dat sao hoa_voh
2 pound đất sao Hoả, tức khoảng 0,9kg có giá ước tính 9 tỷ USD (232.000 tỷ đồng) - Ảnh Space

Các nhà khoa học cho biết các thiên thạch Hỏa Tinh đến được Trái Đất nhờ những vụ va chạm cực mạnh trên bề mặt sao Hỏa. Các tảng đá bị thổi văng vào không gian, rồi sau nhiều năm trôi nổi, một số đã rơi xuống Trái Đất. Đến nay, chỉ có vài trăm mảnh thiên thạch được xác định là có nguồn gốc từ sao Hỏa, với tổng trọng lượng chỉ vài chục kilogram.

Giá trị lớn nhất của những mảnh đá này nằm ở mặt khoa học. Chúng giúp các nhà nghiên cứu hiểu thêm về thành phần địa chất, lịch sử hình thành và khả năng từng tồn tại sự sống trên hành tinh đỏ. Mỗi gram bụi Hỏa Tinh được ví như một “cửa sổ” mở ra quá khứ hàng tỉ năm của vũ trụ.

Tiến sĩ Carl Agee, giám đốc Bảo tàng Thiên thạch thuộc Đại học New Mexico (Mỹ), nhận định đây là những “sứ giả thực sự từ một thế giới khác”, mang đến góc nhìn trực tiếp và độc nhất về sao Hỏa – điều mà kính viễn vọng hay tàu thăm dò không thể làm được.

Việc tìm kiếm, thu thập và bảo quản các mẫu vật sao Hỏa rất khó khăn, đòi hỏi thiết bị chuyên dụng và nguồn lực lớn. Đó là lý do khiến mỗi mảnh thiên thạch Hỏa Tinh đều trở thành món đồ siêu hiếm, vừa có giá trị nghiên cứu, vừa được giới sưu tầm săn lùng như báu vật.

Dù có đủ tiềm lực tài chính, các cá nhân cũng chưa chắc sở hữu được mảnh thiên thạch sao Hỏa vì nhiều quốc gia có quy định nghiêm ngặt về việc mua bán và xuất khẩu các di sản tự nhiên quý hiếm. Các bảo tàng và viện nghiên cứu thường được ưu tiên tiếp cận những mẫu vật này để phục vụ cho mục tiêu khoa học lâu dài.

Không chỉ đắt đỏ, “nắm đất” từ sao Hỏa còn là biểu tượng cho khát vọng khám phá vũ trụ – một giấc mơ mà không phải ai cũng có thể chạm tay tới.

Bình luận