Tiêu điểm: Nhân Humanity

TP.HCM với mục tiêu phát triển xanh và Net Zero cho Cần Giờ

VOH - Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giữ vai trò tiên phong phát triển xanh, thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.
TP.HCM với mục tiêu phát triển xanh và Net Zero cho Cần Giờ 1
Ảnh: Thanh Thoại

TP HCM là trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục - đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Hiện nay, biến đổi khí hậu là thách thức lớn của TP HCM nói riêng và cả nước nói chung, đòi hỏi thành phố phải từng bước thay đổi, có kế hoạch hành động, định hướng phát triển xanh, bền vững, trung hòa carbon, giảm phát thải.

Thành phố không phát thải - Net zero city

TP.HCM đang khởi động kế hoạch hành động hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải. Đây là kế hoạch quan trọng về năng lượng sạch, liên quan đến vấn đề cải tạo môi trường đô thị, chính sách huy động, thu hút đầu tư, cũng như thực hiện các giải pháp năng lượng sáng tạo.

Mục tiêu thành phố không phát thải (Net Zero city) nhằm tăng cường môi trường thuận lợi tại địa phương, huy động nguồn lực đầu tư và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Triển khai sản xuất 400 MW điện năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả và tiết kiệm; huy động 600 triệu USD đầu tư mới để khắc phục những thách thức trong lĩnh vực tài chính cho năng lượng sạch.

Tại hội thảo khởi động “Xây dựng kế hoạch hành động cho TPHCM hướng tới mục tiêu thành phố không phát thải”, Ông Trần Văn Bảy - Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM khẳng định, TP.HCM là trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn nhất của Việt Nam. Cùng sự phát triển, TP.HCM đang đi đầu đánh giá lượng phát thải, tìm kiếm giải pháp cũng như xây dựng kế hoạch nhằm góp phần thực hiện cam kết của Thủ tướng Chính phủ.

Triển khai một số hoạt động liên quan đến quản lý khí nhà kính như hỗ trợ xây dựng chiến lược và kế hoạch hướng tới phát thải ròng bằng '0' của TP.HCM; hỗ trợ các đơn vị phát thải khí nhà kính lớn nâng cao năng lực xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính hằng năm; nghiên cứu các biện pháp sử dụng nước hiệu quả trong các cơ sở công trình công lập tại TP.HCM; hỗ trợ các cơ sở sản xuất điện rác...

Chiến lược phát triển xanh bền vững

Cuối năm 2022, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 31 về định hướng phát triển TPHCM và gần đây Quốc hội có Nghị quyết 98 về cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Đây là những định hướng, khung pháp lý về thể chế, để TPHCM có điều kiện hơn thực hiện mục tiêu phát triển bền vững nhằm triển khai quá trình chuyển đổi xanh được nhanh chóng và thuận lợi hơn.

TPHCM đang rà soát chiến lược quy hoạch, đặc biệt ban hành các hệ thống chính sách TPHCM hướng tới chuyển đổi xanh và phát triển bền vững. Các chính sách phải tập trung hỗ trợ và thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, công nghệ, mô hình sản xuất, tiêu dùng và ở đó doanh nghiệp là trung tâm và được tiếp cận chính sách này và doanh nghiệp là người đi đầu trong việc thực hiện chuyển đổi.

TPHCM tập trung hoàn thiện hệ thống hạ tầng xanh, xây dựng nguồn nhân lực xanh, có những cơ chế thúc đẩy hợp tác quốc tế, hợp tác công - tư để TP triển khai chuyển đổi xanh, phát triển bền vững nhanh hơn và đúng hướng. TP đặt mục tiêu trong mục tiêu chung tiến đến trung hòa carbon đến năm 2050.

TP. HCM có điều kiện rất thuận lợi để trở thành "cực thu hút" các nguồn tài chính xanh trong xu thế gia tăng hiện nay. Trung tâm tài chính của thành phố phải là trung tâm tài chính quốc tế thế hệ mới, với tài chính khí hậu, tài chính xanh, tài chính công nghệ đóng vai trò trung tâm.

Với thế mạnh có hàng loạt các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu, chưa kể các cơ quan ngoại giao, tham tán thương mại, các tổ chức quốc tế, TPHCM phải là nơi dẫn dắt câu chuyện tăng trưởng và mới nhất đó là tăng trưởng xanh.

Tại Diễn đàn Kinh tế TP HCM (HEF) mới đây, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho rằng, trong mục tiêu chung của quốc gia tiến đến phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, TP.HCM cam kết tiên phong trong thực hiện mục tiêu này. Vì thế, TP.HCM xác định chuyển đổi xanh, phát triển bền vững sẽ là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới.

