Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Stroke của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA).
Kết quả nghiên cứu cho thấy, các ca đột quỵ không rõ nguồn gốc ở những người có PFO thường liên quan đến các yếu tố nguy cơ không điển hình như bệnh thận mãn tính, ung thư hoặc huyết khối tĩnh mạch.
Trong đó, chứng đau nửa đầu có tiền triệu, biểu hiện qua các rối loạn thị giác như thấy chớp sáng, là nguyên nhân nổi bật nhất, đặc biệt ở phụ nữ.
Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ đặc thù ở nữ giới như bệnh đái tháo đường thai kỳ, tiền sản giật hoặc các biến chứng thai kỳ khác cũng xuất hiện phổ biến hơn ở phụ nữ từng bị đột quỵ, dù có PFO hay không, so với nhóm chưa từng bị đột quỵ.

Nguồn: Japantoday.
Tiến sĩ Jukka Putaala, trưởng khoa Đột quỵ tại Bệnh viện Đại học Helsinki (Phần Lan) và tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ, điều khiến nhóm nghiên cứu bất ngờ chính là vai trò của các yếu tố nguy cơ không điển hình, đặc biệt là chứng đau nửa đầu, dường như là một trong những nguyên nhân chính gây đột quỵ ở người trẻ.
Theo ông Putaala, mặc dù các yếu tố nguy cơ điển hình như huyết áp cao, béo phì, tiểu đường tuýp 2, hút thuốc và cholesterol cao vẫn rất quan trọng, nhưng kết quả nghiên cứu cho thấy, cần xem xét lại cách tiếp cận hiện tại để đánh giá và kiểm soát nguy cơ đột quỵ ở người trẻ một cách phù hợp hơn.
Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu sức khỏe của 523 người trong độ tuổi từ 18 đến 49 tuổi từng bị đột quỵ thiếu máu cục bộ không rõ nguồn gốc, bao gồm cả những người có và không có PFO, và so sánh với 523 người cùng độ tuổi nhưng không có tiền sử đột quỵ.
Dữ liệu này được trích từ nghiên cứu “Tìm kiếm lời giải thích cho đột quỵ không rõ nguồn gốc ở người trẻ tuổi” (SECRETO), với sự tham gia của 19 trung tâm y tế tại 13 quốc gia châu Âu, kéo dài từ cuối năm 2013 đến đầu năm 2022.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích mối liên hệ giữa các ca đột quỵ của người tham gia với 12 yếu tố nguy cơ điển hình, 10 yếu tố không điển hình cùng 5 yếu tố nguy cơ đặc thù ở nữ giới.
Kết quả cho thấy, sau khi điều chỉnh các yếu tố như tuổi, giới tính và trình độ học vấn, mỗi yếu tố nguy cơ không điển hình bổ sung làm tăng hơn gấp đôi khả năng đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người có PFO, trong khi ở nhóm không có PFO, nguy cơ tăng khoảng 70%.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng, nghiên cứu này chỉ dựa trên việc phân tích dữ liệu sẵn có nên chưa thể kết luận mối quan hệ nhân quả trực tiếp. Ngoài ra, do 95% người tham gia là người da trắng ở châu Âu, họ vẫn chưa rõ liệu kết quả này có thể áp dụng cho các nhóm dân cư khác hay không.
Ông Putaala nhận định, có tới một nửa số ca đột quỵ thiếu máu cục bộ ở người trẻ là đột quỵ không rõ nguồn gốc. Vì vậy, để phòng ngừa hiệu quả, việc đánh giá đầy đủ và định kỳ cả các yếu tố nguy cơ điển hình lẫn không điển hình ở người trẻ là rất quan trọng.