Hiện nay, đũa tre được nhiều gia đình lựa chọn sử dụng vì vừa tiết kiệm, an toàn lại thân thiện với người dùng. Tuy nhiên, sau một thời gian, trên đũa xuất hiện những vết ố đen hoặc mốc. Vậy nguyên nhân là gì và làm thế nào để xử lý tình trạng này? Tham khảo ngay bài viết sau của VOH để "bỏ túi" các cách xử lý đũa tre bị mốc hiệu quả nhất.
Tại sao đũa tre bị mốc?
Tình trạng đũa tre bị mốc có thể xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Độ ẩm cao
Sau khi rửa, nhiều người có thói quen không lau khô đũa mà cất trực tiếp vào ống đũa hoặc trong những không gian kín (như ngăn kéo, túi nhựa...). Môi trường bảo quản này khiến độ ẩm không thoát ra được. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Do đó, bạn nên làm khô đũa tre sau khi rửa. Đồng thời bảo quản đũa ở những nơi có gió, không khí lưu thông tốt.
Tiếp xúc với thực phẩm dễ bị mốc
Nếu bạn thường xuyên sử dụng đũa tre để gắp các thực phẩm dễ bị mốc như rau củ quả, trái cây, thức ăn hỏng..., mốc có thể lây lan từ thực phẩm sang đũa tre. Để tránh tình trạng này, bạn nên rửa sạch đũa ngay sau khi dùng và không để chúng gần những thực phẩm dễ bị hư hỏng.
Xem thêm:
Mẹo dùng tủ lạnh tiết kiệm điện
Bát đĩa dùng xong nên rửa hay ngâm?
Dầu ăn thừa xử lý sao cho đúng?
Hướng dẫn cách xử lý đũa tre bị mốc chi tiết
Chỉ với các thao tác đơn giản, bạn có thể tẩy sạch vết mốc trên đũa một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Dùng chanh hoặc giấm
Ngoài làm gia vị, chanh và giấm còn là nguyên liệu phổ biến trong việc làm sạch không gian bếp cũng như các vật dụng trong bếp.
Để làm sạch đũa tre bị mốc, đầu tiên, bạn pha dung dịch nước cốt chanh hoặc giấm với nước sôi. Tiếp đến cho đũa tre vào ngâm trong khoảng từ 10 - 15 phút để loại bỏ mùi hôi và tiêu diệt vi khuẩn. Sau khi ngâm xong, bạn lấy đũa ra và rửa sạch với nước. Cuối cùng dùng khăn bông lau lại, rồi đem phơi dưới ánh nắng mặt trời đến khi đũa thật khô mới đem vào cất.
Dùng baking soda
Một trong những công dụng nổi bật của baking soda là tẩy mốc và làm sáng bóng đồ dùng, trong đó có đũa tre.
Trước tiên, hãy lấy một lượng baking soda vừa đủ trộn chung với nước cốt chanh. Sau đó, lấy hỗn hợp vừa pha thoa đều lên phần đũa bị mốc rồi đem phơi dưới ánh nắng khoảng 30 phút. Rửa sạch đũa với nước nóng, phơi khô và cất vào giỏ đựng.
Dùng muối
Muối cũng có thể loại bỏ vết mốc trên đũa tre. Để thực hiện, bạn bắc một nồi nước lên bếp rồi cho vào một ít muối trắng. Khi nước sôi, thả đũa bị mốc vào và đun sôi khoảng 5 phút. Tiếp đến vớt đũa ra và dùng khăn lau sạch. Phơi khô đũa dưới ánh nắng mặt trời ít nhất một ngày để diệt khuẩn.
Dùng giấm và mật ong
Dung dịch giấm và mật ong không chỉ có tác dụng loại bỏ vết mốc mà còn giúp đũa tre trông sáng bóng hơn.
Pha mật ong với giấm vào một bát nước to rồi khuấy đều cho đến khi hỗn hợp hòa tan. Dùng khăn sạch nhúng vào hỗn hợp rồi vắt sao cho khăn còn hơi ẩm. Tiếp đến lau lên đũa tre cho đến khi vết mốc biến mất. Cuối cùng, phơi đũa dưới ánh nắng cho thật khô là xong.
