Thời điểm nắm bắt cơ hội của nhà đầu tư trong năm 2025

VOH - Quí cuối năm sẽ là thời điểm lý tưởng để nhà đầu tư tham gia thị trường, đặc biệt sau khi hệ thống KRX đi vào hoạt động và các tác động từ chính sách thuế quan dần rõ ràng.

Ngày 19/4/2025, tại TP.HCM, Hội thảo "Kết nối Tầm nhìn Châu Á - Tạo lập Kỷ nguyên Thịnh vượng" do Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam tổ chức.

Sự kiện thu hút sự tham gia của các chuyên gia tài chính - chứng khoán hàng đầu từ Việt Nam, Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan và gần 300 doanh nghiệp và nha đầu tư.

z6520939101120-faf9856b10b196a92b51baf86c107854-1745056119

Tọa đàm Kết nối tầm nhìn Châu Á - Tạo lập kỷ nguyên thịnh vượng thu hút nhiều chuyên gia quốc tế - Ảnh: CK Yuanta Việt Nam.

Hội thảo tập trung vào các chủ đề nóng như tác động của 90 ngày hoãn áp thuế từ Mỹ, cơ hội và thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam, triển vọng kinh tế dài hạn, cũng như các khuyến nghị đầu tư và định hướng cho các công ty niêm yết.

Bối cảnh kinh tế toàn cầu và tác động của chính sách thuế quan Mỹ

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và chính sách áp thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra những biến động lớn trên thị trường tài chính toàn cầu. Đặc biệt, thông báo áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua giai đoạn giảm điểm mạnh. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index nhanh chóng phục hồi, thể hiện sức chống chịu đáng kể so với nhiều thị trường khác trong khu vực.

z6520939151331-111bb7a0adc2d93155605bffeb636ecb-1745055720Ông Yen Chen Hui - Giám đốc Phân tích/ Phó Chủ tịch trung tâm Nghiên cứu, Bộ phận Tư vấn Đầu tư Chứng khoán Yuanta (YIC) chia sẻ tại Hội thảo.

Ông Yen Chen-Hui, Phó Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu thuộc Bộ phận Tư vấn Đầu tư Yuanta (YIC), nhận định:"Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội cho Việt Nam. Khi các doanh nghiệp toàn cầu giảm phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc, Việt Nam nổi lên như một điểm đến thay thế hấp dẫn, thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng giá trị sản xuất trong nước."

Theo ông Yen, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ hiện chiếm khoảng 30% kim ngạch, trong khi nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 30% tổng kim ngạch nhập khẩu, dẫn đến thâm hụt thương mại đáng kể. Tuy nhiên, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc có thể giúp Việt Nam bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống và tạo động lực tăng trưởng mới. Dù ngắn hạn có thể đối mặt với một số khó khăn, về dài hạn, Việt Nam được kỳ vọng hưởng lợi từ làn sóng này.

z6520939148076-d3bce2d02b92e9cbd39d357b8ae266a8-1745055501Ông Chu Ka Kit - Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Chứng khoán Yuanta Hong Kong chia sẻ về  Kinh nghiệm & Giải Pháp cho Việt Nam. 

Ông Chu Ka Kit, chuyên gia đến từ Hồng Kông, cho rằng:"Chính sách thuế quan của Mỹ có thể là cú hích cho sự chuyển mình của thị trường chứng khoán Việt Nam. Làn sóng dịch chuyển sản xuất đang khiến nhiều doanh nghiệp quốc tế chọn Việt Nam làm điểm đến, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn làm phong phú thêm thị trường vốn với sự tham gia của các doanh nghiệp mới."

Nhà đầu tư cần làm gì trong 90 ngày hoãn áp thuế

z6520939169025-c7f7c72bf25cb912e048beda978a608f-1745055826 Ông Matthew Smith - CFA/ Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích Khối KH tổ chức, Chứng khoán Yuanta Việt Nam chia sẻ lời khuyên với các nhà đầu tư Việt Nam .

Trong bối cảnh 90 ngày hoãn áp thuế (hạn cuối 9/7/2025), thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ dao động trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp. Ông Matthew Smith, Giám đốc Nghiên cứu tại Yuanta Việt Nam, nhấn mạnh: "Nhà đầu tư cần giữ bình tĩnh, tránh hoảng loạn trước biến động ngắn hạn. Với những người có tiềm lực tài chính, đây là cơ hội để tích lũy cổ phiếu chất lượng cao khi giá đã giảm về vùng hấp dẫn."