Tuy nhiên, TP.HCM cũng đang đối diện với những thách thức như biến đổi khí hậu, ùn tắc giao thông, thiếu hụt nhân lực, tác động của tính chu kỳ trong phát triển kinh tế. Theo ông Phan Văn Mãi, để ứng phó với những thách thức này, TP.HCM đang tái cơ cấu kinh tế, trong đó xác định kinh tế xanh là động lực thúc đẩy tăng trưởng phát triển bền vững giai đoạn tới.

Khung chiến lược phát triển xanh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,TP.HCM xác định lấy người dân và doanh nghiệp thành phố làm trung tâm chuyển đổi, đặt trọng tâm vào 4 nội dung, gồm: Nguồn lực xanh gồm nhân lực trình độ cao, tài chính xanh và hợp tác quốc tế; Hạ tầng xanh, gồm chuyển đổi năng lượng xanh, nước sạch và sử dụng nước tiết kiệm; Hành vi xanh trong tiêu dùng xanh, giao thông và xây dựng xanh. Các ngành nghề lĩnh vực tiên phong chuyển đổi xanh, gồm: sản xuất công nghệ cao, khởi nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, du lịch, nông nghiệp, thực phẩm xanh và xây dựng huyện Cần Giờ thành địa phương xanh.

TP.HCM cam kết bố trí đầy đủ nguồn lực để thực hiện, ứng phó với những thách thức biến đổi khí hậu, kẹt xe, môi trường...hướng tới phát thải ròng về 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Mục tiêu Net Zero cho Cần Giờ

Với lợi thế phần lớn diện tích là rừng ngập mặn, giáp biển, hệ sinh thái phong phú và độc đáo, kênh rạch chằng chịt, huyện Cần Giờ đang được TP Hồ Chí Minh triển khai thí điểm thực hiện mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống bằng 0 vào năm 2035.

TP.HCM với mục tiêu phát triển xanh và Net Zero cho Cần Giờ 2
Huyện Cần Giờ có bờ biển dài hơn 20km đang thí điểm trở thành khu đô thị Net Zero

TPHCM chọn huyện Cần Giờ để xây dựng thí điểm Net Zero và tập trung vào chuyển đổi các phương tiện thuỷ bộ trên địa bàn sử dụng nhiên liệu thân thiện, tập trung vào sử dụng năng lượng sạch, tập trung xử lý rác thải, chất thải với công nghệ tiên tiến; tập trung đánh giá và thí điểm giao dịch tín chỉ Carbon trên địa bàn Cần Giờ.

Tại hội thảo "Cần Giờ xanh, hướng tới đô thị sinh thái ven biển", Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố quyết định xây dựng Cần Giờ xanh, phát triển bền vững và cam kết nỗ lực để hiện thực hóa điều này. Cần Giờ sẽ là địa phương tiên phong thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2035, trước 15 năm so với cam kết của Việt Nam với quốc tế.

"Cần Giờ như một gạch nối quan trọng trong hành lang ven biển của TPHCM và trong xu hướng phát triển sắp tới. Vậy chúng ta phải định hướng đúng những bước đi để phát huy vị trí, vai trò của huyện đảo, sao cho đảm bảo mục tiêu phát triển đô thị, vừa giữ được những giá trị tự nhiên, văn hóa, môi trường, làm điều kiện cho sự phát triển xanh, bền vững", ông Phan Văn Mãi nhận định.

TP chọn ngành, chọn địa bàn để đi trước, từ đó có những bài học thành công để triển khai trên toàn TP. TP sẽ dành những nguồn lực tương xứng cho quá trình chuyển đổi xanh, phát triển bền vững để tham gia cùng với nỗ lực quốc gia, thực hiện đạt mục tiêu đến năm 2050 Net Zero”

Cần Giờ tập chung vào chuyển đổi các phương tiện đường thủy, đường bộ trên địa bàn sử dụng nhiên liệu thân thiện, tập trung vào sử dụng năng lượng sạch, tập trung xử lý rác thải, chất thải với công nghệ tiên tiến, đánh giá và thí điểm giao dịch tín chỉ carbon trên địa bàn Cần Giờ.

Về tín chỉ carbon, nghị quyết 98 cho phép TP.HCM được thí điểm giao dịch tín chỉ carbon, là vấn đề mới rất cần được tư vấn từ các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp về pháp lý, mô hình thí điểm, cách làm.

Bình luận