Xem thêm:
Sự nguy hại của vết xước trên chảo chống dính
Bật mí 10 mẹo giúp quần áo khô nhanh trong mùa mưa ẩm
12 công dụng của muối ăn mà ít ai ngờ!
Làm thế nào để đũa tre không bị mốc?
Sau đây là các mẹo bảo quản đũa tre không bị mốc mà bạn cần biết để bảo vệ sức khỏe cho gia đình.
Xử lý đũa trước khi sử dụng
Sau khi mua đũa về, bạn nên ngâm đũa trong dung dịch nước muối loãng (pha với nước sôi). Tiếp đến đem đũa đã ngâm phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Khi đũa khô, bạn có thể an tâm sử dụng.
Tránh ngâm đũa quá lâu trong nước
Nhiều người có thói quen ngâm chén bát rất lâu, thậm chí để qua đêm mới rửa. Phần vì bận rộn, phần vì cho rằng, ngâm nước trước sẽ dễ dàng đánh bay các vết bẩn. Tuy nhiên, việc này lại tìm ẩn nhiều rủi ro, gây hại cho sức khỏe. Bởi đây là môi trường thuận lợi dành cho vi khuẩn phát triển. Điều này không chỉ khiến đũa nhanh bị mốc, mà còn tăng khả năng gây nên các bệnh về tiêu hóa, đặc biệt là với những người có hệ miễn dịch kém.
Rửa đũa kỹ sau khi sử dụng
Việc làm sạch thức ăn thừa, dầu mỡ bám trên đũa rất quan trọng để ngăn chặn sự sinh sôi và phát triển của vi khuẩn. Nếu bạn không thể tẩy sạch các mảng bám, hãy luộc đũa trong nước sôi cùng một ít muối và chanh. Cách làm này giúp dầu mỡ, thức ăn thừa bong ra khỏi đũa và tiêu diệt vi khuẩn. Hãy phơi khô và lau sạch đũa trước khi bảo quản nhé!
Không nên chà xát mạnh
Mặc dù cần rửa đũa kỹ sau khi sử dụng, tuy nhiên, bạn không nên chà xát đũa quá mạnh. Việc này sẽ tạo ra những vết xước trên thân đũa bởi đây là môi trường trú ngụ tuyệt vời của vi khuẩn.
Làm khô đũa sau khi rửa
Như đã nói ở trên, môi trường ẩm là một trong những nguyên nhân khiến đũa bị mốc. Do đó, sau khi rửa sạch đũa, bạn nên lau khô rồi đem chúng phơi dưới ánh nắng.
Vào những ngày mưa hoặc buổi tối, hãy lau khô rồi đặt đũa ở nơi thoáng mát. Lưu ý, tránh để đũa tiếp xúc với những nơi ẩm ướt vì vi khuẩn gây bệnh dễ sinh sôi và phát triển.
Vệ sinh khay/ống đựng đũa
Khay/ống đựng đũa không được làm sạch thường xuyên cũng là môi trường khiến đũa bị ẩm và xuất hiện các vết đen hoặc mốc. Vì vậy, đừng quên vệ sinh sạch sẽ nơi đựng đũa để ngăn chặn vi khuẩn phát triển.
Thay đũa mới định kỳ
Nhiều gia đình có thói quen chỉ thay đũa sau khi chúng đã quá cũ. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, đũa tre chỉ nên sử dụng trong 4 - 5 tháng. Do đó, hãy thay đũa mới định kỳ để bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, nếu đũa xuất hiện các dấu hiệu sau, bạn cần loại bỏ ngay: đũa đổi màu, có vết nứt, khe rãnh, nham nhở hoặc có mùi hôi.
Trên đây là các cách xử lý đũa tre bị mốc nhanh chóng nhưng vô cùng hiệu quả. Việc này vừa giúp bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình, vừa giúp bữa cơm nhà thêm phần ngon miệng.
Đừng quên theo dõi VOH Mẹo vặt để cập nhật liên tục những kiến thức mới nhất, hấp dẫn nhất.