Ông Smith khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng tiền mặt cao, đồng thời cẩn trọng trong việc phân bổ danh mục. Đối với những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang ở mức giá "đáy", nhà đầu tư có thể cân nhắc mua vào với tỷ trọng hợp lý. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng giai đoạn từ nay đến tháng 7 sẽ không có nhiều biến động lớn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và chiến lược dài hạn.

Trong ba tháng tới, nhà đầu tư phải quản lý tốt danh mục. Giữa lúc kinh tế chung còn nhiều ẩn số, cần đa dạng các tài sản, có ít nhất 50% gửi vào các kênh tiền gửi tiết kiệm, trái phiếu, vàng…

"Quý 2 năm nay bất định, nhưng sau đó tình hình sẽ rõ ràng hơn. Điều quan trọng là sống sót qua quý 2, có tiền mặt để giữ quyền mua cổ phiếu khi cần", ông Yen chia sẻ.

Ông Yen Chen-Hui đặt câu hỏi:"Tham lam khi người khác sợ hãi là nguyên tắc đầu tư nổi tiếng, nhưng làm thế nào để 'tham lam' một cách thông minh?"

Theo ông, nhà đầu tư cần dựa vào phân tích cơ bản, lựa chọn các ngành hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, chẳng hạn như công nghiệp, logistics, và công nghệ. Đồng thời, việc quản trị rủi ro thông qua đa dạng hóa danh mục đầu tư là yếu tố then chốt để vượt qua giai đoạn bất ổn.

Cơ hội và thách thức của thị trường chứng khoán Việt Nam

Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại nhờ vị trí địa lý chiến lược và vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Theo ông Min Byungkyu, nhà đầu tư Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến các công ty niêm yết như Vingroup, SSI, Masan, Bảo Việt, PetroVietnam, Petrolimex.

Tại Thái Lan, ông Jaruchart Buchachart nhận định Việt Nam nổi bật với tốc độ tăng trưởng GDP mạnh, thu hút dòng vốn từ các doanh nghiệp lớn như CP, KBank, Central Pattana, Charoen Pokphand. Trên sàn chứng khoán, nhà đầu tư Thái ưu ái các cổ phiếu ngân hàng, công nghệ, dịch vụ CNTT và giáo dục, với các tên tuổi lớn như Vietcombank, FPT, Thế Giới Di Động.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Ông Jaruchart Chuchachart, chuyên gia đến từ Thái Lan, nhận định rằng:"Việt Nam hiện là một trong những thị trường chứng khoán hấp dẫn nhất Đông Nam Á. Với tăng trưởng GDP dự kiến đạt 8% trong năm 2025, dòng vốn FDI đổ mạnh và lực lượng lao động trẻ, Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực."

Ông Jaruchart nhấn mạnh rằng định giá thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức hợp lý, chưa bị "đắt" như một số thị trường lân cận. Điều này, kết hợp với xu hướng nhân khẩu học tích cực, tạo nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng dài hạn.

Thế nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam không tránh khỏi những thách thức. Ông Min Byungkyu, chuyên gia từ Hàn Quốc, cảnh báo:"Chính sách thuế quan và bất ổn địa chính trị có thể gây ra những biến động ngắn hạn, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Các công ty niêm yết cần minh bạch hơn trong báo cáo tài chính và cải thiện quản trị doanh nghiệp để duy trì niềm tin."

Thâm hụt thương mại với Trung Quốc và sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu cũng là rủi ro cần được theo dõi sát sao. Để giảm thiểu tác động, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ và nâng cao năng lực sản xuất nội địa.

Những nhóm tài sản nên ưu tiên trong năm 2025 là cổ phiếu ngành công nghiệp và logistics. Những ngành này được hưởng lợi trực tiếp từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng và tăng trưởng xuất khẩu. Các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực cảng biển, kho bãi và sản xuất hàng xuất khẩu được đánh giá cao.

Với sự gia tăng đầu tư vào công nghệ cao và chuyển đổi số, các công ty công nghệ niêm yết trên sàn HOSE và HNX là lựa chọn hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Ngành ngân hàng dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ nhu cầu tín dụng phục hồi và chính sách nới lỏng tiền tệ. Tuy nhiên, nhà đầu tư nên chọn các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp và quản trị tốt.

Với lãi suất ổn định và rủi ro thấp hơn cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp cũng là lựa chọn phù hợp cho nhà đầu tư thận trọng.

