Công trình nghiên cứu này là kết quả hợp tác giữa đại học King’s College London và đại học Imperial College London, được phát triển trong suốt hơn một thập kỷ qua.
Theo nhóm nghiên cứu, thành công này có thể trở thành giải pháp thay thế cho các phương pháp điều trị hiện nay như trám răng hoặc cấy ghép răng.
Cụ thể, các nhà khoa học đã phát triển một vật liệu mô phỏng môi trường phát triển tự nhiên của răng, cho phép các tế bào gửi tín hiệu và bắt đầu quá trình hình thành răng.

Răng được nuôi cấy từ chính tế bào của bệnh nhân có thể tích hợp tự nhiên vào hàm và tự phục hồi như răng thật. - Ảnh: stock.adobe.com.
Tiến sĩ Ana Angelova-Volponi, Giám đốc khoa Nha khoa Tái tạo tại đại học King’s College London, nhận định, nghiên cứu này có thể làm thay đổi hoàn toàn cách tiếp cận trong lĩnh vực nha khoa.
Theo nghiên cứu, một số loài động vật như cá mập hay voi có khả năng mọc răng mới, trong khi con người chỉ có một lần thay răng khi bước vào tuổi trưởng thành. Vì vậy, nếu có thể tái tạo răng, đây sẽ là một bước tiến mang tính cách mạng trong y học răng hàm mặt.
Không giống như việc cấy ghép và trám răng, vốn không thể thích nghi với thay đổi theo thời gian, răng được nuôi cấy từ chính tế bào của bệnh nhân có thể tích hợp tự nhiên vào hàm và tự phục hồi như răng thật.
Bà Angelova-Volponi cho biết, nghiên cứu đã tạo ra một môi trường mới bằng cách sử dụng các vật liệu đặc biệt, giúp các tế bào giao tiếp hiệu quả và bắt đầu hình thành răng ngay trong đĩa cấy. Môi trường này còn có thể được điều chỉnh linh hoạt để thúc đẩy sự hình thành răng.
Theo bà Angelova-Volponi, với bước tiến này, chúng ta có thể tiến gần hơn tới khả năng nuôi cấy răng người trong phòng thí nghiệm trong tương lai không xa.
Ông Xuechen Zhang, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại đại học King’s College London, cho biết, trám răng không phải là giải pháp lý tưởng để phục hồi rang, vì theo thời gian, vật liệu trám có thể làm suy yếu cấu trúc răng, dễ gây ê buốt hoặc sâu răng tái phát. Trong khi đó, cấy ghép răng đòi hỏi phẫu thuật xâm lấn và cần sự tương thích tốt giữa trụ chân răng và xương ổ răng.
Ông Zhang cho rằng, cả hai phương pháp đều là giải pháp nhân tạo, không thể tái tạo đầy đủ chức năng sinh học của răng thật và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng lâu dài. Ngược lại, răng được nuôi cấy từ tế bào sinh học có khả năng tái tạo tự nhiên, tích hợp với xương hàm như răng thật.
Nhóm nghiên cứu hiện đang thử nghiệm nhiều cách để đưa răng vào khoang miệng, bao gồm việc cấy trực tiếp các tế bào răng non vào vị trí mất răng để chúng phát triển tự nhiên trong khoang miệng, hoặc nuôi cấy một chiếc răng hoàn chỉnh trong phòng thí nghiệm trước khi cấy ghép.
Theo ông Zhang, dù theo phương án nào, nhóm nghiên cứu đều phải bắt đầu quá trình hình thành răng từ giai đoạn sớm trong phòng thí nghiệm.