Theo quyết định mới, mức giá tối đa (chưa VAT) cho điện mặt trời mặt đất không có hệ thống lưu trữ pin ở miền Bắc là 1.382,7 đồng/kWh, miền Trung là 1.107,1 đồng/kWh và miền Nam là 1.012,0 đồng/kWh. Với điện mặt trời nổi, mức giá lần lượt là 1.685,8 đồng, 1.336,1 đồng và 1.228,2 đồng/kWh.
Điểm mới đáng chú ý là lần đầu tiên Bộ Công Thương đưa vào tính toán giá phát điện cho loại hình có hệ thống pin lưu trữ.
Tại miền Bắc, điện mặt trời mặt đất có pin lưu trữ có mức giá tối đa là 1.571,98 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.876,57 đồng/kWh. Mức giá này giảm dần ở miền Trung và miền Nam.
Thông số kỹ thuật áp dụng cho hệ thống pin lưu trữ bao gồm: công suất tối thiểu 10% công suất nhà máy điện mặt trời, thời gian lưu/xả là 2 giờ, tỉ trọng sản lượng điện sạc chiếm 5%.

So với khung giá năm 2023, mức giá mới có sự điều chỉnh chi tiết hơn theo vùng miền và loại hình công nghệ, thay vì áp dụng chung một mức trần như trước đây. Mức giá hiện tại vẫn bị đánh giá là thấp, không tạo sức hút với các nhà đầu tư.
Việc áp dụng khung giá như trên dựa trên quy định của thông tư 09 của Bộ Công Thương, quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục, phương pháp xác định, phê duyệt khung giá phát điện, quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xây dựng và khung giá nhập khẩu điện; đề nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Nhiều chuyên gia trong ngành năng lượng tái tạo cho rằng: Việc định giá bằng đồng Việt Nam trong khi phần lớn chi phí đầu tư (thiết bị, vốn vay) được tính bằng USD gây rủi ro tỷ giá.
Mức giá thấp và thiếu linh hoạt khiến nhiều dự án có nguy cơ không đảm bảo hiệu quả tài chính, nhất là trong bối cảnh các dự án bị vướng thủ tục nghiệm thu, chưa được cấp CCA (chứng nhận hoàn thành công trình).
Nếu không điều chỉnh phù hợp, chính sách giá mới có thể làm chậm tiến trình đầu tư vào năng lượng sạch - vốn được kỳ vọng là tương lai của an ninh năng lượng Việt Nam.