Ông Chu Ka Kit nhấn mạnh: "Đa dạng hóa danh mục là chìa khóa để quản trị rủi ro. Nhà đầu tư nên kết hợp giữa cổ phiếu tăng trưởng và tài sản an toàn như trái phiếu để tối ưu hóa lợi nhuận trong bối cảnh thị trường biến động."

Một trong những điểm sáng được thảo luận sôi nổi tại hội thảo là việc triển khai hệ thống giao dịch KRX sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2025. Ông Matthew Smith nhận định: "KRX không chỉ là bước tiến kỹ thuật mà còn là nền tảng cho sự đổi mới toàn diện của thị trường chứng khoán Việt Nam. Các cơ chế như T+0, giao dịch lô lẻ và sản phẩm phái sinh sẽ thu hút dòng vốn mới và tăng thanh khoản."

z6520939141911-aaae076c03fd40e3e7cac814ab8f9248-1745055915

Ông Min Byungkyu - Giám đốc Chiến lược Đầu tư, Chứng khoán Yuanta Hàn Quốc 

Việc nâng hạng thị trường lên thị trường mới nổi theo MSCI cũng được kỳ vọng sẽ tạo cú hích lớn. Ông Min Byungkyu chia sẻ: "Kinh nghiệm từ Hàn Quốc cho thấy nâng hạng thị trường có thể thu hút dòng vốn quốc tế lên tới hàng tỷ USD. Việt Nam cần tiếp tục cải cách, đặc biệt trong việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài và minh bạch hóa thị trường."

Triển vọng kinh tế Việt Nam và lợi thế xuất khẩu

Về triển vọng kinh tế, Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực. Với GDP tăng 7% trong năm 2024 và dự kiến đạt 8% trong năm 2025, Việt Nam tiếp tục thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế. Dòng vốn FDI mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất, là động lực quan trọng.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, Việt Nam được hưởng lợi từ sự gián đoạn thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ. Các sản phẩm như điện tử, dệt may và nông sản có cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa cơ hội, các doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về môi trường và lao động.

Các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư nên tập trung vào các chiến lược dài hạn, thay vì chạy theo biến động ngắn hạn. Ông Jaruchart Chuchachart nhấn mạnh:"Thời điểm từ nay đến cuối quý III/2025 là cơ hội để tích lũy cổ phiếu chất lượng. Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, đặc biệt trong các ngành hưởng lợi từ xuất khẩu và chuyển đổi số."

Việc tận dụng các sản phẩm tài chính mới như ETF và phái sinh trên hệ thống KRX cũng là cách để tối ưu hóa lợi nhuận. Nhà đầu tư cần nâng cao kiến thức tài chính và theo dõi sát các diễn biến vĩ mô để đưa ra quyết định kịp thời.

Để thu hút nhà đầu tư, các công ty niêm yết cần tập trung vào việc minh bạch thông tin, cải thiện chất lượng báo cáo tài chính và công bố thông tin kịp thời để xây dựng niềm tin. Áp dụng các tiêu chuẩn quản trị quốc tế, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền lợi cổ đông thiểu số. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động. Tập trung vào các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư quốc tế.

Ông Chu Ka Kit lưu ý: "Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, các công ty niêm yết không chỉ cần lợi nhuận mà còn phải thể hiện tầm nhìn chiến lược và trách nhiệm xã hội. Điều này sẽ giúp họ nổi bật trong mắt nhà đầu tư."

Thời điểm nắm bắt cơ hội trong năm 2025

Các chuyên gia đồng thuận rằng quý III và quý IV/2025 sẽ là thời điểm lý tưởng để nhà đầu tư tham gia thị trường, đặc biệt sau khi hệ thống KRX đi vào hoạt động và các tác động từ chính sách thuế quan dần rõ ràng. Ông Yen Chen-Hui dự báo:"Nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội từ nâng hạng thị trường và làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, thị trường chứng khoán có thể đạt mức tăng trưởng 15-20% trong vòng 12 tháng tới."

Ông cũng nhấn mạnh rằng nhà đầu tư cần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ việc xây dựng chiến lược đầu tư cá nhân hóa đến việc theo dõi sát các diễn biến chính sách toàn cầu. Sự kết hợp giữa kiên nhẫn, kiến thức và quản trị rủi ro sẽ là chìa khóa để thành công trong giai đoạn này.

Bình luận