Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Current Biology.
Loài kiến này có tên Vulcanidris cratensis, thuộc nhóm "kiến địa ngục", vốn từng phát triển mạnh mẽ trong Kỷ Phấn trắng nhưng hiện đã tuyệt chủng.
Vulcanidris là loài kiến cỡ trung bình, dài khoảng 1,35 cm, sở hữu bộ hàm đặc biệt giống lưỡi hái tử thần, giúp chúng ghim chặt hoặc đâm xuyên con mồi. Ngoài ra, loài kiến cổ này có cánh và một chiếc ngòi phát triển mạnh mẽ như ong bắp cày.
Ông Anderson Lepeco, nhà côn trùng học tại Bảo tàng Động vật học thuộc Đại học São Paulo và tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Với một người không chuyên, loài kiến này có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với một con ong bắp cày”.

Hóa thạch của loài kiến Vulcanidris cratensis 113 triệu năm tuổi được bảo quản trong đá vôi được khai quật ở đông bắc Brazil. - Ảnh: Reuters.
Theo ông Lepeco, loài kiến này sử dụng bộ hàm để xử lý con mồi theo cách rất đặc biệt. Khác với các loài kiến ngày nay, có bộ hàm mở theo phương ngang, hàm của Vulcanidris lại hoạt động theo hướng lên xuống.
Đáng chú ý, hóa thạch của loài Vulcanidris có niên đại sớm hơn khoảng 13 triệu năm so với những mẫu hóa thạch kiến từng được biết đến trước đây.
Trước đó, các nhà khoa học đã phát hiện một số ít loài “kiến địa ngục” trong các hóa thạch hổ phách ở Myanmar, Pháp và Canada, có niên đại từ 80 triệu đến 100 triệu năm.
Theo ông Lepeco, các bộ phận cơ thể của kiến Vulcanidris được bảo tồn tốt một cách đáng kinh ngạc trong lớp đá vôi thuộc tầng địa chất Crato, bang Ceará (Brazil), có thể được khai quật vào những năm 1980 hoặc 1990.
Hóa thạch này từng nằm trong một bộ sưu tập tư nhân trước khi được trao tặng cho Bảo tàng Động vật học Đại học São Paulo cách đây khoảng 5 năm.
Ông Lepeco chia sẻ: “Tôi đang tìm kiếm hóa thạch ong bắp cày trong bộ sưu tập thì bất ngờ nhận ra mẫu vật này là họ hàng gần của một loài ‘kiến địa ngục’ từng được mô tả trước đây trong hóa thạch hổ phách ở Myanmar”.
Các đặc điểm giải phẫu chuyên biệt của kiến Vulcanidris, cùng với 2 loài “kiến địa ngục” được tìm thấy ở 2 khu vực rất xa nhau trong cùng thời kỳ Kỷ Phấn trắng, cho thấy loài kiến Vulcanidris đã xuất hiện hàng chục triệu năm trước khi các loài “kiến địa ngục” khác tồn tại.
Theo ông Lepeco, các phân tích phân tử ước tính, loài kiến này đã tồn tại cách đây từ 168 triệu đến 120 triệu năm.
Các nhà khoa học tin rằng, kiến Vulcanidris tiến hóa từ một loài ong bắp cày cổ. Những họ hàng gần nhất còn sống của chúng hiện nay là ong bắp cày và ong mật.
Bên cạnh đó, loài kiến Vulcanidris có thể từng sống trong một hệ sinh thái phong phú. Các hóa thạch tại khu vực tầng địa chất Crato cho thấy, loài kiến này từng chung sống với nhiều loại côn trùng khác, bao gồm nhện, rết, các loài giáp xác, rùa, cá sấu, các loài bò sát bay (thằn lằn bay pterosaur), chim và khủng long, trong đó có loài khủng long ăn thịt có lông vũ Ubirajara. Những kẻ săn mồi của kiến Vulcanidris có thể bao gồm ếch, chim, nhện và các côn trùng lớn hơn.