Tiêu điểm: Nhân Humanity

Hành trình chuyển đổi để phát triển của ngành Bưu điện

VOH - Lịch sử phát triển của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam gắn liền với lịch sử của Ngành Bưu điện suốt 78 năm xây dựng và phát triển.

Trong bất cứ giai đoạn lịch sử nào, dù ngành trải qua nhiều tên gọi khác nhau như: Nha Bưu điện, Nha Bưu điện - Vô tuyến, Tổng cục Bưu điện, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Bưu điện Việt Nam luôn là một phần không thể tách rời, đóng góp vào sự phát triển của ngành và của đất nước

Năm 2007, sau khi được thành lập với tên gọi mới – Tổng công ty Bưu chính Việt Nam chính thức có pháp nhân riêng, thực hiện tổ chức sản xuất và hạch toán độc lập với khối Viễn thông và hoạt động độc lập với tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam.

5 năm sau, năm 2012, Tổng công ty được đổi tên thành Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, hình thành một Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt trong lĩnh vực bưu chính và hoàn toàn tự chủ về tài chính.

Tổng công ty xác định phát huy hiệu quả mạng lưới 13.000 điểm phục vụ đến tận cấp xã, đa dạng hóa, sản phẩm, dịch vụ và đổi mới hoạt động trên tất cả các lĩnh vực với 3 trụ cột dịch vụ bưu chính, tài chính bưu chính và phân phối truyền thông để xây chắc ngôi nhà Bưu điện Việt Nam.

Tại mỗi trụ cột, các dịch vụ đều được đổi mới để phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường.

Cùng với các dịch vụ truyền thống, Tổng công ty đã điều chỉnh mô hình kinh doanh các nhóm dịch vụ, triển khai thêm 2 dịch vụ mới, tạo thành 5 trụ cột kinh doanh: Bưu chính chuyển phát, tài chính bưu chính, phân phối bán lẻ, logistics và dịch vụ số.

Bưu điện Việt Nam chuyển đổi mô hình hoạt động, đẩy nhanh quá trình tự động hóa, tối ưu vận hành, nâng cao năng lực cạnh tranh, duy trì hiệu quả, chất lượng các dịch vụ.

Qua đó, tạo ra những giá trị mới, đem lại ngày càng nhiều những lợi ích cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội và hướng đến sự phát triển bền vững trong lĩnh vực chuyển phát nhanh.

Bưu điện Việt Nam hiện đang triển khai khoảng 30 hệ thống, phần mềm, ứng dụng công nghệ vào tất cả các công đoạn chấp nhận, khai thác, vận chuyển, chăm sóc khách hàng, đối soát - thanh toán cũng như quy trình marketing, quản lý, giám sát, đo lường chất lượng,…

Hành trình chuyển đổi để phát triển của ngành Bưu điện 1
Quang cảnh lễ phát động "Chiến dịch 150 ngày về đích" tại điểm cầu Tổng công ty Bưu điện Việt Nam

Để đẩy nhanh tốc độ xử lý đơn hàng và giao hàng thương mại điện tử, Bưu điện Việt Nam đã đầu tư trang bị hệ thống dây chuyền chia chọn tự động Cross Belt 2 tầng hiện đại tại 7 HUB khai thác vùng.

Với công suất hàng chục ngàn bưu kiện gửi/giờ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo tích hợp xử lý thông tin, phân tích hình ảnh, hệ thống cho phép chia chọn bưu kiện tốc độ cao chính xác 100% theo hàng trăm hướng đến tận cấp huyện, xã, rút ngắn đến 70% thời gian khai thác, giao nhận hàng hóa.

Bưu điện Việt Nam đang xây dựng và vận hành 2 trên 35 nền tảng số quốc gia là Địa chỉ số và sàn TMĐT Postmart.

Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số phục vụ cho phát triển thương mại điện tử và kinh tế số, hướng tới hình thành hệ sinh thái dữ liệu mở nhằm mang đến sự trải nghiệm tốt nhất cho người dùng trong việc lưu trữ, sử dụng và chia sẻ địa chỉ, vị trí chính xác, dễ dàng, nhanh chóng góp phần triển khai Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam.

Bưu điện Việt Nam triển khai đồng loạt các chương trình hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.

Đến nay, sàn Postmart.vn đã có gần 5,3 triệu tài khoản, hơn 151.000 sản phẩm được đưa lên sàn với 1,2 triệu giao dịch đã được thực hiện.

Xây dựng Trung tâm một cửa hỗ trợ triển khai chính phủ điện tử; đổi mới cơ chế trong giải quyết, cải cách thủ tục hành chính trở thành cánh tay nối dài của Chính phủ, thành cầu nối giữa chính quyền các cấp với người dân trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Ngoài việc tiếp nhận, chuyển phát kết quả, Bưu điện Việt Nam còn tham gia trực tiếp tại bộ phận hành chính công các cấp để số hoá hồ sơ, chuyển dịch trụ sở thực hiện các thủ tục hành chính công sang Bưu điện.

Ông Lê Hải Hòa - Chánh Văn phòng Bưu điện TPHCM cho biết: "Năm nay, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam phát động “Chiến dịch 150 ngày” với phương châm “Hành động quyết liệt trên quy mô toàn mạng lưới, toàn lực lượng nỗ lực hoàn thành 56% doanh thu còn lại của năm 2023”.

Bưu điện TPHCM đặt mục tiêu phát triển 10.000 khách hàng mới trong “Chiến dịch 150 ngày về đích”, và đã lên kế hoạch cụ thể.

Mỗi cán bộ công nhân viên, người lao động trong toàn đơn vị phấn đấu phát triển ít nhất 1 khách hàng mới/tháng, cam kết đảm bảo gia tăng doanh thu khách hàng hiện hữu và nâng cao chất lượng dịch vụ, chất lượng phục vụ".

Trải qua hành trình miệt mài, bền bỉ trong đấu tranh và xây dựng đất nước, hay gần đây nhất là trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 phức tạp, Bưu điện Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò sứ mệnh của mình, đó là “phục vụ cộng đồng”.

Cách đây 78 năm, ngày 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng liên quan đến Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, trong đó có Nghị quyết về Thông tin liên lạc.

Đây là sự kiện lịch sử quan trọng, là mốc son khởi nguồn cho sự ra đời của Bưu điện Việt Nam. Ngày 15/8/1945 đã đi vào lịch sử và chính thức trở thành Ngày truyền thống của Ngành Bưu điện.

Bình luận