Tiêu điểm: Nhân Humanity

Chế độ ăn thuần chay hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh thận, bệnh gút

VOH - Nghiên cứu mới nhất của Đài Loan (Trung Quốc) cho thấy, những bệnh nhân mắc chứng tăng axit uric máu nếu áp dụng chế độ ăn thuần chay có thể giảm 31% nguy cơ mắc bệnh thận.

Tăng axit uric máu có thể do sản xuất axit uric quá mức, ngược lại bài tiết axit uric thấp. Nồng độ axit uric trong máu phụ thuộc vào sự cân bằng giữa sản xuất và bài tiết axit uric.

Axit uric trong máu tăng cao không chỉ làm tăng nguy cơ cao mắc bệnh gút (gout) mà còn là nguyên nhân dẫn đến bệnh thận.

Chế độ ăn thuần chay hiệu quả trong ngăn ngừa bệnh thận, bệnh gút 1
Chế độ ăn thuần chay có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu và trọng lượng cơ thể, đồng thời giúp giảm nguy cơ phát bệnh thận - Ảnh: TVBS

Chế độ ăn thuần chay làm giảm nguy cơ bệnh thận do tăng axit uric máu

Bác sĩ Guo Kelin, Giám đốc Trung tâm lọc thận của Bệnh viện Ciji (Đài Bắc, Trung Quốc) đứng đầu nhóm nghiên cứu phân tích tác động trực tiếp và gián tiếp của chế độ ăn chay đối với phát bệnh thận mãn tính ở bệnh nhân tăng axit uric máu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, ăn thuần chay có thể giảm 31% nguy cơ biến chứng một cách hiệu quả. Kết quả nghiên cứu này đã được công bố trên tạp chí nổi tiếng nước ngoài “Chất dinh dưỡng – Nutrients”.

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một nghiên cứu trên những bệnh nhân tăng axit uric máu trong khoảng thời gian từ năm 2005 đến năm 2016.

Trong số 3.618 người tham gia thực nghiệm nghiên cứu, họ được chia thành một nhóm 225 người ăn thuần chay.

Nhóm thứ hai gồm 509 người ăn chay theo chế độ lacto-ovo (là một chế độ ăn chay về cơ bản dựa trên thực vật không bao gồm thịt, cá và gia cầm, nhưng bao gồm các sản phẩm từ sữa và trứng).

Và nhóm còn lại 2.884 người theo chế độ ăn “tự do”.

Kết quả cho thấy, bệnh nhân tăng axit uric máu trong nhóm theo chế độ ăn thuần chay có nguy cơ phát bệnh thận do tăng axit uric máu là thấp nhất.

Bác sĩ Guo Kelin giải thích rằng, các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thận khi tăng axit uric máu bao gồm nồng độ axit uric cao do hấp thu quá nhiều purine, chỉ số khối cơ thể (BMI) cao, thói quen hút thuốc, bị tiểu đường và tăng huyết áp.

Purine là một hợp chất hóa học có trong thực phẩm và đồ uống mà mọi người ăn uống hàng ngày như: thịt đỏ, hải sản, đồ uống có cồn (rượu bia).

Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, chế độ ăn chay thuần túy có thể làm giảm đáng kể 2 chỉ số đầu tiên (tức là giảm hấp thu quá nhiều purine, giảm chỉ số BMI), kéo theo giảm 31% nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính.

Theo chế độ ăn thuần chay có thể làm giảm nồng độ axit uric trong máu và trọng lượng cơ thể, đồng thời giúp giảm nguy cơ phát bệnh thận.

Người bị bệnh gút cũng có thể ăn các loại đậu và nấm

Bác sĩ Guo Kelin cho biết, cách theo chế độ ăn thuần chay đúng nhất là dựa trên nguyên tắc ăn “thực phẩm nguyên bản”, tức là có thể ăn được rau xanh, các loại nấm, các loại đậu và ngũ cốc nguyên hạt.

Đặc biệt, đậu và nấm là nguồn cung cấp protein tốt và sẽ không gây ra cơn gút ở bệnh nhân tăng axit uric máu.

Các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng thường khuyến cáo những bệnh nhân bị tăng axit uric máu nên ăn chay hoặc ăn chay lacto-ovo và sẽ thấy có sự cải thiện đáng kể chức năng thận trong khoảng 1 đến 2 tháng sau khi ăn chay.

Bác sĩ Guo Kelin nhấn mạnh, tăng axit uric máu có liên quan nhiều đến bệnh thận. Một nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy, người có chỉ số axit uric cao (>8,5mg/dL) thì họ có nguy cơ suy thận cao hơn 8 lần so với người có axit uric bình thường.

Nguyên do là tinh thể axit uric lắng đọng ở các khớp. Nó có thể gây ra bệnh gút và nhiều khả năng dẫn đến tổn thương thận.

Tuy nhiên, bác sĩ Guo Kelin khuyến cáo rằng, mọi người nếu ăn chay thì tốt nhất nên tránh các thực phẩm chay tinh chế và đồ chiên rán, chẳng hạn như đậu hủ chiên và bánh bao chiên.

Cũng như tránh các loại “thịt” làm từ thực phẩm chay chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt gà chay, giăm bông chay, xúc xích chay, tôm chay, cá chay….tránh ăn các thực phẩm này sẽ rất tốt cho bệnh gút và sức khỏe của thận.

Bình luận