Cụ thể, vào khoảng 6h30 sáng 8/4, có khoảng 30 học sinh đã mua và ăn cơm nắm tại một cửa hàng bánh mì nằm gần cổng Trường Trung học cơ sở Đội Cung.
Món cơm nắm được cho là có thành phần gồm: gạo tẻ, xúc xích, cà rốt, trứng gà, rong biển và nước tương.
Đến khoảng 9h30 – 12h trưa cùng ngày, 12 học sinh trong số đó xuất hiện các triệu chứng đau bụng, buồn nôn.

Các em đều đang theo học tại Trường Tiểu học thị trấn Đô Lương. Ngay lập tức, giáo viên chủ nhiệm đã đưa các em đến phòng y tế trường để sơ cứu ban đầu.
Trong số 12 học sinh, 8 em được chuyển đến Trạm Y tế thị trấn để tiếp tục theo dõi và điều trị, 4 em còn lại được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương. Chẩn đoán ban đầu là rối loạn tiêu hóa nghi do ngộ độc thực phẩm.
Đến 16h cùng ngày, tình trạng sức khỏe của cả 12 em đều đã ổn định, các triệu chứng ngộ độc không còn và các em đã được cho về nhà.
Ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra cơ sở bán thức ăn đường phố nói trên.
Kết quả ban đầu cho thấy khu vực chế biến đảm bảo vệ sinh, tách biệt khu ô nhiễm; người chế biến có sử dụng găng tay và đồ bảo hộ.
Ngoài cơm nắm, cơ sở này còn bán bánh mì tam giác kẹp thịt. Tuy nhiên, các học sinh ăn bánh mì không có biểu hiện bất thường, cho thấy nghi ngờ tập trung vào món cơm nắm.
Trung tâm Y tế Đô Lương đang tiếp tục điều tra, lấy mẫu thức ăn để xác định chính xác nguyên nhân gây ra vụ ngộ độc.
Ngành chức năng khuyến cáo phụ huynh cần chú ý nguồn gốc thực phẩm con em mình tiêu thụ, đặc biệt là các món ăn mua ở cổng trường.
Các nhà trường cũng nên tăng cường phối hợp kiểm tra, tuyên truyền để đảm bảo an toàn thực phẩm, tránh những vụ việc đáng tiếc xảy ra.
Gần đây xảy ra nhiều vụ học sinh bị ngộ độc sau khi ăn thực phẩm mua trước cổng trường.
Tháng 4/2024, 28 học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa bị nôn ói, đau bụng sau khi ăn cơm cuộn, cơm nắm trước trường.
Cũng trong thời gian này, 28 nữ học sinh THCS ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng phải nhập viện sau khi ăn kẹo mua trước cổng trường